ĐH Giáo dục tuyển sinh Giáo dục mầm non bậc đại học

Thông tin do Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy, Phó hiệu trưởng và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra tại chương trình “On EduTalk  – Tư vấn tuyển sinh đại học”. 

Sinh viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Sinh viên Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Giáo dục mầm non bậc đại học

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho biết, theo luật Giáo dục mới sửa đổi, bắt đầu từ 1/7, tất cả giáo viên dạy bậc tiểu học trở lên đều phải có bằng đại học. Đón đầu xu hướng, năm học 2020 – 2021, trường mở thêm ba ngành đào tạo mới là: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Trong đó, ngành Giáo dục Mầm non đặc biệt được nhà trường quan tâm. 

Cũng theo thầy Nam, chương trình đào tạo giáo dục mầm non tại Trường Đại học Giáo dục hiện nay được kế thừa tất cả điểm mạnh của các chương trình mầm non hiện hành. Điều này nhằm đào tạo thế hệ giáo viên mầm non làm việc được trong môi trường quốc tế do nguồn lực giáo viên mầm non chất lượng cao, đặc biệt là mầm non song ngữ hay mầm non quốc tế, đang là xu hướng.

Chương trình đào tạo có nội dung, chất lượng và chứng chỉ tương đương nhiều nước trong khu vực cũng như nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới như Australia, Canada và được công nhận ở những nước này.

“Chương trình giúp các bạn có thể mở rộng nghề nghiệp khi ra trường, không chỉ ở trong nước mà còn có thể làm việc ở nước ngoài. Không chỉ thế, các bạn còn có thể thử sức ở các lĩnh vực như nghiên cứu chương trình mầm non, phát triển các chương trình mầm non”, thầy Nam nói thêm.

Về tuyển sinh của ngành này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy cho biết, năm nay, trưởng tuyển 120 chỉ tiêu, đối tượng là những thí sinh đang học lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định. Để ứng tuyển, thí sinh cần đăng ký một trong các loại hình năng khiếu theo hình thức sơ tuyển trực tuyến tại đây

Thầy Huy cho biết thêm, việc trình bày các nội dung cần đảm bảo theo thời gian quy định, do đó không nhất thiết phải là một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng cần thể hiện tốt nhất năng khiếu của bản thân. Trong một số trường hợp, giám thị có thể đặt thêm một số câu hỏi để trao đổi và xác thực thông tin. Thí sinh sẽ được đánh giá theo các nội dung: sở thích, đam mê đối với nghề giáo dục mầm non, năng lực ngôn ngữ, năng khiếu phù hợp với việc dạy học bậc mầm non.

Sinh viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Sinh viên Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Các phương thức tuyển sinh

Về phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Giáo dục năm 2020, Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy cho biết, trường dự kiến tuyển sinh 1.045 chỉ tiêu trong 15 ngành đào tạo đại học, trong đó chỉ tiêu theo kết quả thi THPT Quốc gia là 965, theo phương thức khác là 80 chỉ tiêu. Cụ thể:

Nhóm ngành GD1: 300 chỉ tiêu

Nhóm ngành GD2: 200 chỉ tiêu

Nhóm ngành GD3: 240 chỉ tiêu

Nhóm ngành GD4: 105 chỉ tiêu

Nhóm ngành GD5: 120 chỉ tiêu

4 phương thức tuyển sinh xét tuyển gồm:

– Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)

Ưu tiên thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải tư trong cuộc thi khoa học, đã tốt nghiệp THPT, được ưu tiên xét tuyển vào đại học theo nhóm ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài mà thí sinh đã đoạt giải; thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng nhưng không dùng quyền xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT (đối với các ngành đào tạo sư phạm) và ĐH Quốc gia Hà Nội quy định được ưu tiên xét tuyển vào trường. Đối với ngành Giáo dục Mầm non, thí sinh cần phải đạt ở vòng sơ tuyển trực tuyến.

– Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế của ĐH Quốc gia Hà Nội

Học sinh trường THPT chuyên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố được xét tuyển thẳng vào các nhóm ngành đào tạo đại học của trường ĐH Giáo dục phải tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm 3 năm học đạt loại tốt và có điểm trung bình học tập mỗi học kỳ trong 5 năm (lớp 10,11 và học kì một lớp 12) đạt 8,0 trở lên và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành.

Học sinh hệ không chuyên của các trường THPT thuộc trường ĐH Quốc gia Hà Nội được xét tuyển thẳng vào các nhóm ngành đào tạo đại học của trường ĐH Giáo dục phải tốt nghiệp THPT và có điểm trung bình học tập mỗi kỳ trong 5 học kỳ (lớp 10,11 và kì 1 lớp 12) đạt 8,5 trở lên, điểm trung bình học tập của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển trong 5 học kỳ đạt 9,0 trở lên…

Đối với ngành Giáo dục Mầm non, thí sinh cần phải đạt ở vòng sơ tuyển trực tuyến.

– Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế

Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, ACT, IELT theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Cụ thể, mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60) đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Anh) theo điểm ba môn thi trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn theo các tổ hợp quy định của nhóm ngành đào tạo;

Mức điểm từ 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên đối với thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT;

Mức điểm từ 22/36 trở lên, trong đó có các điểm thành phần môn Toán (Mathematics) ≥ 35/60 và môn Khoa học (Science) ≥ 22/40;

Chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác và có tổng điểm hai môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Đối với ngành Giáo dục Mầm non, thí sinh cần đạt ở vòng sơ tuyển trực tuyến.

– Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020

Căn cứ trên điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT và của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đối với ngành Giáo dục Mầm non, thí sinh cần đạt ở vòng sơ tuyển trực tuyến và đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của trường ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ về vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho biết, theo khảo sát hàng năm của trường, 94% sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay sau một năm. Đặc biệt, năm 2019, ngành Sư phạm Sinh và Sư phạm Sử 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay.

Xem đầy đủ chi tiết thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2020 tại chương trình “On EduTalk – Tư vấn tuyển sinh đại học năm 2020” tại đây. Chương trình do Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Đài truyền hình VTV cab phối hợp tổ chức.

Thế Đan

Nguồn bài viết

Bài trướcFacebook có thể không thiệt hại lớn vì bị tẩy chay
Bài tiếp theoTổ hợp cây trồng thu tiền tỷ của lão nông Di Linh