HomeDoanh nghiệpDiễn đàn Thường niên 2021 của VIOD

Diễn đàn Thường niên 2021 của VIOD

Ngày 10/12/2021, Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức Diễn đàn thường niên  về Quản trị Công ty lần thứ tư năm 2021 (AF4) với chủ đề “Hướng tới tương lai – Vai trò của Hội  đồng quản trị trong ESG và tính bền vững” theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn thảo luận chuyên sâu  về vai trò của các thành viên HĐQT trong việc định hướng và giám sát các thực hành tốt về Quản trị  công ty hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh “thách thức kép” của biến đổi khí hậu và đại dịch  COVID-19. 

Năm 2021 là năm bản lề thể hiện bản lĩnh, sức mạnh nội lực của thành viên các Hội đồng quản trị  (HĐQT), Ban điều hành trong việc chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đi qua năm thứ hai, và  đặc biệt là làn sóng thứ 4, của đại dịch Covid–19. Đối mặt với những thách thức khó lường và bất định,  phát triển bền vững và ESG (Quản trị Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp) đã ngày nhận được  sự quan tâm lớn và đưa vào chương trình hành động của HĐQT và Ban điều hành các doanh nghiệp  lớn trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Với Chủ đề “Hướng tới tương lai – Vai trò của Hội đồng quản trị trong ESG và tính bền vững”, Diễn đàn  Thường niên về Quản trị Công ty 2021 của Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) là nơi chia sẻ những  hiểu biết sâu sắc hơn về việc cân bằng các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong sự phát triển bền  vững của doanh nghiệp.

Chia sẻ về Diễn đàn, Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch Deloitte Việt Nam khẳng định: “Một  chiến lược Quản trị công ty bền vững là nhằm hướng tới cân bằng mục tiêu lợi nhuận trong sự tương tác  với việc bảo vệ và duy trì giá trị của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó giá trị sống của  người dân là trung tâm của hành động. Chiến lược này luôn song hành cùng một nền tảng văn hoá  HĐQT – văn hóa thực hành và phát triển trên ba giá trị cốt lõi “tuân thủ”, “minh bạch” và “chính trực”.  Chúng tôi cho rằng đó như là ‘lá chắn Vaccine’ giúp cho doanh nghiệp vững vàng vượt qua thách thức  kép của giai đoạn lịch sử hiện nay.

Trong đó, từng thành viên HĐQT có sứ mệnh đóng góp và phụng sự trong hành trình đưa ESG và Tính  bền vững vào chương trình hành động của doanh nghiệp mình.

Diễn đàn thường niên AF4 của những nhà quản trị công ty và chuyên gia kinh tế hàng đầu 

Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị công ty  nói chung và ESG nói riêng tại Việt Nam và trong khu vực. Cùng với đó là sự tham dự của đại diện Lãnh  đạo Ủy ban Chứng khoán Việt Nam; Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)* tại Việt Nam; Đại sứ quán Vương  quốc Anh tại Việt Nam; các Viện thành viên HĐQT các nước trong khu vực ASEAN (Malaysia, Singapore,  Thái Lan); Mạng lưới thành viên Doanh nghiệp (CMP), Mạng lưới thành viên đã tham gia chương trình  chứng nhận thành viên HĐQT (DCP) của VIOD cùng với gần 160 người tham dự là các thành viên  HĐQT, thành viên Ban điều hành cấp cao, các nhà đầu tư, các cổ đông.

Tổng quan nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2022 

Trở thành điểm sáng trong khu vực năm 2020 với mức tăng trưởng dương 1.6%, Việt Nam được dự  đoán có thể tăng trưởng 6.7% trong năm 2021. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam đã gặp cú sốc khi biến chủng  Delta gây ra làn sóng dịch lần thứ tư. Theo Ngân hàng Thế giới, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam  năm nay sẽ cán mốc 2-2.5%, thấp hơn 4% so với dự báo đầu năm.

Chia sẻ về toàn cảnh kinh tế Việt Nam, Ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính  Thế giới (IFC) nhận định: “Các tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh trong năm  2022, các bạn phục hồi nhanh trong quý cuối năm 2021 và tạo đà cho năm 2021.” Ông cũng cho biết:  “Rủi ro suy thoái còn lớn, áp lực lạm phát, giá cả vẫn đầy thách thức qua hai năm 2020-2021 tuy nhiên  các chỉ số vẫn chỉ ra Việt Nam là quốc gia có cơ hội tăng trưởng, có thặng dư tài khóa. Vấn đề là làm thế  nào để duy trì cải thiện nền kinh tế từ các yếu tố thuận lợi và đặc thù của Việt Nam ngay trong đầu năm  2022 tới.” 

Bên cạnh góc nhìn kinh tế, Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam cũng mang đến  Diễn đàn các thông tin về kết quả của Hội nghị COP26 và tầm quan trọng của kết quả này đối với doanh  nghiệp Việt Nam. Qua bài chia sẻ của mình, Ngài Gareth Ward đã tái khẳng định tính cấp thiết của việc  cân bằng ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần tham gia thị trường, trong đó  HĐQT với chức năng định hướng chiến lược trong các doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Thảo luận chuyên sâu về áp dụng ESG ở cấp lãnh đạo cao nhất trong vai trò quản trị công ty 

Trước các thách thức khó lường của thế giới trong tương lai, câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp Việt  Nam là “Làm thế nào để đưa ESG & tính bền vững vào thực tế?”.

Phát biểu tham luận với chủ đề “Biến đổi khí hậu và các thách thức cho tính bền vững của doanh  nghiệp”, Ông Dominic Scriven, Phó chủ tịch VIOD, Chủ tịch Dragon Capital cho biết: “Giảm phát thải  không phải việc gì xa xỉ mà là việc nhất thiết phải làm”, bởi “Nếu chúng ta không hành động sẽ có rủi ro  ngày một lớn hơn từ biến đổi khí hậu.” Ông chia sẻ: “Chúng ta mong muốn làm người tốt, người thiện  tâm thì từng doanh nhân chúng ta cần tìm hiểu, biết về những rủi ro khí hậu, rủi ro vật chất & rủi ro  chuyển đổi để biết mình cần phải bắt tay vào làm gì. Chúng ta có thể có một nhóm đặc nhiệm liên quan  đến thông tin tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Từ chỗ tìm hiểu được các rủi ro ta có thể quản lý  rủi ro, xây dựng các tham số. Dragon Capital đã đánh giá những rủi ro khí hậu trong những năm qua.  Chúng tôi đánh giá kịch bản nếu như chúng ta không làm gì thì sẽ như thế nào.” Ông cho rằng các doanh  nghiệp Việt Nam hiện nay cũng cần xem xét những kịch bản có thể xảy ra, những thiệt hại tính bằng  tiền, tính tỉ lệ rủi ro hàng năm. Đồng thời các cơ quan quản lý Việt Nam đã và đang tăng cường các quy  định, biện pháp để đảm bảo mục tiêu Môi trường – Xã hội, ví dụ tăng cường tiêu chuẩn công bố thông  tin.

Ông Patrick Tay – Chuyên gia Kinh tế, Phó Tổng giám đốc PwC Malaysia có bài phát biểu “Nền kinh tế  ASEAN hậu đại dịch: Xây dựng lại nền tảng tốt hơn, xanh hơn và công bằng hơn”Theo ông, phục  hồi không chỉ là vượt qua giai đoạn dịch bệnh, mà còn làm cho ASEAN bật nảy lại tốt hơn và xây dựng  tương lai tươi sáng hơn.

Đáng chú ý, với ba phiên thảo luận chuyên sâu: (i) Vai trò của HĐQT trong quản trị các vấn đề Môi  trường và Xã hội; (ii) Biến đổi khí hậu, các hành động của chúng ta sau Hội nghị COP26; và (iii) Vai trò  của hợp tác đa phương hướng tới quản trị phát triển bền vững trong khu vực ASEAN thông qua các  Viện Thành viên HĐQT và mạng lưới thành viên, Diễn đàn đã đưa ra các hành động cụ thể để đối mặt  với thách thức kép, bao gồm:

  1. Xây dựng hệ thống KPI với các mục tiêu cụ thể để đo lường và báo cáo hiệu quả E&S. Trong đó,  các thành viên HĐQT đóng vai trò định hướng và giám sát.
  2. Thành lập các Hiệp hội, tổ chức; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền  vững.
  3. Mở rộng hợp tác với các nhà quản trị và Viện thành viên HĐQT trong khu vực; tăng cường giao  lưu học hỏi đa phương.

Tổng kết diễn đàn, Chủ tịch VIOD – Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh nhận định: “Xây dựng nền  tảng phát triển bền vững dựa trên sự tôn trọng các vấn đề về môi trường và khí hậu là mục tiêu hướng  tới của mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp. Đó sẽ là nền tảng của một tương lai xanh – một tương lai bền  vững.” 

Giới thiệu Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) 

Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) là một tổ chức chuyên nghiệp nhằm nâng cao nhận  thức và góp phần thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quản trị công ty tốt tại các doanh  nghiệp Việt Nam. Các hoạt động của VIOD hướng đến chuyên nghiệp hóa Hội đồng Quản trị (HĐQT),  thúc đẩy các chuẩn mực cao về đạo đức kinh doanh và tính minh bạch, thiết lập một mạng lưới các  thành viên HĐQT độc lập, xây dựng để kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp với các bên có quyền lợi liên  quan, và qua đó giúp các công ty duy trì và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. VIOD hoạt động trong mối  quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở giao dịch Chứng khoán  TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Hội đồng Quản trị của VIOD bao gồm các đại diện của các công ty niêm yết, công ty đại chúng hàng đầu  tại Việt Nam, Chủ tịch/Tổng giám đốc của các Quỹ đầu tư, và các hãng tư vấn & kiểm toán Big4.

*Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), cùng với Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), là các đơn vị hỗ trợ  kỹ thuật cho sự thành lập của VIOD trong khuôn khổ Sáng kiến Quản trị Công ty Việt Nam (VCGI) vào  tháng 3/2018.

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

Viện thành viên HĐQT Việt Nam | VIOD
Trịnh Linh Chi (Ms.)
Email: [email protected] | Số Điện thoại: 098 809 7720

Xem nhiều

spot_img