Đại biểu Quốc hội lo ‘nạn’ dạy thêm học thêm ở chương trình mới

TP HCMĐại biểu Quốc hội Phan ​Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng khi áp dụng chương trình phổ thông mới, phải hạn chế dạy và học thêm.

Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới, bà Phan Thị Bình Thuận cho rằng, một trong những trọng tâm của Nghị quyết 88/2014 và Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa là giảm dạy học hàn lâm, tăng cường hoạt động ngoại khoá.

“Học sinh đã học hai buổi mỗi ngày, ngoài việc đi học ở trường, các em có phải đi học thêm ở cơ sở bên ngoài không?”, bà Thuận nêu vấn đề.

Lấy câu chuyện của con mình để dẫn chứng, bà Thuận nói, cháu học cả ngày ở trường, đi học thêm, về nhà ăn uống qua loa rồi lại học đến khuya. Thế nhưng lên lớp cháu vẫn có môn chưa hiểu, nhiều bài tập không biết cách làm. “Thời gian học hai buổi trên trường có hiệu quả hay không, tôi nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá”, bà đề xuất.

Bà Phan Thị Bình Thuận (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) tại buổi giám sát sáng 21/7 tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Bà Phan Thị Bình Thuận (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) tại buổi giám sát ở Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, sáng 21/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Về vấn đề này, ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, chỉ đạo của ngành là giáo viên không được tổ chức hoạt động này. Thầy cô chỉ được tham gia dạy thêm ở các cơ sở giáo dục được cấp phép và đảm bảo đúng quy định.

Ngoài ra, với cách tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được hướng dẫn việc tự học nhiều hơn. Giáo viên không phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa hoặc chương trình một cách cứng nhắc mà được lựa chọn nhiều nguồn học liệu.

Từ cách tiếp cận này, học sinh không phụ thuộc vào học thêm.

Trong khi đó, PGS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM) đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo dự thảo kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho ngành, giai đoạn 2020-2025, đưa vào danh mục tổng cầu đầu tư của thành phố. Bởi thách thức của thành phố khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đảm bảo cơ sở vật chất, thực hiện lộ trình học hai buổi một ngày.

Đại biểu Lê Trương Mỹ Ngọc lại quan tâm đến bộ sách giáo khoa lớp Một mới được triển khai tại TP HCM trong năm học tới. Trong hơn 470 trường tiểu học, hơn 400 chọn bộ Chân trời sáng tạo, còn lại chọn bộ Kết nối tri thức, Cánh diều. “Giá sách từng bộ như thế nào? Học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo có gặp khó khăn khi mua sách hay không, biện pháp hỗ trợ là gì”, bà Ngọc đặt vấn đề.

Một số đại biểu khác hỏi về giải pháp tăng số trường, lớp được hai buổi một ngày, giảm sĩ số lớp, nâng chuẩn giáo viên theo quy định mới của Luật Giáo dục, kiểm soát bạo lực học đường…

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu giải đáp những các câu hỏi của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu giải đáp những các câu hỏi của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thành phố đang phát triển mạnh giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Hiện, nhiều trường đầu tư các phòng học, thư viện thông minh. Khâu thủ tục hành chính, cấp phép trong lĩnh vực giáo dục cũng dần chuyển từ giấy tờ sang trực tuyến.

Lãnh đạo Sở cũng nêu một số khó khăn hiện nay như khó tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học tiểu học bởi quy định giáo viên buộc phải tốt nghiệp đại học sư phạm. Vừa qua, nhiều quận không tuyển được người.

Số lượng học sinh lớn (1,7 triệu), người dân nhập cư đông, tập trung ở ngoại thành nên nhiều quận như Tân Phú, Bình Tân, quận 12 có tỷ lệ trường dạy hai buổi mỗi ngày chưa tới 30%. “Không dạy được hai buổi một ngày sẽ thiệt thòi cho học sinh, học 5 buổi một tuần thì không thể có thời gian tổ chức các hoạt động khác”, ông Hiếu nói

Mạnh Tùng