Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra phản ánh của báo Thanh Niên | Giáo dục

Ngày 23.6, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến bằng văn bản giao Sở Nội vụ Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở GD – ĐT, và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung báo Thanh Niên phản ánh về vụ việc cô Lê Thị Hòa, giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa) kêu cứu vì có nguy cơ mất việc.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các đơn vị liên quan kịp thời có biện pháp giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cô Lê Thị Hòa theo đúng quy định, báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 8.7.

Trước đó, Thanh Niên phản ánh, ngày 1.10.2010, sau khi được sự đồng ý của Sở GD-ĐT Thanh Hóa, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất đã ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với cô Lê Thị Hòa, làm giáo viên dạy môn lịch sử. Cô Hòa được xếp ngạch, bậc, hệ số lương đầy đủ.


Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra phản ánh của báo Thanh Niên - ảnh 1

Mong muốn được ở lại Trường THPT Đào Duy Tư giảng dạy của cô Hòa được nhiều đồng nghiệp, bạn đọc ủng hộ vì hợp tình hợp lý

Đến tháng 8.2012, cô Hòa xin được chuyển công tác tại Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa), và cũng được Sở GD-ĐT Thanh Hóa có văn bản đồng ý. Ổn định giảng dạy cho đến nay, thì đùng một cái cô được Sở GD-ĐT Thanh Hóa thông báo cô không phải là viên chức ngành giáo dục mà thuộc dạng hợp đồng lao động. Việc Trường THPT Lưu Đình Chất ký hợp đồng việc làm là sai (?)

Đầu năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kế hoạch tuyển dụng 305 giáo viên THPT để đáp ứng nhu cầu giáo viên còn thiếu. Kế hoạch được Sở GD-ĐT Thanh Hóa xây dựng, Sở Nội vụ Thanh Hóa thẩm định, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.

Trong đó, đối tượng ưu tiên xét trúng tuyển hàng đầu là 66 giáo viên THPT (trong đó có cô Hòa) đang thuộc dạng hợp đồng lao động. Việc đưa vào diện ưu tiên xét trúng tuyển này được xem như cách để tỉnh Thanh Hóa giải quyết tồn đọng số giáo viên hợp đồng đúng quy định, nhưng bị “lãng quên” quyền lợi nhiều năm qua.

Không muốn bị nhìn nhận là người chống đối

Nhưng bất ngờ khi cô Hòa đăng ký được xét tuyển vào vị trí giáo viên môn sử mà cô đã dạy từ 8 năm nay ở Trường Đào Duy Từ thì không được Sở GD-ĐT chấp thuận vì đề án năm học 2019-2020 trường gửi lên Sở không có cô Hòa (trong khi năm học này cô vẫn dạy đủ tiết).

Trong khi đó, đề án năm học 2020-2022 Trường THPT Đào Duy Từ cần 4 giáo viên môn sử và nhà trường cũng nói rõ là muốn cô Hòa ở lại trường, nhưng không được Sở GD-ĐT chấp thuận cho cô xét tuyển vào vị trí đương nhiên này như các giáo viên khác.

Để tiếp tục được đứng trong ngành và không bị đánh giá là người chống đối, cô Hòa buộc lòng phải đăng ký vào vị trí môn sử ở Trường THPT Mường Lát, nhằm tiếp tục kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền, bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

Cô Lê Thị Hòa cho biết, sau khi tham dự kỳ tuyển dụng, ngày 21.6, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã thông báo kết quả và cô đã trúng tuyển. Nhưng dù vậy, cô Hòa lại không lấy làm vui, vì nếu thực hiện theo vị trí việc làm đăng ký khi dự tuyển, thì có lẽ cô sẽ phải bỏ nghề giáo.

“Nếu còn trẻ và không vướng bận gia đình, tôi có thể đi đến bất kỳ nơi nào. Nhưng hoàn cảnh của tôi khổ quá. Bố đẻ tôi nay đã 85 tuổi, lại là bệnh binh mất 61% sức khỏe trong kháng chiến chống Mỹ, còn mẹ bị bệnh hiểm nghèo đã mất nhiều năm nay. Trong khi đó, gia đình riêng của tôi, tôi đang phải chăm sóc 2 con nhỏ, đứa lớn mới học lớp 5, đứa nhỏ đang học mầm non, cần bàn tay người mẹ. Chồng tôi thì đi tàu viễn dương, năm về thăm nhà được một vài lần thôi. Tôi tham gia kỳ thi, cũng để mong muốn được xem xét ở lại Trường THPT Đào Duy Từ giảng dạy, chứ nếu phải đi lên H.Mường Lát, cách nhà khoảng 250 km để dạy học, thì chắc phải bỏ nghề thôi, dù tôi rất yêu nghề, rất muốn tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục”, cô Hòa nói.


Trường THPT Đào Duy Từ muốn cô Hòa ở lại trường

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện cô Hòa đã là viên chức ngành giáo dục, và nếu có nguyện vọng tiếp tục ở lại Trường THPT Đào Duy Từ để công tác, giảng dạy là có cơ sở. Bởi, theo đề án vị trí việc làm giai đoạn 2020 – 2022 của Trường THPT Đào Duy Từ, thì trường cần 4 giáo viên dạy môn lịch sử. Và hiện nay, tại trường này, tính cả cô Hòa nữa là 4 người, vừa đủ số giáo viên nhu cầu trường cần, cũng như chỉ tiêu biên chế được giao.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, cũng nhiều lần khẳng định với phóng viên, đề án vị trí việc làm của nhà trường là cần 4 giáo viên dạy môn lịch sử. Cũng trong đề án, nhà trường đã đề nghị thì có tên cô Hòa, để tiếp tục giảng dạy.




Nguồn bài viết

Bài trướcBộ đôi laptop Lenovo IdeaPad Slim mới dành cho làm việc từ xa
Bài tiếp theoTiệm tóc mở cửa, giá lên tới 1.000 USD, dân New York lũ lượt xếp hàng