Doanh nghiệp chưa muốn vội vàng mở lại đường bay quốc tế

Các doanh nghiệp cho rằng nên ưu tiên kiểm soát dịch và phát huy lợi thế nội địa, chỉ cho bay quốc tế khi mọi yếu tố kiểm soát Covid-19 được đảm bảo.

Các hãng hàng không mới đây cho biết rất mong được bay quốc tế trở lại để cải thiện giao thương. Vietnam Airlines, Bamboo Airways thông tin đã chuẩn bị sẵn sàng để bay thương mại đến các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, dự kiến từ 1/7.

Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước cho rằng, Việt Nam không nên vội vàng, cần đánh giá kỹ việc cấp phép này. Bởi họ lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại nếu để xảy ra sơ xuất. Trước mắt, chúng ta vẫn nên ưu tiên kiểm soát dịch và phát huy lợi thế ở thị trường nội địa.

“Kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả. Cơ quan Nhà nước chỉ nên cho bay quốc tế trở lại khi mọi yếu tố về kiểm soát dịch bệnh được đảm bảo”, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO chia sẻ.

                 Xem thêmHàng không dự kiến bay lại quốc tế từ 1/7

Ông Nguyên đánh giá, giao thương, xuất khẩu đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường nội địa cũng khá tiềm năng. “Nếu biết tận dụng lợi thế và hiểu người tiêu dùng, kinh tế nội địa sẽ dần phục hồi và hoạt động du lịch trong nước cũng phát triển mạnh trở lại. Từ đó sẽ kéo theo nhóm ngành vận tải, dịch vụ sớm vượt qua khó khăn”, ông Nguyên phân tích.

Tại phiên họp thường niên năm 2020 cuối tháng 5, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup cũng cho biết, quan điểm của tập đoàn này là ưu tiên thị trường nội địa, đảm bảo sự ổn định của thị trường trong nước hơn là đẩy nhanh việc đón khách quốc tế.

“Mỗi năm Việt Nam có 80 triệu khách nội địa và 18 triệu khách nước ngoài. Năm nay con số khách quốc tế có thể giảm mạnh, nhưng không vì 3-5 triệu khách nước ngoài mà để ảnh hưởng tới thị trường nội địa với quy mô lớn hơn”, ông Vượng nói.

Nhiều máy bay nằm chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Như Quỳnh.

Nhiều máy bay nằm chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Như Quỳnh.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 18 triệu lượt người, thu về 726.000 tỷ đồng. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không là 14,3 triệu lượt, chiếm 79,8% lượng khách quốc tế…

Năm nay, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 3,73 triệu lượt, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, một số doanh nghiệp dịch vụ, dệt may cho rằng có thể mở lại đường bay với những quốc gia đã tuyên bố kiểm soát được dịch để hoạt động kinh tế, du lịch được cải thiện.

“Chính phủ nên cân nhắc thời gian thích hợp và nghiên cứu kỹ. Thực tế, đã có nhiều quốc gia như Việt Nam không còn ca nhiễm mới và họ đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Khi cả 2 bên cùng kiểm soát chặt chẽ thì đây là cơ hội để giao thương quốc tế và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại”, ông Mai Trường Giang – chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken nói.

Ông Trần Việt – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân cũng nhìn nhận, khách nước ngoài đã không sang được Việt Nam quá lâu. Nếu nay đủ điều kiện mở lại đường bay quốc tế tới những thị trường an toàn thì rất tốt. 

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Dệt Kim Đông Xuân cho rằng, Việt Nam thành công trong đẩy lùi Covid-19, nhưng dịch bệnh này vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Vì thế, nếu mở lại các tuyến bay thương mại quốc tế, công tác phòng, chống dịch vẫn phải ưu tiên hàng đầu, ví dụ thời gian cách ly, chứng nhận không nhiễm bệnh…

Kỳ Duyên

Nguồn bài viết

Bài trướcThời điểm hiện nay là cơ hội để phát triển quỹ đất
Bài tiếp theoThanh toán không tiền mặt, ‘chỉ cần an toàn, thuận tiện người dân sẽ dùng’