ĐH Sư phạm Hà Nội mở thêm hai ngành mới

Trường ĐH Sư Phạm mở thêm hai ngành đào tạo ngoài sư phạm: Hỗ trợ Giáo dục người khuyết tật và Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành.

Năm 2020, trường dành hơn 1.000 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo ngoài sư phạm bên cạnh hệ đào tạo về sư phạm truyền thống. Đó là chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hải Hà, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường ĐH sư phạm Hà Nội trong chương trình On Edutalk – Tư vấn tuyển sinh đại học tổ chức bởi Hệ thống Giáo dục HOCMAI và đài truyền hình VTV cab.

ĐH Sư phạm Hà Nội thêm hai ngành mới

Khuôn viên Trường ĐH Sư Phạm.

Tiềm năng phát triển ngành đào tạo ngoài sư phạm

Những năm gần đây, bên cạnh hệ đào tạo về sư phạm, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng phát triển nhiều ngành khác như: Cử nhân Toán học, Cử nhân Văn học, Ngôn ngữ Anh, Công tác xã hội, Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục, Việt Nam học… Đây là những ngành có truyền thống đào tạo lâu năm ở trường, tỷ lệ sinh viên ra trường có cơ hội tìm việc làm cao.

Chia sẻ về ngành mới Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hải Hà cho biết, bên cạnh học về lịch sử, văn hóa của đất nước Việt Nam để phục vụ cho công việc du lịch sau này, sinh viên sẽ học thêm về tổ chức sự kiện, truyền thông, quản trị và kinh tế du lịch, quản trị kinh doanh du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu. Những chuyên ngành này chiếm hơn 60% học về du lịch, giúp sinh viên sau khi ra trường sẽ trở thành những hướng dẫn viên du lịch xuất sắc hoặc làm các công tác về quản lý du lịch, tổ chức tour du lịch hoặc làm trong các tổ chức, cơ quan nhà nước khác liên quan đến việc hoạch định và phát triển ngành du lịch.

Ngành Hỗ trợ Giáo dục người khuyết tật đào tạo nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật có trình độ cử nhân Sư phạm Giáo dục đặc biệt, có phẩm chất chính trị, đạo đức, hiểu biết đặc điểm của người khuyết tật và vận dụng các tri thức cơ bản của hỗ trợ giáo dục người khuyết tật… Sau khi tốt nghiệp, người học có đủ năng lực để tham gia hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ sở chăm sóc bảo trợ xã hội có người khuyết tật, các tổ chức văn hóa, chính trị-xã hội, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…

Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu, đặc biệt là phòng thí nghiệm trọng điểm, thực hành liên quan đến các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ: Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ thông tin…

“100% phòng học tại trường đã có máy chiếu, điều hòa, phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên, hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hải Hà chia sẻ.

ĐH Sư phạm Hà Nội thêm hai ngành mới - 2

Sinh viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội.

Giáo dục STEM được sinh viên quan tâm

STEM là một cách tổ chức chương trình giảng dạy thực tế trong đó có tích hợp Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Math – Toán học. Thay vì dạy từng môn học riêng biệt và rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp sinh viên hiểu nguồn gốc vấn đề.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng, Trưởng khoa Sư phạm kỹ thuật, ĐH sư phạm Hà Nội cho biết thêm, từ năm 2019, trường đã bắt đầu tuyển sinh ngành Sư phạm Công nghệ theo giáo dục STEM.

Dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội, ngành Công nghệ và giáo dục STEM được quan tâm nhiều, theo đó trong kỳ tuyển sinh 2020, trường nâng chỉ tiêu từ 120 lên 393 thí sinh đối với ngành đào tạo này.

Ngoài ra, khoa Sư phạm kỹ thuật có ký kết hợp tác với một số tập đoàn giáo dục trong và ngoài nước, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể được tham gia giảng dạy những nội dung liên quan đến giáo dục STEM. Điều này giúp các em vừa có cơ hội trải nghiệm, vừa trưởng thành, có thêm kinh phí ngay trong quá trình học tại khoa.

ĐH Sư phạm Hà Nội thêm hai ngành mới - 4

Trường ĐH Sư Phạm đào tạo nhiều ngành ngoài sư phạm.

Bốn phương thức xét tuyển năm 2020

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hải Hà cho biết, bên cạnh xét tuyển thẳng các thí sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện bốn phương thức xét tuyển dưới đây:

Phương thức xét tuyển một: Sử dụng kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 và xét tuyển theo các khối ngành. Điều kiện xét tuyển: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT loại khá trở lên.

Phương thức xét tuyển hai: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2020 có học lực giỏi cả ba năm ở bậc THPT, sáu kỳ hạnh kiểm tốt và đạt một trong các điều kiện sau: là học sinh đội tuyển cấp tỉnh (thành phố) của trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; là học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố ở bậc THPT; học sinh trường THPT chuyên hoặc các trường THPT trực thuộc trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Sư phạm TP HCM; học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC, MOS…

Phương thức xét tuyển ba – Xét học bạ THPT. Trường nâng cao tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ. Điều kiện cần để xét tuyển học bạ đối với các ngành thuộc nhóm khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là: học sinh tốt nghiệp THPT năm 2020 có hạnh kiểm 6 kỳ học đạt loại tốt, đạt ba năm học lực giỏi. Riêng với ngành Sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; ngành Sư phạm Công nghệ điều kiện về học lực lớp 12 đạt loại giỏi. Đối với các ngoài sư phạm, thí sinh cần có hạnh kiểm tất cả các học kỳ và học lực ba năm ở bậc THPT đạt từ khá trở lên.

Phương thức xét tuyển bốn – Kết hợp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hoặc học bạ với kết quả thi các môn năng khiếu. Thí sinh phải đạt đủ kiều kiện: đã tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm 6 kỳ học loại khá trở lên.

Xem chi tiết chương trình On Edutalk – tư vấn tuyển sinh đại học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại đây

Thế Đan

Nguồn bài viết

Bài trướcSamsung Health sẽ bỏ tính năng theo dõi cân nặng | Công nghệ
Bài tiếp theoThu 649 tỷ đồng từ livestream bán hàng lậ‌u sau 2 năm