Đổ hàng ngàn tỉ đồng phát triển năng lượng
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra trong đầu tuần này, Ban lãnh đạo Công ty CP xây dựng Coteccons (CTD) công bố sẽ mở rộng sang nhiều ngành nghề khác ngoài xây dựng như xây dựng công trình điện, viễn thông liên lạc, khai khoáng và năng lượng tái tạo. Nhằm hiện thực hóa chiến lược, Coteccons đã thành lập khối phát triển
kinh doanh và tổ nghiên cứu, phát triển điện gió, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mới. Đây là những bước ngoặt tạo tiền đề cho Coteccons hướng tới những mục tiêu dài hơn…
Trước Coteccons, lãnh đạo Công ty CP
phát triển bất động sản (BĐS) Phát Đạt (PDR) cũng cho biết đang nhắm đến phát triển mảng năng lượng tái tạo. Phát Đạt nhấn mạnh đã và đang nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt để một khi được triển khai, mỗi dự án đều phải đảm bảo tính chắc chắn và hiệu quả.
Hay Tập đoàn Sao Mai vốn là một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản tại miền Tây cũng đã đầu tư vào dự án điện mặt trời mái nhà từ năm 2017 và đang mở rộng ra nhiều dự án ở các tỉnh thành như Long An, An Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk… Chỉ riêng trong 2 năm 2019 – 2020, tập đoàn này đã rót hơn 7.000 tỉ đồng cho 2 công trình quan trọng. Trong đó, 1.200 tỉ đồng mua lại dự án Europlast của nhà đầu tư nước ngoài ở H.Đức Huệ (Long An) và xây dựng hoàn thành Nhà máy điện mặt trời Sao Mai – An Giang có tổng công suất 210 MWp tại H.Tịnh Biên với mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Hà Đô vốn là một công ty chuyên về BĐS cũng đã rót hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng 5 nhà máy điện nói chung (bao gồm từ thủy điện đến điện mặt trời). Theo kế hoạch năm 2021, Hà Đô đưa ra chủ trương thành lập Công ty năng lượng Hà Đô và tái cấu trúc mảng năng lượng. Một DN nữa là Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) những năm gần đây cũng thực hiện hàng loạt thương vụ đầu tư trong lĩnh vực điện năng, dù xuất thân chuyên về mảng cơ điện lạnh và
BĐS văn phòng cho thuê. REE đặt ra tham vọng trong 5 năm tới trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất năng lượng tái tạo với mục tiêu vượt mốc 1.000 MW, chiếm khoảng 16% tỷ trọng điện tái tạo toàn quốc…
Nhiều DN đổ vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, bất động sản
|
DN sản xuất chạy đua làm BĐS
BĐS luôn là lĩnh vực hấp dẫn khiến nhiều DN “bẻ lái” đổ vốn đầu tư. Chẳng hạn, Công ty CP dệt may Thành Công cho biết để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh năm 2021, bên cạnh tập trung vào mảng cốt lõi, công ty sẽ hợp tác với đối tác trong nước để hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án TC Tower tại Q.Tân Phú và khởi công dự án trong thời gian sớm nhất. Doanh thu và lợi nhuận của mảng BĐS sẽ được ghi nhận khoảng 2 – 3 năm sau.
Hoặc Công ty CP sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng chuyển hướng sang BĐS khu công nghiệp, đề xuất xây Khu công nghiệp Gilemix Quảng Ngãi rộng 720 ha và đang tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên-Huế với diện tích 460,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỉ đồng, hiện dự án đã xin được giấy phép đầu tư của Chính phủ. Ngoài phát triển khu công nghiệp, Ban lãnh đạo GIL còn tham vọng phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn phục vụ cho các khu công nghiệp trong nước tại các khu vực trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, TP.HCM.
Không ngoại lệ, Công ty CP cao su Phước Hòa (PHR) – DN cao su lớn nhất Việt Nam – cho hay hiện đang sở hữu quỹ đất 15.000 ha tại Bình Dương và đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết vận hành phát triển khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Nếu DN sản xuất lại xem BĐS như một ngành kinh doanh chính thì ẩn chứa nhiều rủi ro như giai đoạn thị trường đóng băng, nguồn vốn không đủ duy trì hoặc khi nguồn cung trong phân khúc nào đó quá dư thừa thì sẽ ảnh hưởng luôn đến ngành kinh doanh chính của mình…
Chuyên gia Đỗ Hòa
|
Còn tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Công ty CP xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) diễn ra giữa tháng 4, kế hoạch đầu tư BĐS khu công nghiệp là một trong những nội dung được cổ đông quan tâm dù công ty này chỉ có thế mạnh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hiện Cholimex có ba dự án tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và đang trong quá trình làm thủ tục. Do vẫn trong quá trình đầu tư triển khai các thủ tục liên quan đến dự án nên năm 2021, doanh thu từ mảng
BĐS khu công nghiệp chưa được ghi nhận tại Cholimex.
Hay “đại gia” ngành điện là Tổng công ty CP thiết bị điện Việt Nam (Gelex) cũng đã công khai chiến lược mới của mình với việc rút khỏi mảng logictics, chuyển hướng sang BĐS khu công nghiệp. Trước đó, Gelex cũng đã đưa ra kế hoạch thực hiện dự án khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Có cơ hội nhưng phải thận trọng
Theo Báo cáo ngành năng lượng tái tạo Việt Nam công bố tháng 10.2020, Công ty chứng khoán VietinBank dự báo công suất điện Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình hằng năm 10,5% trong giai đoạn từ 2020 – 2030. Sản lượng điện thiếu hụt sẽ lên đỉnh vào năm 2023 và giảm dần sau đó khi các nguồn phát lớn đi vào hoạt động. Trong đó, công ty này định giá thị trường năng lượng tái tạo ở mức 714 tỉ USD, trong đó điện mặt trời chiếm 280 tỉ USD còn điện gió chiếm 434 tỉ USD. Đây được coi là sân chơi quy mô lớn với thời gian phát triển dài hơn 25 năm. Lĩnh vực này dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 20% trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện (khoảng 9%).
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo –
Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng nhu cầu về năng lượng của các nước đang phát triển như Việt Nam rất lớn. Trong đó đặc biệt là hướng đến nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Điều kiện tự nhiên của Việt Nam cũng phù hợp để phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Nếu như trước đây các DN sẽ khó tham gia để xây dựng dự án thủy điện, nhiệt điện thì hiện nay việc đầu tư vào các dự án điện mặt trời sẽ dễ hơn do đang được Chính phủ khuyến khích. Nhưng rủi ro trong lĩnh vực này là mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa phát triển kịp với nguồn sản xuất có thể khiến việc vận hành thương mại của các DN gặp sự cố gián đoạn.
Còn thị trường BĐS Việt Nam về nguyên tắc cũng sẽ còn dư địa phát triển, nhất là lĩnh vực BĐS công nghiệp, dịch vụ khi tốc độ đô thị hóa nhanh. Quan trọng là các DN cần có chiến lược dài hạn, lựa chọn phân khúc phù hợp theo năng lực
tài chính và không nên đầu tư ngắn hạn theo kiểu “ăn xổi” từng dự án thì có khi gặp rủi ro khi thị trường trầm lắng. Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa thì thận trọng hơn khi cho rằng việc đầu tư vào năng lượng hay BĐS của một số công ty dường như chỉ đi theo trào lưu. Bởi sau làn sóng đầu tư đầu tiên vào khoảng 3 năm trước, hiện nhiều nhà máy điện mặt trời có khi phải ngưng phát điện vào lưới điện chung của quốc gia khi hệ thống bị quá tải. Ví dụ, giả sử DN đưa ra bài toán như đầu tư một nhà máy điện mặt trời có vốn 15 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng khoảng 10 tỉ đồng và khai thác trong vòng 7 – 8 năm sẽ hoàn vốn thì với tình trạng bị gián đoạn trong hoạt động, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài. Khi đó, chi phí bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị của nhà máy điện càng gia tăng và DN có nguy cơ bị thua lỗ. Với lĩnh vực BĐS, nếu DN lo ngại tình hình lạm phát sẽ gia tăng sau khi các nền kinh tế mạnh tay bơm tiền thì có thể xem đó là một kênh bảo toàn vốn, tạm thời trú ẩn khi chưa có cơ hội mở rộng đầu tư. Khi kinh tế hồi phục thì lại chuyển vốn vào hoạt động kinh doanh chính.