Cơ hội làm việc nước ngoài khi học Viện Điện tử – Viễn thông

Tại chương trình On EduTalk – Tư vấn tuyển sinh đại học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Viện phó Viện Điện tử – Viễn thông (ĐH Bách Khoa Hà Nội) và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Thu Hương – Phó Giám đốc chương trình Đào tạo tinh hoa (ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ chi tiết về các ngành đào tạo cũng như lợi thế mà sinh viên có được khi theo học tại viện. Chương trình do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp đài Truyền hình VTVcab thực hiện.

Cơ hội làm việc nước ngoài khi học Viện Điện tử - Viễn thông

Sinh viên Viện Điện tử – Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đào tạo song bằng với các trường liên kết quốc tế

Sinh viên Viện Điện tử – Viễn thông có thể tham gia chương trình song bằng với các trường đại học đối tác. Viện liên kết với trường Telecom ParisTech theo mô hình 4+2 (bốn năm đầu học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hai năm cuối học tại trường ĐH Telecom ParisTech, Pháp).

Lĩnh vực liên kết liên quan đến khoa học máy tính, CNTT và xử lý tín hiệu thông tin dành cho trí tuệ nhân tạo. Sinh viên tốt nghiệp nhận song bằng Thạc sĩ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và bằng Kỹ sư của Đại học Telecom ParisTech.

Ngoài ra, trường còn có mô hình 2+2 (hai năm đầu học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hai năm cuối học tại trường ĐH Wollongong, Australia để được cấp bằng cử nhân của cả hai trường. Bên cạnh đó là mô hình 4+1+3 (bốn năm đầu học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội để lấy bằng cử nhân, một năm học chương trình Thạc sĩ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và ba năm học chương trình Tiến sĩ tại Viện KAIST, Hàn Quốc) để được cấp bằng tiến sĩ của hai trường.

Cơ hội làm việc nước ngoài khi học Viện Điện tử - Viễn thông - 2

Sinh viên thường xuyên được tham gia vào các phòng thí nghiệm, nghiên cứu của viện.

Làm việc với các doanh nghiệp ngay từ năm thứ tư

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh – Viện trưởng Viện Điện tử – Viễn thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Viện hiện có bốn kỳ thực tập với đối tác doanh nghiệp và công ty. Những em có khả năng tốt, ngay từ năm thứ ba hoặc thứ tư, đối tác có thể cấp học bổng để sinh viên tham gia vào các dự án của doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Sinh viên đồng thời được tham gia vào các phòng thí nghiệm, nghiên cứu của viện. Tại đây, sinh viên có thể làm việc trong các dự án được tài trợ bởi nhà nước, doanh nghiệp lớn, để được tôi luyện lý thuyết về ngành và phát triển các kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm về làm việc nhóm, quản lý dự án, đổi mới sáng tạo.

Sinh viên Viện Điện tử – Viễn thông ra trường thường có mức lương khoảng 8-25 triệu đồng, kỹ sư nghiên cứu phát triển lương có thể tới 2.000 USD. Kỹ sư điện tử viễn thông có thể làm ở các vị trí như:

– Kỹ sư phần cứng điện tử, máy tính: thiết kế, mạch điện tử, máy tính nhúng, vi mạch.

– Kỹ sư phần mềm (nhúng): thiết kế, phát triển phần mềm cho các thiết bị thông minh như điện thoại di động, rô bốt, xe ô tô, đầu thu truyền hình kỹ thuật số, kỹ sư kiểm thử phần mềm;

– Kỹ sư viễn thông và mạng máy tính: Thiết kế, tối ưu mạng, quản lý mạng, vận hành hệ thống viễn thông, mạng 4G, 5G, mạng IoT.

– Kỹ sư điện tử hàng không: nghiên cứu phát triển thiết bị bay không người lái, vận hành khai thác các hệ thống định vị dẫn đường máy bay, tàu biển…

– Kỹ sư điện tử y sinh: thiết kế, chế tạo, vận hành thiết bị y tế, hệ thống thông tin y tế.

Cơ hội làm việc nước ngoài khi học Viện Điện tử - Viễn thông - 4

Chương trình đào tạo tài năng của viện có mục đích tìm ra những chuyên gia công nghệ hàng đầu hoặc người đi theo xu hướng hàn lâm và sau này sẽ trở thành giáo sư của các trường đại học.

Nhận bằng thạc sĩ khi học chương trình tài năng

Tại Viện Điện tử – Viễn thông, ngoài chương trình đào tạo kỹ sư chuẩn của Đại học Bách khoa còn có một chương trình tài năng và ba chương trình tiên tiến.

Chương trình đào tạo tài năng có mục đích tìm ra những chuyên gia công nghệ hàng đầu hoặc người đi theo xu hướng hàn lâm và sau này sẽ trở thành giáo sư của các trường đại học.

Đối tượng xét tuyển thẳng của chương trình tài năng là các bạn đạt giải nhất, nhì môn Toán hoặc Vật lý quốc gia, hoặc đi thi Olympic Quốc tế. Với đối tượng sinh viên phải thi đầu vào, các em phải là sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi có giấy nhập học, các em đăng ký với phòng đào tạo để tham gia kỳ thi thứ hai gồm hai môn Toán, Lý. Tiếp đó, các em sẽ trải qua vòng thi phỏng vấn.

Thầy cô sẽ kiểm tra về hoài bão, hiểu biết và kế hoạch của sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường và khi ra trường, kèm theo đó là khả năng tiếng Anh. Nếu các bạn có điểm đầu vào thấp nhưng kỹ năng mềm và tiếng Anh tốt vẫn có ưu tiên lựa chọn hơn những thí sinh khác. Chỉ tiêu của chương trình tài năng giới hạn từ 30 đến 40 sinh viên.

Chia sẻ chi tiết hơn về chương trình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Thu Hương – Phó Giám đốc Chương trình Đào tạo tinh hoa – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Chương trình tài năng hiện đào tạo theo mô hình 4+1,5 năm. Trong đó, chương trình kỹ sư kéo dài 5 năm, và chỉ cần 0,5 năm nữa, sinh viên có thể lấy bằng thạc sĩ. Học phí của chương trình tài năng từ 32-36 triệu đồng một năm”.

Ngoài ra, các chương trình tiên tiến của Viện Điện tử – Viễn thông vẫn có phương thức tuyển sinh riêng. Thí sinh có thể đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định của trường. Có ba phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 của viện là 500 sinh viên.

Xem đầy đủ chương trình On EduTalk – Tư vấn tuyển sinh Viện Điện tử – Viễn thông tại đây.

Thế Đan

Nguồn bài viết

Bài trướcKIDO tăng mạnh lãi nửa đầu năm
Bài tiếp theoThu hẹp cảng cá Quy Nhơn là ‘triệt tiêu’ nghề cá của ngư dân