Dùng deepfake cho phim chiếu rạp

Disney đang tiến gần hơn đến việc áp dụng deepfake cho các bộ phim chiếu trên màn ảnh rộng cũng như các dự án phim ảnh lớn khác.

Đội ngũ nghiên cứu Disney Research Hub thuộc tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện Walt Disney (Mỹ) đã thành công trong việc tạo ra các bức ảnh deepfake độ phân giải cao và biểu cảm như người thật. Kết quả được trình diễn tại Eurographics Symposium on Rendering 2020 – một hội nghị chuyên về đồ họa máy tính – diễn ra từ 30/6 đến 2/7 tại Anh.

Kết quả bước đầu của nhóm được đánh giá là tốt. Thậm chí, nó có thể được sử dụng trong các bộ phim bom tấn tiếp theo của “vũ trụ” Mavel.

Công nghệ deepfake của Disney cho phép hình ảnh giả mạo hiển thị ở độ phân giải cao.

Công nghệ của Disney cho phép hình ảnh deepfake hiển thị ở độ phân giải cao.

Theo nhóm nghiên cứu, cái mới trong việc phát triển deepfake cho phim chiếu rạp là độ phân giải. Hiện nay, công nghệ deepfake chủ yếu tập trung vào độ mượt khi khuôn mặt chuyển động thay vì tăng số pixel. Điều này đồng nghĩa rằng, các hình ảnh có thể hiển thị tốt trên màn hình điện thoại, nhưng màn hình lớn như của rạp phim thì không.

Chuyên gia của Disney cho biết, hiện nay các chuyên gia chỉ có thể tạo video deepfake lấy từ mã nguồn mở phổ biến DeepFakeLab với độ phân giải khoảng 256 x 256 pixel. Tuy nhiên, công nghệ của Disney tạo được video độ phân giải cao hơn đáng kể, với 1.024 x 1.024 pixel.

Bên cạnh đó, hầu hết công nghệ deepfake hiện nay mới chỉ có thể hoán đổi ngoại hình, chủ yếu là biểu cảm khuôn mặt, của hai cá nhân với nhau. Dù vậy, nếu để ý, người dùng có thể lập tức nhận ra các nhược điểm, như chỉ tạo ra khuôn mặt “thật” nếu ánh sáng tốt, nhân vật nhìn thẳng vào camera. Nếu các cảnh quay có ánh sáng yếu, deepfake gần như hoạt động thiếu chính xác.

Công nghệ của Disney có thể khắc phục các nhược điểm trên. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, hiện tại deepfake chỉ mới hỗ trợ các dự án thương mại, chưa thể thay thế các công nghệ truyền thống như Visual Effects (VFX) – quá trình tạo hoặc thêm hiệu ứng để nâng cao chất lượng hình ảnh trong một video đã được quay từ trước. VFX là công nghệ đã tạo ra hỉnh ảnh trên phim của một số diễn viên quá cố như Peter Cushing và Carrie Fisher trong phim Star Wars: Rogue One.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh việc áp dụng deepfake cho phim Disney sẽ xảy ra trong tương lai. VFX hiện nay vẫn cho kết quả ấn tượng nhưng lại tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Thậm chí, một cảnh quay xuất hiện chỉ vài giây trên màn ảnh, nhưng đội ngũ kỹ thuật tốn cả tháng để thực hiện. Ngược lại, với deepfake, công đoạn đó chỉ mất vài giờ.

“Sớm hay muộn, deepfake cũng sẽ được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phim ảnh. Các hãng phim lớn sẽ không thể bỏ qua công nghệ này”, The Verge nhận xét.

Thuật ngữ “deepfake” là sự kết hợp giữa “deep learning” và “fake”. Công nghệ này được xây dựng trên nền tảng machine learning mã nguồn mở của Google. Về cách thức hoạt động, deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để “học”. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực ngày càng tăng. Dù vậy, thống kê của Deeptrace cho thấy hiện nay có tới 96% nội dung deepfake liên quan đến đồi trụy.

Bảo Lâm

Nguồn bài viết

Bài trướcThời hoàng kim của ‘gã khổng lồ’ dầu khí Mỹ vừa xin phá sản
Bài tiếp theoPhân biệt ‘wish’ và ‘what if’