HomeThương trường‘EU dành cho Việt Nam cơ hội cực lớn để xuất khẩu’

‘EU dành cho Việt Nam cơ hội cực lớn để xuất khẩu’

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng cam kết thuế quan của EU dành cho Việt Nam trong EVFTA hấp dẫn hơn của các đối tác trong CPTPP.

Chia sẻ tại hội thảo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sáng 24/9, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định, EU đang dành cho Việt Nam cơ hội rất lớn. Điều này được bà chứng minh thông qua so sánh cam kết thuế quan với hàng hoá xuất khẩu trong EVFTA và CPTPP.

Bà chọn Hiệp định CPTPP để tham chiếu vì hầu hết 11 đối tác trong hiệp định này đều từng ký với Việt Nam một FTA khác. Mức cam kết ở các FTA riêng lẻ thấp hơn mức được đưa ra trong CPTPP.

Trong EVFTA, EU cam kết xoá bỏ 85,5% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với CPTPP, các đối tác cam kết xoá 78-95%. Nếu nhìn theo các con số này, ưu đãi của phía EU chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng “trông vậy mà không phải vậy”. Nguyên nhân nhiều đối tác trong CPTPP, ví dụ Singapore, đã hoàn thành cam kết loại bỏ thuế quan với Việt Nam ở các hiệp định thương mại trước đó của ASEAN nên để ở mức cao.

“Mức cam kết thuế quan của EU được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay của một đối tác dành cho Việt Nam tại thời điểm hiệp định có hiệu lực”, bà Trang nói.

Theo lộ trình, EU sẽ xoá bỏ những dòng thuế còn lại trong 3-7 năm. Đến 2027, gần như các sản phẩm Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0% trừ một nhóm nhỏ hàng hoá nhạy cảm. Với CPTPP, lộ trình này kéo dài từ 5-10 năm.

Phân tích vào từng mặt hàng cũng cho thấy EU đang tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Ví dụ với rau quả, cà phê, mật ong, EU xoá bỏ 100% các dòng thuế ở sản phẩm này khi Việt Nam xuất khẩu. Trong khi đó, các đối tác tại CPTPP đều có lộ trình. Đơn cử các nước cần 3-5 năm để xoá bỏ thuế quan với rau quả chế biến, đóng hộp, Mexico cần 5-10 năm cho cà phê, Nhật Bản cần 7 năm với mật ong.

Với dệt may, giày dép, EU cho biết sẽ bỏ 42,5% dòng thuế khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại mất 3-7 năm. Con số này có thể hơi khắt khe nếu nhìn vào cam kết của Singapore là bỏ toàn bộ thuế, Australia, Canada, Chile… là từ 80% thuế trở lên. Tương tự việc xoá bỏ các dòng thuế, đây là mức ưu đãi “thấy vậy không phải vậy”.

Bà Trang cho biết, EU hiện cho Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). GSP là một dạng của chế độ tối huệ quốc nhằm giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu hàng hoá. Dệt may, giày dép là những mặt hàng được hưởng GSP với mức thuế ưu đãi trung bình 3-4%. Khi EVFTA có liệu lực, trong 2 năm đầu tiên, Việt Nam vẫn được hưởng GSP. Từ năm thứ ba trở đi, mức thuế được áp dụng theo EVFTA nhưng trong mọi trường hợp được đảm bảo không cao hơn mức thuế GSP đã áp dụng ở thời điểm 1/8/2020.

“GSP là điểm đặc biệt của EVFTA. Không có FTA nào của Việt Nam với đối tác đang áp dụng GSP rõ ràng như thế được tiếp tục áp dụng ưu đãi này”, bà Trang cho biết.

Theo tính toán, đến năm 2025, mặt hàng gạo tăng trưởng xuất khẩu sang EU 65%, dệt 67%, may mặc 81%, da giày 99%. Các mặt hàng thực phẩm có mức tăng thấp hơn như thịt lợn là 4%, đồ uống, thuốc lá 5%.

Phương Ánh

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img