Thủ tục kéo dài, nguồn cung khan hiếm, chi phí leo thang khiến giá nhà tiếp tục neo cao hoặc tăng vọt dù thị trường địa ốc giảm tốc.
Tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản thế nào sau Covid-19” ngày 11/6, nhiều chuyên gia đầu ngành đã mổ xẻ nguyên nhân vì sao giá nhà không giảm như kỳ vọng của nhiều người dù đại dịch đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, trong đó có địa ốc.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, thị trường địa ốc đã khó cách đây 2 năm, không phải đợi đến đại dịch mới khó khăn. Cụ thể, sau khủng hoảng gần nhất năm 2013, địa ốc đã dần tìm lại đà phục hồi và đạt đỉnh cao năm 2017.
Song đến 2018, thị trường bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu khó khăn và tình hình trở nên căng thẳng hơn vào năm 2019 khi nguồn cung lao dốc mạnh mẽ. Sang đầu năm 2020, đại dịch xuất hiện càng làm trầm trọng các khó khăn nội tại. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các chướng ngại vật này không khiến giá nhà lao dốc.
Chủ tịch HoREA cho biết, khó khăn lớn nhất đối với thị trường là điểm nghẽn chính sách, dẫn đến khan hiếm dự án nhà ở. Nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có một dự án mới đủ đều kiện bán hàng (còn lại là các dự án cũ mở bán giai đoạn tiếp theo). Đây là nguyên nhân chính khiến giá bất động sản không giảm trong những tháng đầu năm dù tác động của đại dịch đối với thị trường bất động sản rất nặng nề.
Covid-19 làm tê liệt các kênh bán hàng trực tiếp trên thị trường bất động sản do cách ly xã hội để phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Châu cho hay, quan sát thị trường 5 tháng qua, giá chỉ xuống ở các giao dịch thứ cấp vì nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực dòng tiền buộc phải giảm giá cục bộ. Còn ở thị trường sơ cấp, tức sản phẩm được các doanh nghiệp, chủ đầu tư chào bán lần đầu vẫn duy trì mức giá như trước, thậm chí cao hơn.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh tỏ ra bức xúc vì các luật, quy định, nghị định và cả thủ tục hành chính chồng chéo khiến bất động sản bị đội vốn. Ông Dũng nêu vấn đề, điều doanh nghiệp lo sợ nhất là sau khi làm tuần tự nhiều thủ tục đến bước cuối cùng vẫn chưa thể hoàn tất pháp lý dự án và buộc phải quay lại từ đầu.
“Dự án đắp chiếu lâu ngày, vài năm thì giá bất động sản chắc chắn sẽ tăng. Giá bất động sản không thể giảm trong khi các chi phí đầu vào đều quá cao. Để vực dậy thị trường hậu Covid-19, các doanh nghiệp nên đồng lòng giảm biên lợi nhuận của mình xuống để tăng các ưu đãi, hậu mãi cho khách hàng”, ông Dũng nói.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam nhấn mạnh, khó khăn về tài chính doanh nghiệp bất động sản vẫn tự xoay sở được bằng cách liên doanh, liên kết. Nhưng ách tắc pháp lý thì doanh nghiệp không thể làm gì được. Nếu thủ tục hành chính kéo dài, các dự án từng dự định bán 1.000 USD mỗi m2, khi xong thủ tục họ phải bán 1.500 USD mỗi m2 thậm chí cao hơn. “Tìm kiếm cơ hội mua giá rẻ hậu Covid-19 là không có”, ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Hoàng, CEO Phú Hoàng Land xác nhận, pháp lý bất động sản bị siết chặt đang khiến nhiều dự án nhà ở trên thị trường đội vốn, buộc phải nâng giá bán lên cao hơn so với trước đây bất chấp tác động của Covid-19. Hiện nay, các sản phẩm nhà ở dưới 30 triệu đồng mỗi m2 rất hiếm hoi và nguyên nhân chính là do điểm nghẽn pháp lý.
Là đại diện phía Bộ Xây dựng tham dự buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản xác nhận Covid-19 khiến nguồn cung nhà ở đưa ra thị trường giảm mạnh, sức tiêu thụ lao dốc. Đầu tư nước ngoài vào bất động sản cũng gặp chướng ngại vật do cách ly phòng ngừa dịch bệnh, song giá nhà không bị giảm như những đợt khủng hoảng trước đó.
Ông Ninh thừa nhận, việc thủ tục pháp lý và các luật, nghị định liên quan đến thị trường địa ốc bị chồng chéo nhau là có thật. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà phát triển bất động sản và khiến chi phí đầu tư dự án nhà ở bị đội lên. Sắp tới, để tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và đề xuất Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi các luật liên quan đến thị trường bất động sản.
Ở giai đoạn hậu Covid-19, thị trường bất động sản lộ ra nhược điểm là phát triển chưa cân đối, sản phẩm cao cấp đang lấn lướt sản phẩm nhà giá rẻ, bình dân. Ông Ninh cho rằng để giảm giá đầu vào cho các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở thương mại giá thấp, Nhà nước cần có cơ chế tháo gỡ nhưng vấn đề này cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành.
Ông Ninh cho biết thêm, Bộ Xây dựng đang tính toán thúc đẩy xây dựng sản phẩm từ 20 triệu đồng mỗi m2 trở xuống, đẩy mạnh phân khúc nhà ở giá thấp bằng các ưu đãi như chậm nộp, thậm chí miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tháo gỡ thủ tục xây dựng…
Để thúc đẩy, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phân khúc nhà ở bình dân nên cần phải tạo điều kiện cho chủ đầu tư. Đây là phân khúc nhà ở có nhu cầu lớn, nếu được hỗ trợ chính sách có thể phần nào thúc đẩy thị trường phục hồi hậu Covid-19.
Trung Tín