Đại biểu Quốc hội lo chính sách miễn thuế đất nông nghiệp bị trục lợi

Các đại biểu Quốc hội đề nghị siết chặt đối tượng thụ hưởng miễn thuế đất nông nghiệp, tránh tình trạng trục lợi chính sách, hoang hoá đất đai. 

Ngày 25/5 Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. 

Trình bày dự thảo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn đến hết năm 2020. Chính phủ đề nghị miễn tiếp thuế này đến cuối năm 2025. 

Theo ông, việc miễn thêm 5 năm thuế đất nông nghiệp sẽ không làm giảm thu ngân sách, do đây là chính sách đang thực hiện trên thực tế. Miễn thuế này cũng hỗ trợ trực tiếp nông dân, khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng đây cũng là giải pháp khuyến công, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cũng như Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại. Giai đoạn sau năm 2026, Chính phủ sẽ đánh giá tác động tổng thể các chính sách thuế liên quan bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung, bảo đảm phù hợp phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo tính khả thi. 

Thảo luận sau đó, các đại biểu Quốc hội lo ngại việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tất cả sẽ dẫn tới tình trạng trục lợi chính sách nếu không siết chặt đối tượng thụ hưởng. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), đang là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân băn khoăn, nếu kéo dài việc miễn thuế đất nông nghiệp sẽ làm mất đi chức năng của loại thuế này. Số tiền miễn thuế khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm “không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhưng hiện cũng không có tác dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân”.

    Xem thêm: Đề xuất miễn thuế đất cho doanh nghiệp thêm 5 năm

Với khoảng 11.000 hộ nông dân hiện nay, bình quân mỗi hộ được miễn gần 700.000 đồng, không có nhiều ý nghĩa trong thúc đẩy sản xuất. Điều này dẫn đến sự “bình quân hoá”, nghĩa là chức năng phân phối lại nguồn lực của những người sử dụng đất không được thực hiện. Do đất không phải chịu thuế nên nhiều người dù không sử dụng vẫn cố gắng giữ đất nhiều, dẫn tới tình trạng đất hoang hóa. Trong khi đó, người khác cần đất thì lại không có để sản xuất. 

“Như vậy không chỉ lãng phí mà còn cản trở việc sử dụng đất đai cho những đối tượng muốn sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung hoá”, ông Cường nhận xét. 

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị, không nên kéo dài quá lâu chính sách miễn thuế đất nông nghiệp, thay vào đó cần có chính sách thuế đất nông nghiệp để khoan sức dân. 

Ông Hoàng Văn Cường - đại biểu thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Hoàng Văn Cường – đại biểu thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng phải siết chặt hơn đối tượng được miễn thuế đất nông nghiệp, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Theo ông, không miễn thuế với trường hợp diện tích nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức quản lý mà không trực tiếp sử dụng, sau đó giao thầu cho các đơn vị khác theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp.  

Cũng nêu thực tế tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận giá đền bù, bỏ hoang không sản xuất, ông Phạm Văn Hoà – Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Đồng Tháp lưu ý, việc quản lý đất nông nghiệp phải “chặt chẽ đến từng thửa ruộng, lập sổ sách theo dõi hàng năm”.

Thẩm tra trước đó, thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, thực tế miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vừa qua thiếu tích cực khi không tạo động lực để các tổ chức, cá nhân canh tác dẫn tới tình trạng hoang hoá, lãng phí nguồn lực.

“Có tình trạng đất nông nghiệp được giao nhưng không canh tác hoặc canh tác không hiệu quả. Và cũng có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận)”, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu.

Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung các quy định chặt chẽ để chính sách này có tác động tới hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang, lãng phí đất đai.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, tình trạng đất hoang hoá do nhiều nguyên nhân chứ không riêng việc miễn, giảm thuế đất nông nghiệp. “Xử lý đất hoang hoá được thực hiện theo Luật Đất đai”, ông Dũng thông tin. 

Bộ trưởng Tài chính nói thêm, cơ quan này đang đánh giá lại tất cả luật liên quan tới thuế, thời gian tới sẽ trình Quốc hội luật thuế mới, trong đó có thuế tài sản. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, và Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu luật thuế tài sản, trình Quốc hội thời điểm thích hợp, trong đó đề cập đưa đất nông nghiệp vào đối tượng để tính toán thuế tài sản”, ông Dũng nói.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Bài trướcDoanh nghiệp bị ‘tuýt còi’ vì cung cấp chữ ký số khi chưa đủ điều kiện | Công nghệ
Bài tiếp theoChủ tịch tỉnh Quảng Ninh ‘đáp ứng điều kiện làm hiệu trưởng’