Cuộc chiến về quyền riêng tư của những người khỏi Covid-19

Hàn QuốcVụ bê bối xôn xao cộng đồng bắt đầu khi Kim Ji-seon, 29 tuổi, tư vấn viên của một chương trình cho giới trẻ tại nhà thờ Busan, nhiễm Covid-19.

Ngay lập tức, thông tin đời tư của cô được công khai và trở thành chủ đề bàn tán trên các mạng xã hội ở Hàn Quốc.

Văn hóa “bắt nạt” và lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng đang ngày càng phổ biến tại quốc gia này. Theo nhiều chuyên gia, hiện tượng xuyên tạc sự thật, dù nhen nhóm từ lâu, đã thực sự trở thành một vấn đề nhức nhối sau khi chính phủ Hàn Quốc sử dụng công nghệ hiện đại để truy vết dịch bệnh.

Kim Ji-seon và chồng tại nhà thờ ở Busan, Hàn Quốc. Cô bị săn lùng trên mạng sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19. Ảnh: New York Times.

Kim Ji-seon và chồng tại nhà thờ ở Busan, Hàn Quốc. Cô bị “săn lùng” trên mạng sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19. Ảnh: New York Times.

Sử dụng các công cụ kỹ thuật số tinh vi, nhà chức trách Hàn Quốc đã công khai tuổi, giới tính, tên nhà thờ và nơi ở của cô Kim. Từ những chi tiết này, những kẻ quấy rối trên Internet đã cáo buộc cô Kim thuộc một giáo phái cuồng đạo. Họ ghép lịch trình đi lại của cô với hành trình của một thành viên khác trong nhà thờ đã có kết quả dương tính và kết luận cô đang lừa dối vị hôn phu của mình.

“Tôi đã rất sốc”, Kim nói trong một cuộc phỏng vấn. “Làm sao họ có thể chế giễu những người đang đấu tranh cho mạng sống của mình trên giường bệnh? Với kim truyền cắm vào cánh tay, tôi gần như không thể làm được gì để tự thanh minh cho mình”.

Chính phủ trên khắp thế giới đều đang phải vật lộn chống lại thông tin sai lệch liên quan tới sự lây lan của virus. Tuy nhiên ở Hàn Quốc, cuộc đấu tranh đó lại trở thành việc của mỗi cá nhân.

Hàn Quốc thành công trong việc truy vết những ca nhiễm virus phần lớn nhờ vào việc phân tích dữ liệu từ camera giám sát, điện thoại thông minh và hồ sơ giao dịch thẻ tín dụng. Nhưng nó đã tạo điều kiện cho những kẻ quấy rối bịa chuyện để khinh miệt người khác. Trong khi đó, nhiều người dân nước này vẫn bảy tỏ quan điểm ủng hộ các biện pháp cứng rắn của chính quyền.

“Tôi không nghĩ điều này phản ánh sự thiếu tôn trọng quyền riêng tư ở Hàn Quốc. Thay vào đó, mọi người nên nghĩ rằng tại thời điểm đại dịch, quyền riêng tư có thể phải hy sinh vì sức khỏe cộng đồng”, Park Kyung-sin, Giáo sư tại Đại học Luật Hàn Quốc, một chuyên gia về quyền riêng tư, cho biết.

Một số người, trong đó có Kim, đã phải chịu đựng những tin đồn thất thiệt. Những kẻ quấy rối trên mạng đã gán cho cô biệt danh “Máy bay bà già”, xuyên tạc rằng cô đã bán dâm với một người đàn ông trẻ tuổi. Những người khác còn cho rằng nếu cô ấy có thai, đứa trẻ sơ sinh phải xét nghiệm quan hệ cha con. Dù các quan chức ở thành phố Busan đã làm sáng tỏ các tin đồn, chúng vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng.

Sau khi xuất viện, cô Kim đã nộp đơn khiếu nại, yêu cầu một trang tin điện tử lớn xóa nội dung giả mạo. Nhưng sau khi cố gắng săn lùng hàng chục blog, cô đã phải bỏ cuộc. “Có quá nhiều trang tin giả”, cô nói.

Cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch đã làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư ở khắp các quốc gia. Các chính phủ như Italy, Israel, Trung Quốc và Singapore, sử dụng dữ liệu điện thoại và các liên hệ của người dùng để theo dõi những người có khả năng bị nhiễm bệnh.

Hàn Quốc, quốc gia đi đầu về kết nối số, nơi hầu như mọi người đều sở hữu điện thoại thông minh, đã có những biện pháp phức tạp hơn thế. Ngoài việc công khai một số dữ liệu cá nhân, nhà chức trách còn gửi tin nhắn văn bản đến những người có tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất thế giới chính phủ có quyền thu thập nhiều dữ liệu như vậy khi có dịch bệnh, theo giáo sư Park.

Trong những tháng đầu của đại dịch, các trang web của chính phủ đã đăng tải bản mô tả chi tiết về cuộc sống hàng ngày của từng bệnh nhân, cho đến khi họ được chẩn đoán và cách ly. Chính phủ không tiết lộ tên bệnh nhân nhưng lại công bố dữ liệu như địa chỉ, nơi làm việc và chủ lao động của họ.

Lượng dữ liệu đó đã thúc đẩy “nền văn hóa quấy rối” trên môi trường trực tuyến ngày càng gia tăng. Ở Hàn Quốc, vấn nạn “doxxing” – đào bới và công bố thông tin cá nhân – thường được nhắc đến trong các vụ tự tử gần đây của các ngôi sao K-pop.

Các nhà hàng mà bệnh nhân ghé bị đối xử như thể chúng bị nguyền rủa. Khi một bệnh nhân nữ thường xuyên đến quán karaoke, những kẻ “troller” ngay lập tức cho rằng cô ấy chắc hẳn là gái mại dâm. Nhiều người đồng tính nam ở Hàn Quốc cũng lo sợ bị lộ danh tính sau khi một ổ dịch bùng phát tại một câu lạc bộ đồng tính ở Seoul vào tháng 5.

Khi những câu chuyện về bắt nạt trên mạng ngày càng gia tăng, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu hạn chế tiết lộ thông tin của bệnh nhân.

Họ không còn tiết lộ tuổi, giới tính, quốc tịch hoặc nơi làm việc của bệnh nhân nữa. Tên những địa điểm mà người bệnh đã đến cũng được giữ kín, nếu những người bệnh nhân gặp đã được xác định. Chính quyền sẽ xóa tất cả thông tin về người mắc bệnh sau hai tuần công bố.

Khi dịch bùng phát trở lại những tháng gần đây, các nhà chức trách Hàn Quốc đã ngăn chặn hàng loạt vụ phát tán thông tin sai lệch hoặc tiết lộ dữ liệu cá nhân của người khác. Chính quyền đã thẩm vấn 202 người về các hoạt động liên quan. Trong số đó, một người đàn ông đã tuyên truyền trên YouTube rằng các cơ quan y tế đang thao túng kết quả xét nghiệm để bắt giữ những người chỉ trích chính phủ, hay 6 người tung tin đồn rằng một bệnh nhân nam đã đến thăm một số nơi ở phía nam Seoul, mặc dù anh ta chưa từng tới đó.

Các cơ quan chức trách vẫn đang cố gắng cân bằng giữa quyền riêng tư và sự an toàn của người dân. Cảnh sát đã yêu cầu công tố viên truy tố 13 bị cáo vì lan truyền thông tin sai lệch.

Sự kỳ thị của xã hội được chứng minh là rất có hiệu quả. Theo nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nhiều bệnh nhân Hàn Quốc còn sợ bị kỳ thị hơn cả virus. Cứ 10 người, có 6 người đã kiểm tra dữ liệu bệnh nhân trên các trang web của chính phủ. Phần lớn những người đã xem thông tin đều nói rằng họ thấy nó hữu ích.

Ngay cả Kim Dong-hyun – người bị tung tin là “phi công trẻ” của cô Kim – và bạn bè của anh cũng cho biết họ hiểu lý do tại sao phải thu thập và tiết lộ thông tin. Nhưng họ cũng nói về áp lực xã hội mà những người nhiễm bệnh phải đối mặt. Chính phủ đã tạm thời đóng cửa nơi làm việc của Kim Dong-hyun sau khi anh có kết quả dương tính và đồng nghiệp của anh cũng phải tiến hành xét nghiệm.

Anh nói: “Tôi cảm giác tội lỗi về điều đó. Nó còn khó chịu hơn nỗi đau thể xác do Covid-19 gây ra”.

Cả Kim Ji-seon và Kim Dong-hyun đều là thành viên của Giáo hội Onchun. Một số thành viên của giáo hội này đã tổ chức tham quan một số bất động sản bên bờ biển ở Busan vào tháng hai. Nhưng một số người trên mạng đã cáo buộc rằng nhà thờ của họ có liên kết với giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa), từ lâu đã bị phỉ báng ở Hàn Quốc như nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm đầu tiên.

Vào tháng 6, Kim Ji-seon và 20 thành viên trước đây bị nhiễm bệnh của nhà thờ đã đồng ý hiến huyết tương của mình để giúp chữa trị cho những bệnh nhân khác. Kim Chang-yeon, chồng chưa cưới của cô Kim, cho biết: “Đó là để thể hiện sự cảm ơn đối với những bác sĩ, y tá tận tâm ngày đêm điều trị cho chúng tôi”.

Kim Ji-seon và chồng đã kết hôn cùng tháng đó. Khách mời tham dự được yêu cầu đeo khẩu trang, găng tay và giữ khoảng cách với nhau. Cặp đôi đã hủy bỏ tuần trăng mật ở Thái Lan và dành ra ba ngày trong một khách sạn ở Hàn Quốc trong khi virus đang hoành hành bên ngoài.

Đăng Thiên (theo New York Times)

Nguồn bài viết

Bài trướcNối lại đường bay quốc tế với các đối tác
Bài tiếp theoĐịnh hướng nghề nghiệp từ bậc tiểu học thế nào cho phù hợp? | Giáo dục