Cô gái được bố nhắn nhủ ba từ mỗi ngày

Khi Gabby Slome còn là học sinh trung học, bố đã yêu cầu chị em cô nói “Tôi yêu bạn” trước gương mỗi ngày để rèn luyện sự tự tin.

Gabby Slome, sống tại thành phố New York, Mỹ, chia sẻ câu chuyện trên Popsugar.

Khi chị em tôi còn nhỏ, bố đã tìm gặp một diễn giả để hỏi xin phương pháp khơi gợi sự tự tin. Trở về nhà, bố cho chúng tôi xem bộ hình dán chú hổ hoạt hình đang nở nụ cười. Bên dưới hình là dòng chữ: “Xin chào, tôi yêu bạn”. Bố dán những hình này lên mọi chiếc gương trong nhà.

Mỗi buổi sáng, các chú hổ sẽ chăm chú nhìn chúng tôi đánh răng. Bố yêu cầu chúng tôi nhìn vào chú hổ trong gương và nói to: “Tôi yêu bạn, chú hổ à”. Khi đó, chị em tôi đều đã lên cấp ba nên hành động này khiến chúng tôi khá ngại ngùng.

Thấy chúng tôi xấu hổ vì phải nói vậy liên tục, bố nhắc nhở rằng: “Kẻ thù lớn nhất của các con chính là các con”. Và chúng tôi hãy tin tưởng vào bản thân, hoàn thành công việc của mình, chinh phục những thử thách.

Một ngày nọ, tôi hỏi bố về hình dán chú hổ. Tôi tò mò không hiểu tại sao bố lại bắt chị em tôi nói “Tôi yêu bạn” trước gương và ý nghĩa của nó là gì? Bố nói với tôi rằng ba từ ấy giúp chúng tôi vượt qua sự yếu đuối luôn tiềm tàng trong suy nghĩ. Hầu hết mọi người đều nuôi dưỡng nỗi sợ “mình không đủ tốt” làm tự nghi ngờ về năng lực của bản thân. Nếu suy nghĩ này ngày một lớn, nó sẽ biến tự tin thành tự ti, cản trở việc thực hiện những mục tiêu lớn trong cuộc đời.

Gabby Slome chụp ảnh cùng bố. Ảnh: Gabby Slome.

Gabby Slome chụp ảnh cùng bố. Ảnh: Gabby Slome.

Hành động nói “Tôi yêu bạn” hàng ngày khuyến khích chúng tôi nghĩ về sự tự tin như thói quen. Dù nói chú hổ trên gương, thực chất chúng tôi đang tự nói yêu chính mình và khích lệ bản thân.

Bố dạy chị em tôi rằng không gì là không thể nếu chúng ta có ba điều: tự tin vào bản thân, đam mê với công việc và quyết tâm hành động. Bố cũng dạy chúng tôi học cách lập sơ đồ tư duy để xây dựng tính logic, khả năng ghi nhớ trong học tập và công việc sau này.

Câu thần chú “Tôi yêu bạn” của bố đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong sự nghiệp cưỡi ngựa. Với tôi, đua ngựa là môn thể thao khiêm nhường. Không người đua ngựa nào chiến thắng mọi trận đấu và dù chiến thắng, họ cũng phải phân tích lại chặng đua để rút kinh nghiệm. Nếu có sai lầm, bạn phải sửa chữa nó trong những lần sau để hoàn thiện bản thân.

Quá trình sửa chữa sai lầm ngay trên đỉnh vinh quang có thể đánh gục những người yếu đuối, lười biếng, tự ti. Để cố gắng, bạn phải loại bỏ nỗi sợ rằng bản thân không đủ tốt. Một trong những cách tốt nhất để động viên bản thân là nói yêu chính mình trong mọi hoàn cảnh.

Mọi người luôn cho rằng môn cưỡi ngựa là của nam giới, rằng một người phụ nữ như tôi không thể trụ lại trong bộ môn này. Nhiều lúc tôi định bỏ cuộc vì mệt mỏi, vì các vết thương hay vì định kiến của mọi người.

Nhưng tôi biết bản thân có giá trị riêng và nó không phụ thuộc vào giới tính. Ý nghĩ này được hình thành qua những lần tôi tự nói yêu bản thân qua gương. Ba từ đơn giản “Tôi yêu bạn” bố dạy thời thơ ấu đã đồng hành cùng tôi trong quá trình trưởng thành, là kim chỉ nam dẫn lối tôi đến thành công. Bài học này sẽ tiếp tục được tôi gửi gắm cho những đứa con của mình.

Tú Anh (Theo Popsugar)

Nguồn bài viết

Bài trướcEVN đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định dịp nghỉ lễ 2/9
Bài tiếp theoViệt Nam sắp “mở cửa” 6 đường bay quốc tế, đón 5.000 khách nhập cảnh/tuần