Covid-19 vào đề Văn lớp 10 công lập TP HCM

Đề Văn thi vào lớp 10 THPT công lập tại TP HCM có ba câu, trong đó câu đọc hiểu lấy văn bản nói về Covid-19 với ý nghĩa lắng nghe và chia sẻ.

Rời điểm thi trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), nhiều thí sinh tỏ ra thoải mái, khác với vẻ căng thẳng khi bước vào kỳ thi lớp 10 sáng 16/7. Đề Văn được thí sinh cho là vừa sức, mang tính thời sự, các câu hỏi quen thuộc.

Đề văn
Đề văn - 1

Nguyễn Hoàng Bảo Ân (trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) cho rằng, câu 1 với đoạn văn viết về Covid-19 hay, gần gũi. Ba câu hỏi đầu yêu cầu kỹ năng đọc hiểu văn bản khá dễ, không đánh đố thí sinh. Riêng câu hỏi nhỏ cuối hỏi quan điểm của thí sinh về việc lắng nghe chính mình, lắng nghe xung quanh hay thế giới tự nhiên, Ân cho rằng có đề có độ mở để thí sinh sáng tạo.

Riêng câu số 2 nghị luận xã hội về nhận định phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương, Ân dành thời gian phân tích “lắng nghe là gì”. Nữ sinh cho rằng, lắng nghe để hiểu, để đồng cảm và chia sẻ, đồng thời cũng là một biểu hiện của sự quan tâm.

“Trong câu hỏi nghị luận văn học, em chọn trích đoạn trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt bởi bài này hay, xúc động, gây ấn tượng với em”, nữ sinh cho biết.

Trong khi đó, cùng nhận xét câu 1 đọc hiểu văn bản dễ, gần gũi bởi vấn đề thời sự về dịch bệnh, Phạm Trường Thịnh (quận Gò Vấp) lại gặp khó ở câu 2 và 3. Nam sinh viết văn không hay, cảm xúc nên câu hỏi biểu hiện của yêu thương không nhiều hứng thú. Ở câu 3, nam sinh kết thúc bài sớm bởi không có nhiều tư liệu để viết.

“Năm nay em thi chuyên Anh vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nguyện vọng 1 vào trường THPT Phú Nhuận. Phải cố gắng ở các bài thi tiếp thôi”, Thịnh nói.

Hồ Kỳ Anh (trường THCS Phú Mỹ, quận Bình Thạnh) thích với câu đọc hiểu về Covid-19 vì gần gũi, hứng thú với câu 2 nghị luận xã hội vì vấn đề đặt ra lạ, hấp dẫn. Riêng câu 3 nghị luận văn học, nam sinh chọn thơ bởi cho rằng thể loại này dễ phân tích hơn.

Ông Võ Kim Bảo (giáo viên trường THCS Nguyễn Du, quận 1) nhận xét đề Văn không khó, gần gũi, vừa sức học sinh. Lần đầu tiên, đề thi được xây dựng trên một chủ đề thống nhất là “lắng nghe” là sáng tạo, không theo hình thức cũ, giúp thí sinh có tư duy mạch lạc, xuyên suốt quá trình làm bài.

“Đề thi chú trọng kĩ năng và trải nghiệm văn học, trải nghiệm cuộc sống. Ưu điểm lớn nhất là tôn trọng góc nhìn của học sinh, tránh học tủ, tránh văn mẫu”, thầy Bảo nhận xét.

Thầy Bảo nhận xét câu 1 đơn giản, học sinh trung bình có thể làm tốt. Đề bài yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học khá toàn diện, độ khó hợp lý. Dự báo nhiều học sinh sẽ đạt điểm cao ở câu này.

Câu 2 không khó, khá gần gũi, cách ra đề khá tinh tế khi suy nghĩ về “lắng nghe” ở một góc nhìn khác so với thông thường. “Học sinh cần viết tập trung làm rõ vấn đề, muốn viết tốt phải biết liên hệ trải nghiệm của chính bản thân mình trong cuộc sống. Đề không khó về yêu cầu nên giám khảo sẽ đánh giá cao các bài làm có giọng văn trải nghiệm”, thầy Bảo nói.

Với câu 3, giáo viên này cho rằng đề có nhiều đổi mới nhất, tôn trọng suy nghĩ người học khi cho nhiều lựa chọn. Với câu hỏi này, thí sinh chính là người tự ra đề cho mình, chọn tác phẩm đề phân tích và chọn tác phẩm để liên hệ. “Cách ra đề này tránh việc học tủ, học vẹt, lạm dụng văn mẫu”, thầy Bảo nói.

Ông Trương Minh Đức (giáo viên Văn, trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3) cùng quan điểm trên khi cho rằng, đề Văn bám sát tinh thần đổi mới, phát triển năng lực học sinh ở ba phương diện nhận biết, thái độ và hành động.

Với đề này, giáo viên không gặp khó trong việc đánh giá, học sinh cũng không phải học thuộc lòng mà vận dụng được tư duy, kỹ năng nhiều hơn.

“Câu 1 và 2 ở mức cơ bản, học sinh có thể làm tốt trong khi câu 3 dùng để phân loại thí sinh. Do đó, phần lớn các em có thể đạt điểm trên trung bình với đề này”, thầy Đức nói.

Cũng theo thầy Đức, trong tổng thể đề Văn, các câu hỏi thiên về nghị luận xã hội chiếm 60% tỷ trọng, tác động tích cực đến việc dạy và học Văn sau này. Với phương pháp ra đề này, học sinh phải thể hiện thái độ, trách nhiệm và khả năng quan sát xã hội, cuộc sống cao hơn. Học vẹt, học theo văn mẫu dần bị loại bỏ.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi Văn tại điểm thi trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1). Ảnh: Mạnh Tùng.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi Văn tại điểm thi trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1). Ảnh: Mạnh Tùng.

Cô Đỗ Khánh Phương (giáo viên Hệ thống giáo dục Học Mãi) nhận xét tình hình Covid-19 ở phần đọc hiểu là vấn đề mang tính cấp thiết, nóng hổi, có tính thời sự. Câu hỏi hướng thí sinh đến những suy nghĩ tích cực.

Nhìn tổng thể, đề Văn ở TP HCM có cấu trúc khác biệt so với năm ngoái, rõ nét nhất ở câu nghị luận xã hội. Không còn là những hình ảnh minh họa như mọi năm mà câu hỏi hiện dưới dạng một câu hỏi hướng vào chủ đề của đề thi, đó là lắng nghe. Nhưng chỉ đi về một khía cạnh, lắng nghe là biểu hiện của yêu thương.

“Phần nghị luận văn học năm khó, mới mẻ bởi đề bài cho đến ba tác phẩm với ba thông điệp. Thông điệp thứ nhất là giá trị sống, thông điệp thứ hai là cảm xúc yêu thương cho gia đình, thông điệp thứ ba khát vọng cống hiến cho xã hội”, cô Phương cho biết.

Mạnh Tùng