GDP Nhật Bản giảm kỷ lục

GDP quý II của Nhật Bản giảm 28,1%, mạnh nhất kể từ năm 1955, chủ yếu do đầu tư của doanh nghiệp lao dốc.

Văn phòng Nội các Nhật Bản sáng nay công bố số liệu điều chỉnh GDP quý II. Theo đó, GDP nước này giảm 28,1%, tệ hơn số liệu sơ bộ là 27,8%. Đây là mức giảm GDP lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 1955.

Việc này diễn ra đúng thời điểm đảng Dân chủ Tự do (LDP) chuẩn bị chọn thủ tướng mới, thay ông Shinzo Abe từ chức tháng trước vì lý do sức khỏe. Ứng cử viên sáng giá nhất – ông Yoshihide Suga đang đối mặt với thách thức phải cân bằng giữa kiềm chế đại dịch và phục hồi hoạt động kinh tế.

Dù GDP tổng quan vẫn khớp với ước tính, đầu tư của doanh nghiệp lại yếu hơn tới 3 lần so với số liệu sơ bộ. Số hàng tồn kho cũng đang nhiều lên, cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phục hồi chậm chạp.

Những điều này hé lộ thách thức với Nhật Bản khi đảng cầm quyền bắt đầu chiến dịch tìm Thủ tướng mới hôm nay. LDP dự kiến bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới ngày 14/9. Sau đó, họ sẽ dùng thế đa số trong quốc hội để đề cử người này làm Tân thủ tướng ngày 16/9.

“Thủ tướng tiếp theo sẽ phải đặt vấn đề giải quyết đại dịch làm ưu tiên hàng đầu”, Masaki Kuwahara – nhà kinh tế học tại Nomura Securities cho biết, “Tốc độ hồi phục kinh tế sẽ chậm”.

Suga sẽ là lựa chọn mang tính liên tục, do ông muốn tiếp tục thực hiện Abenomics – nhóm chính sách kinh tế được ông Abe áp dụng nhiều năm qua để vực dậy Nhật Bản. Dù vậy, Suga sẽ phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn bảo vệ việc làm.

Một trong những quyết định chính của lãnh đạo mới sẽ là thời điểm và mức độ mạnh tay trong việc chuyển từ hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình sang kích thích kinh tế.

Một báo cáo độc lập hôm nay cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản giảm mạnh trong tháng 7, do người tiêu dùng giảm du lịch và ăn ngoài trong mùa dịch. Mức lương tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp, càng gây sức ép lên tiêu dùng.

Giới phân tích dự báo GDP Nhật Bản tăng 13% trong quý này. Đây là mức tăng mạnh, nhưng không đủ lớn để bù đắp cho 3 quý giảm liên tiếp. Bloomberg Economics dự báo quy mô nền kinh tế này có thể không bao giờ quay lại mức tiền đại dịch, do cuộc khủng hoảng này càng gây trì trệ cho hoạt động cải tổ cần thiết.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Nguồn bài viết

Bài trướcThế giới sắp sa vào khủng hoảng kinh tế mới
Bài tiếp theoĐiểm mạnh khi du học bán phần tại New Zealand