Địa phương sẽ tổ chức khai giảng thế nào?

Căn cứ tình hình Covid-19, các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận, Cao Bằng, Nghệ An… lựa chọn các phương án khai giảng trực tiếp hoặc online, hoặc kết hợp.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho hay tỉnh đang tính toán việc tựu trường và khai giảng sao cho đảm bảo an toàn trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngày 22/8, Sở sẽ họp trực tuyến với hiệu trưởng các trường THPT, Phổ thông dân tộc nội trú và trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, nội dung quan trọng là chuẩn bị khai giảng.

Hiện, Quảng Nam có hơn 90 ca mắc Covid-19, dịch phức tạp tùy theo vùng, miền, trong đó miền núi hầu như chưa có ca bệnh. Theo ông Quốc, với những nơi tình hình ổn định, Sở sẽ yêu cầu rà soát, báo cáo cụ thể từng giáo viên, học sinh có đi qua vùng dịch để có biện pháp cách ly phòng dịch. Dự kiến, những nơi này sẽ tổ chức khai giảng và dạy học bình thường.

“Lễ khai giảng ngày 5/9 dự kiến không được tổ chức tập trung hoành tráng như những năm trước. Thay vào đó, các trường có thể tổ chức theo đơn vị lớp. Giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ, chia sẻ với học sinh về tinh thần năm học để tạo không khí bắt đầu năm học mới. Khi dịch lắng xuống, các trường có thể tổ chức khai giảng tập trung bù”, ông Quốc nói.

Với những vùng dịch còn diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam dự kiến khai giảng và dạy học online. Những em ở vùng khó khăn, không có điều kiện học tập online sẽ được tạo điều kiện và bổ sung sau.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, cho hay tỉnh đang lên các phương án khai giảng vào ngày 5/9. Nếu tình hình dịch bệnh tại Bình Thuận giữ ổn định như hiện tại, không có ca nhiễm hoặc số ca trong tầm kiểm soát, lễ khai giảng sẽ được tổ chức trực tiếp.

Thay vì kéo dài một tiếng như mọi năm, buổi lễ sẽ được làm đơn giản, ngắn gọn, dự kiến trong 45 phút và mời ít đại biểu hơn. Học sinh, thầy cô và người tham dự phải đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách phòng dịch. “Nếu may mắn, đây là cách làm tốt nhất vì học sinh đều mong có lễ khai giảng trực tiếp”, ông Thái nói.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu với UBND tỉnh Bình Thuận phương án tổ chức khai giảng online tại các vùng dịch bệnh phức tạp. Theo kế hoạch này, tỉnh Bình Thuận có thể chia các huyện thành nhóm nguy cơ khác nhau, huyện thuộc nguy cơ thấp vẫn có thể tổ chức khai giảng trực tiếp gọn nhẹ.

Ông Thái cho biết, tỉnh chưa chốt sẽ thực hiện theo phương án nào bởi dịch bệnh diễn biến theo ngày, khó nói trước. Gần đến ngày khai giảng, Sở sẽ thông báo và hướng dẫn cụ thể gửi từng trường.

Từ Cao Bằng, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo, cho biết tỉnh vẫn lên kế hoạch tổ chức khai giảng trực tiếp. Lý do là Cao Bằng có nhiều trường học ở vùng sâu, đường truyền Internet không đảm bảo, việc khai giảng online gần như bất khả thi.

Theo ông Dương, từ giờ đến 31/8, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng sẽ theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. “Trường hợp phải cách ly xã hội, chúng tôi mới khai giảng online, nếu không vẫn làm trực tiếp”, ông nói và cho biết thêm ngay cả khi làm online thì chỉ một số trường ở thành phố có thể triển khai.

Học sinh trường THCS Phan Chu Trinh, quận Ba Đình, Hà Nội, tổ chức lễ chào cờ đầu tuần ngày 4/5, ngày đi học đầu tiên sau 3 tháng nghỉ phòng dịch. Ảnh: Trường THCS Phan Chu Trinh.

Học sinh trường THCS Phan Chu Trinh, quận Ba Đình, Hà Nội, tổ chức lễ chào cờ đầu tuần ngày 4/5, ngày đi học đầu tiên sau 3 tháng nghỉ phòng dịch. Ảnh: Trường THCS Phan Chu Trinh.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, cho biết khoảng 800.000 học sinh các bậc học tựu trường vào ngày 1/9 và tổ chức khai giảng ngày 5/9. Hiện, Nghệ An chưa ghi nhận ca Covid-19 nào. Từ giờ đến ngày khai giảng, nếu tình hình vẫn ổn định, các trường vẫn tổ chức khai giảng năm học 2020-2021 như bình thường, nhưng bổ sung quy định an toàn phòng dịch.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết căn cứ vào tình hình của địa phương, các tỉnh chủ động lựa chọn phương án khai giảng. Với nơi nguy cơ cao lây lan dịch bệnh hoặc đang giãn cách, việc cho học sinh đến trường và tổ chức khai giảng trực tiếp không khả thi.

“Trường hợp này, lãnh đạo Sở, phòng và nhà trường có thể tổ chức khai giảng online để các em theo dõi qua màn hình. Các trường vẫn có thể thực hiện một số nội dung cần thiết như đọc thư của Chủ tịch nước, phát biểu ngắn gọn của hiệu trưởng”, ông Thành nói.

Ngoài ra, các trường ở khu vực nguy cơ thấp vẫn có thể tổ chức khai giảng trực tiếp theo hình thức và quy mô khác nhau, chẳng hạn khai giảng theo phạm vi từng lớp học, ưu tiên học sinh đầu cấp để chào đón các em. Khi tổ chức trực tiếp, chương trình văn nghệ, phát biểu của thầy cô, đánh trống khai trường vẫn được phép nhưng thay vì tập trung học sinh tại sân, các trường có thể bố trí học sinh dự ở những vị trí khác nhau để đảm bảo giãn cách.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định ngoài tổ chức khai giảng, các trường và địa phương cần thực hiện phương án đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh như thời điểm bắt đầu học kỳ II năm học 2019-2020, tức là tổ chức học online, học qua truyền hình.

Đến ngày 20/8, gần 40 tỉnh, thành đã công bố thời gian tựu trường và khai giảng cho năm học mới 2020-2021. Phần lớn tựu trường ngày 1/9, chỉ một số ít tỉnh như Quảng Ninh, Phú Yên 3/9, cùng tổ chức khai giảng vào 5/9.

Năm 2019-2020, do ảnh hưởng của Covid-19, 22 triệu học sinh cả nước phải nghỉ học 3 tháng, thời gian kết thúc năm học trước 15/7, tức muộn hơn một tháng rưỡi so với mọi năm.

Thanh Hằng – Dương Tâm

Nguồn bài viết

Bài trướcChủ thẻ BIDV được giảm giá 50% tại Glamer Clinic
Bài tiếp theoChính quyền ông Trump đán‌h sập chuỗi cung ứng của Huawei như thế nào?