Đại học hiến kế phát triển chương trình quốc tế

Đại học Việt Nam đang có hàng trăm chương trình liên kết quốc tế nhưng vẫn còn nhiều rào cản.

Tại hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam ngày 21/7, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết hiện Việt Nam có 70 trường cung cấp chương trình giáo dục quốc tế với 452 chương trình, trong đó 50 chương trình ở khối các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, 50 của các trường có sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các nước, và 352 chương trình liên kết đào tạo của các trường trong nước.

Với các chương trình liên kết đào tạo của đại học Việt Nam, bậc đại học có 195 chương trình, thạc sĩ là 150 và tiến sĩ là 7. Trong đó, các chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học của Pháp là 91, Anh 71, Mỹ 38, Australia 27 và nhiều quốc gia khác. Hơn 27.000 sinh viên đang theo học các chương trình này, trong đó 74% học khối ngành kinh tế, quản lý.

Cục trưởng Hợp tác quốc tế Phạm Quang Hưng thông tin về thực trạng chương trình giáo dục quốc tế ở Việt Nam. Ảnh: Dương Tâm.

Cục trưởng Hợp tác quốc tế Phạm Quang Hưng thông tin về thực trạng chương trình giáo dục quốc tế ở Việt Nam. Ảnh: Dương Tâm.

Theo ông Hưng, những số liệu trên cho thấy các chương trình giáo dục quốc tế đang phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trường đại học ở nước ngoài bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đồng tình với ý kiên trên, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chính sách rất mở để các trường mở các chương trình quốc tế nhưng vẫn còn một số rào cản, trong đó rào cản lớn nhất là ngoại ngữ.

“Trình độ ngoại ngữ của học sinh từ phổ thông không tốt nên khi tham gia chương trình đào tạo quốc tế, chúng tôi thường mất một năm để giúp các em nâng chuẩn IELTS lên mức 6.0”, ông Dũng nói và cho rằng cần cải thiện trình độ tiếng Anh cho học sinh từ cấp dưới.

Ông Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM, cũng cho rằng một trong những điểm yếu của sinh viên Việt Nam là ngoại ngữ khiến nhiều gia đình phải bỏ ra rất nhiều tiền cho con em ra nước ngoài học ngoại ngữ trước, rồi mới vào chương trình học chính thức. Đó cũng là lý do họ chọn con đường du học thay vì học tập trong nước.

“Ở tầm vĩ mô, nếu chúng ta giữ được các cháu ở lại Việt Nam học ngoại ngữ rồi tham gia các chương trình liên kết thì rất hay. Điều này giúp quốc tế hóa các chương trình giáo dục ở Việt Nam và các trường đại học cũng tham gia tốt vào việc quốc tế hóa hơn”, ông Hải nói.

Phó hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM nhận định ở góc độ GDP, nếu nhà nước bỏ ra một đồng hỗ trợ học sinh học ở Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều việc gia đình bỏ ra 3-4 đồng chi phí cho các cháu ra nước ngoài học. Vì vậy, ông mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 50% cho các sinh viên học các chương trình liên kết quốc tế ở Việt Nam nếu các em được nhận vào học và hoàn thành khóa học.

“Nó là khoản ngân sách có thể khó sắp xếp đối với Việt Nam nhưng nếu nhìn vào tầm vĩ mô và lợi ích lâu dài thì xứng đáng, giúp các trường Việt Nam có nguồn sinh viên học chương trình quốc tế, liên kết”, ông Hải chia sẻ.

Ngoài ngoại ngữ, một rào cản khác kìm hãm sự phát triển các chương trình liên kết quốc tế trong các trường đại học là việc tìm đối tác nước ngoài. Theo ông Hải, hiện hầu hết các trường đều tìm đối tác dựa vào các mối quan hệ cá nhân. Ví dụ, lãnh đạo trường học tiến sĩ nước ngoài có quen với giáo sư trường nào sẽ mời liên kết lại với mình. Điều này không dễ dàng và bị hạn chế.

Vì vậy, ông Hải mong Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Ngoại giao cùng các tham tán văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ lên danh sách các đại học có thiện chí với Việt Nam, có liên kết với các trường ở các nước đang phát triển như Việt Nam để các trường trong nước liên hệ.

Cũng theo ông Hải, các trường đại học ở Việt Nam phải liên kết lại với nhau để có những chương trình quốc tế thật sự. “Như ngành Luật, chúng tôi không thể có tiềm lực để mở một chương trình 100% tiếng Anh. Chúng tôi muốn liên kết với các cơ sở đào tạo luật khác ở Việt Nam, mời một trường Luật ở nước ngoài làm thủ lĩnh”, ông Hải nói.

Ông Bùi Xuân Hải nêu kiến nghị tại hội nghị sáng 21/7. Ảnh: Dương Tâm.

Ông Bùi Xuân Hải nêu kiến nghị tại hội nghị sáng 21/7. Ảnh: Dương Tâm.

Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chia sẻ thực trạng về việc xin visa cho sinh viên hay cán bộ nước ngoài đến làm việc ở trường đại học về chương trình liên kết quốc tế là rất khó khăn. Điều này cũng phần nào cản trở việc phát triển các chương trình. Ông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có tác động, cùng các bộ ngành liên quan tạo cơ chế thông thoáng cho việc này.

Ngoài ra, ông Sơn cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra chính sách quyết định các trường phải đầu tư bao nhiêu kinh phí cho nghiên cứu khoa học. “Nên chăng cũng cần có chính sách như vậy để thúc đẩy các chương trình quốc tế, chẳng hạn như dành một số phần trăm học phí nhất định để đưa sinh viên ra nước ngoài”, ông Sơn đưa ra gợi ý.

Bà Dương Hồng Loan, Giám đốc Đối tác chiến lược, Đại học RMIT, thì hy vọng Bộ có thể “bật đèn xanh” để các trường đại học và cơ quan kiểm định giáo dục các nước có thể ngồi lại với nhau, bàn bạc và thống nhất về quy trình quy đổi bằng cấp, tín chỉ bởi việc này rất quan trọng đối với những em có cơ hội chuyển đổi, muốn về nước hay ra nước ngoài học mà không bị gián đoạn.

Bà Loan cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có cơ quan làm trọng tài, giám sát sự minh bạch của các chương trình hợp tác quốc tế. Việc thông tin các chương trình ra công luận phải rõ ràng là chương trình liên kết, các trường là chi nhánh hay phân hiệu đại học nước ngoài tại Việt Nam chứ không thể nhập nhèm khiến phụ huynh, học sinh hiểu nhầm.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đồng tình với các kiến nghị trên. Chẳng hạn với kiến nghị công nhận tín chỉ cho sinh viên, Bộ trưởng cho biết đang làm việc với các trường ở một số quốc gia về việc này. Sắp tới, Bộ sẽ đẩy mạnh công nhận tín chỉ một cách cụ thể, công bố để các em có thể đối chiệu, tự chọn.

Ông Nhạ cũng cho rằng rất cần thiết phải công khai, minh bạch đối với các chương trình giáo dục quốc tế, tránh tình trạng các trường đưa từ “quốc tế” vào chương trình rồi thu tiền mà chất lượng, tính chất lại không đúng.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Dương Tâm.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Dương Tâm.

Những năm qua, Việt Nam rất quan tâm đến hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài. Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành đã thúc đẩy quá trình tự chủ đại học, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, mở ra nhiều hơn nữa cơ hội thu hút các trường đại học xuất sắc vào Việt Nam.

“Chúng ta không đặt vấn đề sinh viên phải học nơi này hay nơi kia mà đặt ra là tạo được môi trường tốt nhất, chương trình đào tạo tốt nhất cho người học, để người học có thể được tiếp nhận với nhiều nền giáo dục tiên tiến”, ông Nhạ nói.

Hiện, các chương trình liên kết đào tạo chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cơ hội để mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch còn rất lớn. Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh mở chương trình nào phải đạt yêu cầu chương trình đó. Thời gian qua, Bộ đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này nhằm tạo ra những chương trình liên kết quốc tế thực sự chất lượng tại Việt Nam.

Dương Tâm