Cổng dịch vụ công hiệu quả khi đầu tư đồng bộ

Xe bị phạt nguội song địa phương chưa vào cổng dịch vụ công nên người dân phải đóng tiền mặt, lãnh đạo TP HCM đưa ví dụ để nhấn mạnh sự cần thiết tính đồng bộ.

Chính thức khai trương từ 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia công bố 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay cổng cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến (gồm 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp), theo số liệu của bộ phận vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tiếp nối thành công của chương trình ngày 19/5, hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến lần thứ hai diễn ra chiều ngày 12/6 tại TP HCM. Hội nghị tiếp tục ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia hiệu quả hơn.

Sự kiện do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia (thông qua chương trình đối tác chiến lược Australia – Ngân hàng thế giới (ABP2) tổ chức tại điểm cầu chính ở TP HCM. Hội nghị đồng thời phát trực tuyến trên fanpage VnExpress và Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ.

Phát biểu khai mạc, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết thời gian qua Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp mạnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời chuyển đổi mạnh các giải pháp hành chính công, chính phủ điện tử.

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ 14 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.893 trên 6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục ngành hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Như vậy, xã hội đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng hơn 18 triệu ngày công, tương đương tiết kiệm số tiền 6.300 tỷ đồng một năm. Các Bộ, ngành đã có phương án xử lý chồng chéo 1.051 mặt hàng. Việc gửi nhận các văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, qua trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương ngày 12/3/2019 được tăng cường, từng bước chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử, qua hệ thống thông tin báo cáo chính phủ. Dự kiến, sẽ khai trương trong tháng 8/2020.

Từ tháng 7/2020, thực hiện trên toàn quốc xác thực bản sao từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó, người dân có thể thực hiện thủ tục này bất cứ lúc nào mà không cần đến các cơ quan công chứng công và tư”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Từ đầu cầu Hà Nội, đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của cơ quan này tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã có cổng dịch vụ công quốc gia. Sự tăng nhanh các tài khoản, đặc biệt là doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng.  
“Tôi khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tài khoản dịch vụ công, trải nghiệm các dịch vụ trực tuyến, góp ý phản hồi, khuyến nghị để chính phủ phản hồi các góp ý đó tốt hơn. Hành động của bạn hôm nay sẽ định hình chất lượng dịch vụ ngày mai hay trong tương lai”, ông nói. “Đây là cách làm tốt, đi tắt đón đầu. Chúng ta còn nhớ việc số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực ASEAN tạo ra 100.000 tỷ USD cho khu vực vào năm 2025. Các doanh nghiệp cần nắm bắt điều này để số hóa các hoạt động của mình”.

Tuy nhiên, để cổng dịch vụ công thực sự hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp, vị lãnh đạo WB cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo dịch vụ công giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Theo đó, Việt Nam cần áp dụng các công nghệ đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các mô hình cụ thể. Doanh nghiệp khai thác dữ liệu để đơn giản hóa các thủ tục hành chính. 

Không khí của hội nghị trở nên sôi động hơn khi đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nêu những kiến nghị để hoàn thiện Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại TP HCM.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại TP HCM.

Nhóm ý kiến đầu tiên, gửi đến Cục cảnh sát giao thông với nội dung: doanh nghiệp nhận thông báo yêu cầu lên trụ sở của cảnh sát giao thông. Lúc này đại diện doanh nghiệp họ mới nhận được yêu cầu lựa chọn nộp phạt trực tuyến hoặc trực tiếp. “Doanh nghiệp mong muốn các CSGT cân nhắc tích hợp bước thông báo và quyết định thành một bước, để hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian”.

Ý kiến thứ hai, tình huống doanh nghiệp làm hồ sơ đăng ký sản phẩm bảo vệ sức khỏe, nhập khẩu từ Hàn Quốc. Tất cả giấy tờ đã được chứng thực và làm thủ tục đầy đủ. Mẫu giấy của Hàn Quốc không ghi ngày hết hạn, theo quy định là 3 năm, song mẫu giấy của Bộ Y tế có ghi ngày bắt đầu và ngày hết hạn. Đây là lý do hồ sơ này vẫn chưa được thực hiện do mẫu giấy không giống của Việt Nam. 

Giải đáp những vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, dịch vụ công chỉ thực sự hiệu quả khi được đầu tư đồng bộ ở tất cả ngành, địa phương. 
“Do đó nói công an làm không tốt cũng không thật sự đúng, họ chỉ có vai trò về mặt nghiệp vụ, kỹ thuật. Để ứng dụng được cần có sự tham gia của chính quyền địa phương”, vị này nói.

Từ góc độ hiệp hội ngành hàng,  ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng đồng tình việc xây dựng xuyên suốt đồng bộ Cổng dịch vụ công từ Chính phủ đến Bộ ngành, Trung ương và địa phương. Trong đó, ông cho rằng cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm của cán bộ công quyền trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công. 

thumbnail-IMG-20200612-173759-9785-15919

Đại biểu của các hội doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tại Việt Nam lắng nghe các ý kiến chia sẻ.

Ông này dẫn chứng việc đã ký 25 văn bản về cơ chế chính sách nhưng 2 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Ngành dệt may khi nhận một đơn hàng cực lớn, doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có đủ năng lực giải quyết được ngay mà cần đưa tới các doanh nghiệp khác để gia công lại. Quá trình đi gia công lại thì về doanh nghiệp phải đóng thuế nhập khẩu. “Điều này cực kỳ phi lý và vướng mắc. Vấn đề này chưa được giải quyết một năm nay. Một doanh nghiệp vừa gửi văn bản lên Hiệp hội dệt may vì phải nộp 98 tỷ đồng tiền thuế do gia công lại”, ông Giang cho hay.

Một số doanh nghiệp đưa ra một số kiến nghị liên quan đến tư duy cải cách thủ tục hành chính. Trong đó với các quốc gia có đại sứ quán đều đã nghiên cứu thông tin. Nếu nguồn thông tin này có thể tích hợp trên cổng thông tin điện tử quốc gia sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp ngành.

Sau thời gian lắng nghe, giải đáp và ghi nhận những băn khoăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mong muốn, các doanh nghiệp sẽ tiếp sức xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, Chính phủ nỗ lực tạo sự đồng bộ hạ tầng, nền tảng dữ liệu, cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý, thúc đẩy hiệu quả dịch vụ công. “Điều cốt lõi là thay đổi tư duy của tất cả chúng ta, chứ không phải phần mềm hay công nghệ”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Xem diễn biến chính

Nguồn bài viết

Bài trướcGiá vàng sụt giảm, cảnh báo thận trọng giao dịch
Bài tiếp theoVì sao người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi?