Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết tại TP HCM, thực tế có tới 42% nhà ở dưới 30 m2/căn, thậm chí có 22,4% nhà ở dưới 20 m2/căn. Điều này đặt ra vấn đề cần xem xét lại, có thể quy định diện tích tối thiểu được tách sổ thấp hơn hiện nay (tối thiểu 36 m2, 50 m2 và 80 m2) để giải quyết bài toán nhà ở.
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp “sổ đỏ” cho “căn nhà nhỏ” của người có thu nhập thấp, người nghèo, kể cả cần xem xét giải quyết có lý có tình đối với trường hợp nhà “3 chung”. Đồng thời, ông Châu đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
TP HCM có khoảng 9 triệu dân theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4. So với năm 2009, dân số thành phố tăng trung bình 183.000 người/năm trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, 50% dân số là người có thu nhập thấp, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động, người nhập cư.
Theo HoREA, khoảng 476.000 hộ dân tại TP HCM chưa có nhà ở hoặc sống chung với người thân. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (loại căn hộ 2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn), hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ.
Do đó, khảo sát của HoREA thấy rằng có nhiều mô hình phát triển nhà ở đã diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số. Đầu tiên là mô hình phát triển các dự án nhà ở trong các khu đô thị vệ tinh. Hơn 30 năm qua, TP HCM đã định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh, như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Him Lam, Khu đô thị mới Dragon City, Khu dân cư Nam Long, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị – Cảng biển Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc. Trong 3 năm gần đây, thành phố đã bổ sung thêm Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và thúc đẩy phát triển dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa…
Đồng thời, mô hình phát triển các dự án, khu nhà ở quy mô vừa và nhỏ cũng phổ biến khi chiếm hơn 90% tổng số dự án trong hơn 30 năm qua. Hiện nay, mô hình này không còn phù hợp, mà chỉ nên cho tiếp tục phát triển tại một số khu vực hạn chế và cũng chỉ có tính chất quá độ.
Mô hình phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh TP HCM cũng phát triển mạnh mẽ. Hơn 20 năm qua, nhiều địa phương trong “Vùng TP HCM” đã có tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp nhanh, như Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Nhiều khu vực giáp ranh hoặc gần TP HCM như các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An); Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương); Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai); Phú Mỹ, Tân Thành, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), đã thực sự tạo thành các đô thị vệ tinh, như vùng ngoại ô của TP HCM, góp phần cơ cấu lại sản xuất, dân cư trong toàn vùng.
Ngoài ra, các mô hình khác cũng nở rộ như khu dân cư quy mô lớn trên dưới 50 ha; mô hình chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ như Dự án chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; rạch Bến Nghé; kênh Tàu Hủ – Ruột Ngựa; kênh Tân Hóa – Lò Gốm; Dự án Khu dân cư Xóm Cải, phường 8, quận 5.
Khổng Chiêm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.