Giải tỏa áp lực sau 8 ngày thi vào trường chuyên

Hà NộiRa khỏi điểm thi trưa 19/7, Trần Khoa Vũ cười rạng rỡ vì đã kết thúc bài thi thứ 10 ở ba trường THPT chuyên trong 8 ngày.

Vũ coi 8 ngày vừa qua là khoảng thời gian khó quên nhất sau 9 năm học phổ thông. “Chưa bao giờ em nghĩ mình chỉ thi và thi trong hơn một tuần liền với điệp khúc Toán, Văn, Hóa, Anh. Có lẽ sự kiện như này không diễn ra lần thứ hai trong đời”, Vũ nói.

Là học sinh trường THCS Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, một trường tư thục có tiếng ở Hà Nội, từ đầu năm lớp 8, Vũ xác định sẽ học chuyên sâu môn Hóa để đăng ký thi tuyển vào một trường THPT chuyên. Suốt hai năm, em tập trung học ở trường, học thêm các môn sẽ thi ở bên ngoài kết hợp tự học. Dù đặt mục tiêu cao nhất là đỗ lớp chuyên Hóa trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, Vũ vẫn đăng ký thi thêm vào trường chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, vừa để tăng cơ hội trúng tuyển, vừa để cọ xát xem năng lực của mình tới đâu.

Lúc đăng ký, Vũ không nghĩ lịch thi lại liên tiếp đến vậy bởi như năm ngoái, giữa kỳ thi của hai trường chuyên thuộc đại học và kỳ thi của Sở Giáo dục và Đào tạo có 3 ngày nghỉ. Em còn cảm thấy thoải mái vì Hà Nội bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10 và các kỳ thi được lùi lịch do ảnh hưởng của Covid-19, giúp em có thời gian ôn tập. Thế nhưng khi các trường thông báo lịch thi, Vũ choáng. “Ngày 12-13/7 thi chuyên Khoa học Tự nhiên, 14-15/7 thi chuyên Sư phạm, 16-19/7 là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập và chuyên thuộc Sở”, Vũ nói vanh vách.

Nam sinh rời điểm thi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, ngày 18/7. Ảnh: Thanh Hằng.

Nam sinh rời điểm thi trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ngày 18/7. Ảnh: Thanh Hằng.

Đến ngày thi đầu tiên, hôm 12/7, Vũ càng cảm thấy căng thẳng, thậm chí tức tối bởi lịch thi đã dồn vào một tuần lại đúng tuần nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn 37-38 độ C. Đã vậy kết thúc hai ngày thi ở trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, điểm dự đoán chỉ trên trung bình, Vũ càng thêm áp lực. Dù được nhiều anh chị đi trước khuyên giữ tinh thần, không ôn tập trong những ngày thi, tối nào em cũng mở sách vở ra đọc bởi “động vào sách vở mới cảm thấy yên tâm”.

Ba ngày vừa qua, dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, Vũ mới bớt căng thẳng bởi đề thi do Sở ra ở tất cả môn đều vừa sức. Như sáng nay, dù thi môn chuyên Hóa, em vẫn thấy nhẹ nhõm vì đề dễ hơn hẳn so với khi thi vào trường chuyên của hai trường đại học. Ngoài chuyện phòng thi hơi nóng vì không được bật điều hòa, Vũ hai lòng với buổi thi thứ 10 liên tiếp trong 8 ngày.

“Thật vui vì chuỗi ngày thi căng thẳng đã kết thúc. Bố mẹ đã luôn động viên và sát cánh bên em trong suốt những ngày thi, thậm chí đã đặt vé đi du lịch ngay sau khi em thi xong. Sáng mai, cả nhà em sẽ có mặt ở Đà Nẵng, nghĩ tới thôi em đã thấy hạnh phúc rồi”, Vũ nói. Vì đã cố gắng hết sức ở các kỳ thi, Vũ quyết định không lăn tăn gì về việc làm sai hay đúng nữa. Em hy vọng kết quả khả quan để trúng tuyển vào ít nhất một trường chuyên, đặc biệt là Hà Nội – Amsterdam.

Bàn luận xong với nhóm bạn về bài thi môn Vật lý chuyên trước cổng điểm thi trường THCS Lê Quý Đôn – Cầu Giấy, Bùi Quang Thành, học sinh trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng, cũng tỏ ra thoải mái. Thành đăng ký vào ba trường THPT chuyên và thi liên tiếp trong 8 ngày.

“Ban đầu, em thấy việc thi liên tiếp 8 ngày là bình thường nhưng phải thi trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đầu tiên khiến em căng thẳng, áp lực hơn bởi đề thi vào trường này là khó nhất. Hôm đó em làm bài lại không tốt, về so đáp án thấy điểm hai môn Toán, Lý chỉ ở mức 5 nên khá thất vọng”, nam sinh từng thi học sinh giỏi Vật lý cấp thành phố chia sẻ.

Xác định phải đỗ chuyên để được học tập trong ngôi trường có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy, học tập tốt hơn, Thành đã cố gắng cân bằng tinh thần, luôn nghĩ về việc đề thi vào trường chuyên Sư phạm và chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ dễ hơn để thoải mái.

“Kết thúc một sự kiện quan trọng sẽ luôn cho mình cảm giác nhẹ nhõm. Lúc này, em cũng vậy”, Thành nói. Với việc làm “khá tốt” bốn bài thi ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, Thành hy vọng có một suất vào lớp chuyên Lý của trường chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Thí sinh thi vào trường THTP chuyên Hà Nội - Amsterdam sáng 19/7. Ảnh: Dương Tâm.

Thí sinh kết thúc môn thi chuyên cuối cùng sáng 19/7 tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn – Cầu Giấy. Ảnh: Dương Tâm.

Vũ Quỳnh Nga, học sinh trường THCS thị trấn Văn Điển, thở phào khi kết thúc môn thi cuối cùng – Tiếng Anh chuyên trong kỳ thi vào lớp 10. Khác với nét mặt hồi hộp hôm làm thủ tục, Nga trò chuyện với mọi người thoải mái hơn.

Nữ sinh cho biết so với lần làm đề thi thử của trường Hà Nội – Amsterdam, hôm nay em làm bài Tiếng Anh tốt hơn. Với thế mạnh ở phần viết, Quỳnh Nga thấy tự tin khi bài luận yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm về việc giới trẻ coi việc đọc báo, lên mạng xã hội là cách luyện tập giao tiếp. Không đồng ý với nhận định này, nữ sinh đưa quan điểm phản biện với hai luận điểm, hoàn thành trong 30 phút. Trong buổi thi ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh chung diễn ra vào 17 và 18/7, Nga cũng hoàn thành tốt.

“Tuy bài làm còn mắc lỗi và sai một số câu, em thấy nhẹ nhõm sau khi hoàn thành một trong những kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh”, Nga chia sẻ.

Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng như trút được gánh nặng sau 8 ngày đồng hành cùng con. Thấy bóng con gái thấp thoáng đi ra cổng trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sau khi kết thúc bài thi Tiếng Anh chuyên, chị Minh Thư, 40 tuổi, quận Cầu Giấy, mừng rỡ, vẫy tay gọi con. Khác với mọi hôm, chị không hỏi con có làm được bài không, khoảng mấy điểm mà chỉ động viên “Đã cố hết sức rồi, kết quả sao cũng được”.

Chị Thư công tác trong ngành giáo dục. Hàng năm, những ai có con thi chuyển cấp đều không được tham gia công tác làm thi nên chị được trường tạo điều kiện cho nghỉ để đưa đón con. Con gái chị dự thi cả chuyên Văn và Tiếng Anh ở bốn trường gồm: THPT chuyên Ngoại ngữ, chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên Đại học Sư phạm và Hà Nội – Amsterdam. Từ đầu tháng 7, chị luôn đồng hành cùng con, ngồi ở cổng trường tất cả buổi thi để đợi đến khi con thi xong.

Nhà cách các địa điểm thi chỉ chừng 3-6 km nhưng chị Thư nhất định không về. Người mẹ 40 tuổi tâm sự, mình về ngồi điều hòa trong khi con thi căng thẳng, thời tiết lại nóng bức thì không đành lòng. “Không thể làm bài thay con nên tôi quyết định ở ngoài đợi, cũng là một cách thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của người làm cha mẹ”, chị nói. Hôm nào nắng quá, chị ra quán nước gần trường ngồi trò chuyện với các phụ huynh để quên đi thời gian. Và chị luôn quay lại điểm thi 30 phút trước khi hết giờ để con thi xong là nhìn thấy mẹ đang đứng đợi.

Do cùng con trải qua quãng thời gian thi cử căng thẳng, chị Thư thấu hiểu việc được trút bỏ gánh nặng sau khi kỳ thi kết thúc. Những ngày tới, chị sẽ dành thời gian cho con đi chơi. Ngoài ra, để con không bị hẫng khi đang học tập với cường độ cao, bận bịu với bài tập nay lại quá rảnh, chị Thư sẽ cho con tham dự một số trại hè cho học sinh.

Phụ huynh đứng đợi con trong buổi thi cuối cùng sáng 19/7. Ảnh: Thanh Hằng.

Phụ huynh đứng đợi con trong buổi thi cuối cùng sáng 19/7. Ảnh: Thanh Hằng.

Con thi chuyên Lý vào ba trường là Khoa học tự nhiên, chuyên Sư phạm và Hà Nội – Amsterdam, chị Nguyễn Hà (42 tuổi, quận Nam Từ Liêm) cũng theo tới các điểm thi hàng ngày. Chị tỏ ra bức xúc khi lịch thi liên tiếp mà không có khoảng nghỉ giữa chừng. “Mọi năm có hai, ba ngày nghỉ mà năm nay các con không nghỉ chút nào. Trời thì nắng nóng, thật khổ cho các con”, chị nói.

Đứng đợi con ở cổng điểm thi, bà mẹ cảm nhận rõ rệt cái nắng gay gắt, người vã mồ hôi, mắt mờ đi vì nắng nhưng không ca thán một câu. Chị Hà bảo con ở bên trong còn vất vả, căng thẳng hơn. Mình ở ngoài chịu nắng chút nhưng không phải suy nghĩ nhiều.

Sáng nay, điểm thi trường THCS Lê Quý Đôn – Cầu Giấy không có nhóm tình nguyện viên đứng hỗ trợ phát quạt, nước hay vỗ tay chúc mừng thí sinh hoàn thành bài thi, chị Hà cùng nhiều ông bố, bà mẹ đứng hai hàng quanh cổng, thí sinh nào ra cũng vỗ tay chúc mừng.

Khi con trai xuất hiện, chị vẫy tay, gọi lớn tên con. Thấy con vui vẻ vì làm bài tốt, chị bảo “tỉnh cả người”. Hai mẹ con nhanh chóng lên xe ra về. “Tôi không muốn hỏi con gì nhiều vì chắc chắn con đã cố gắng hết sức. Dù có đỗ hay không, tôi luôn tự hào vì con đã vượt qua thử thách khắc nghiệt 8 ngày qua”, chị Hà nói.

Dương Tâm – Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcNgười dân Đắk Nông kiế‌m 100 triệu đồng mỗi năm từ rau bò khai
Bài tiếp theoVề đâu Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An?