Chứng khoán toàn cầu lên đỉnh 3 tháng

Các thị trường đồng loạt đi lên khi nhà đầu tư kỳ vọng vào việc các nước nới phong tỏa và chính phủ tung thêm kích thích kinh tế.

Chỉ số MSCI World Index – theo dõi cổ phiếu 49 quốc gia chiều nay đã lên 2.197 điểm – cao nhất kể từ ngày 6/3. Trong suốt phiên giao dịch hôm nay, chỉ số này liên tục đi lên. Năm nay, MSCI World Index đã tăng 7%, trong bối cảnh các lệnh phong tỏa đẩy nhiều nền kinh tế vào suy thoái.

Chỉ số MSCI theo dõi khu vực châu Âu cũng lên đỉnh 3 tháng. Các thị trường Anh, Pháp, Đức mở cửa chiều nay cũng ngập trong sắc xanh. STOXX 600 tăng hơn 1%, quay về mức đầu tháng 3.

Tại châu Á – nơi Covid-19 đã được kiềm chế, các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng. Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) chốt phiên tăng 2,9% sau thông tin Chính phủ đề xuất tăng ngân sách thêm 28,9 tỷ USD – lần thứ ba trong năm nay – để xoa dịu tác động từ đại dịch.

Chứng khoán Hàn Quốc dẫn đầu đà tăng tại châu Á - Thái Bình Dương chiều nay. Ảnh: AP

Chứng khoán Hàn Quốc dẫn đầu đà tăng tại châu Á – Thái Bình Dương chiều nay. Ảnh: AP

Hang Seng Index (Hong Kong) tăng 1,3%. Shanghai Composite tăng 0,2%. Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 1,3%. Các chỉ số chính tại châu Á hiện chỉ thấp hơn 5-6% so với đỉnh năm nay.

VN-Index chốt phiên hôm nay tăng 0,73% lên 881,17 điểm. Đà tăng nới rộng về cuối phiên, nhờ sự cộng hưởng của các phân khúc cổ phiếu từ bluechip, mid-cap cho tới penny.

Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ chiều nay cũng tăng điểm. S&P 500 tương lai hiện tăng 0,3%, cho thấy Wall Street mở cửa tối nay (giờ Hà Nội) có thể đi lên theo xu hướng toàn cầu. 

Nhà đầu tư hiện lạc quan trước các dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh đang hồi phục khi các chính phủ tái khởi động nền kinh tế, dù nhiều nước thừa nhận nới lỏng phong tỏa quá sớm có thể gây ra làn sóng bùng phát đại dịch thứ hai. Chỉ số theo dõi ngành dịch vụ tháng 5 của Trung Quốc cho thấy ngành này đã quay về mức tiền đại dịch.

Sự lạc quan cũng khiến dòng tiền đổ vào các tiền tệ rủi ro cao, kéo giá đôla Mỹ xuống đáy 3 tháng so với rổ tiền tệ lớn. “Khi không có dấu hiệu đáng kể nào cho thấy đại dịch sẽ tái bùng phát, và việc chữa trị cũng như phát triển vaccine có nhiều tiến triển, chúng tôi dự báo đồng đôla tiếp tục yếu đi”, Mark Haefele – Giám đốc Đầu tư tại UBS Global Wealth Management cho biết. Yen Nhật hôm nay cũng xuống đáy 2 tháng so với đôla Mỹ.

Đồng euro đang tiến tới chuỗi 7 ngày liên tiếp tăng giá so với USD – dài nhất kể từ tháng 12/2013. Hôm nay cũng là lần đầu tiên trong 11 tuần một euro đổi được hơn 1,12 đôla Mỹ.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu hôm nay đi lên. Dầu Brent lần đầu vượt mốc 40 USD một thùng sau 3 tháng, do nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng các nước lớn tiếp tục cắt giảm sản xuất và kinh tế hồi phục sẽ kéo theo nhu cầu nhiên liệu. Trong khi đó, giá vàng giao ngay hiện giảm 0,5% về quanh 1.717 USD một ounce.

Hà Thu (theo Reuters/WSJ)

Nguồn bài viết

Bài trướcNhững tính năng nổi bật trên điều hòa lọc khí LG
Bài tiếp theoDẤU ẤN TỪ HÌNH KHỐI KIẾN TRÚC