Cha mẹ mạnh tay chi tiền cho con học tiếng Anh

Không yên tâm với việc học tiếng Anh ở trường, chị Lê Thị Thanh Huyền (36 tuổi, ở Hà Nội) chi 20 triệu đồng mỗi năm cho con học ở trung tâm.

Sau khi tham quan trung tâm tiếng Anh ở Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Huyền tỏ vẻ hài lòng. “Cơ sở vật chất tốt, lớp học thoáng đãng. Trung tâm lại có nhà bóng để các con vui chơi sau giờ học. Mỗi lớp tối đa 10 em nên chắc con sẽ được giao tiếp nhiều với giáo viên”, chị Huyền nhận xét.

Đây là lần thứ ba chị Huyền chuyển trung tâm ngoại ngữ cho con trai đang học lớp 3. Hai trung tâm trước lớp học đông học sinh, khá bức bí. Chi khoảng 20 triệu đồng mỗi năm đóng học phí cho con, chị Huyền cho rằng số tiền này phù hợp với những người sống ở Hà Nội có thu nhập trung bình khá như chị (vợ chồng chị thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng).

Tại trường tiểu học công lập thuộc quận Thanh Xuân, con vẫn học tiếng Anh theo chương trình phổ thông, nhưng chị Huyền chưa yên tâm, phải cho con học thêm ở trung tâm bởi “giỏi ngoại ngữ cơ hội học tập, việc làm tốt hơn”. Do con còn nhỏ, gia đình không đặt áp lực, chủ yếu tạo điều kiện để bé tiếp xúc với người bản xứ và môi trường nói tiếng Anh để không “sợ” ngôn ngữ này.

Còn một bé gái 3 tuổi, vợ chồng chị Huyền dự định 2-3 năm nữa sẽ cho con học tiếng Anh ở trung tâm.

Con trai chị Huyền trong buổi kiểm tra đầu vào tại trung tâm ngoại ngữ ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Thanh Huyền.

Con trai chị Huyền trong buổi kiểm tra đầu vào tại trung tâm ngoại ngữ ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Thanh Huyền.

Là viên chức với thu nhập trung bình, chị Hương Ly (33 tuổi, TP Huế, Thừa Thiên Huế) cho hai con gái đi học ở một trung tâm có tiếng. Bé lớn 8 tuổi đang học chương trình 50% giáo viên Việt Nam, 50% giáo viên nước ngoài, tuần 2 buổi, mỗi buổi 2 tiếng. Học phí một khóa kéo dài 5 tháng hơn 6 triệu đồng. Trong khi đó, bé nhỏ (5 tuổi) học chương trình hoàn toàn giáo viên nước ngoài, tuần 2 buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi, học phí 23 triệu đồng/năm.

“Tính ra mỗi năm, tôi chi khoảng 35 triệu đồng cho hai con học tiếng Anh ở trung tâm, một khoản tiền lớn so với thu nhập hàng tháng bản thân. Dù tiêu pha rất dè sẻn nhưng với giáo dục, tôi không tiếc”, chị Ly nói. Người mẹ này muốn con phải tốt tiếng Anh song song với tiếng Việt vì từng gặp và hiểu được sự bất lợi, rào cản khi không rành ngoại ngữ.

Chị Ly bảo cho con học tiếng Anh phải có “chiến thuật đầu tư”. Ban đầu, chị cho con gái lớn học thêm tiếng Anh một cô giáo người Việt theo chương trình phổ thông, bé thứ hai học ở trung tâm từ năm 4 tuổi. Sau một năm, bé thứ hai tỏ ra dạn dĩ hơn trong việc tiếp xúc với người nước ngoài, đoán được ý tứ đơn giản khi giao tiếp dù chưa dịch được nguyên câu. Bé phát âm chính xác hơn chị gái.

Trong khi đó, bé lớn nhà chị Ly đi học thêm với giáo viên Việt Nam trong ba năm, lúc nào cô giáo cũng khen học tốt, đi học ở lớp toàn được 10 điểm, nhưng trong một lần kiểm tra trình độ ở trung tâm vào hè vừa rồi, con không hiểu những câu đơn giản, phát âm không chuẩn và rất ngại nói tiếng Anh. Người mẹ lo lắng, nghĩ cách phải thay đổi hướng tiếp cận.

Cho con theo học ở trung tâm cùng em gái bắt đầu từ năm học này, mới học qua 3 bài, chị Ly thấy con hiểu được nhiều hơn. Về nhà, con cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh những câu đơn giản như “Quyển sách nằm trên bàn” hay hỏi mẹ bằng tiếng Anh “Mẹ muốn trở thành gì”. Với những từ đơn giản như “school”, con thấy ở lớp cô giáo đọc là “sờ-cun”, kết thúc bằng chữ “n” trong khi thầy giáo Mỹ ở trung tâm đóng âm bằng chữ “l”. Con phân vân giữa hai cách phát âm nhưng rồi quyết định nói theo thầy Mỹ. 

“Chỉ chừng đó thôi mà tôi đã mừng lắm, bởi đó là những điều mà trước giờ tôi chưa từng thấy. Nó cho thấy tôi đã đầu tư cho con đúng hướng”, chị Ly nói. Bà mẹ cho rằng không quá khó, quá đắt đỏ để đầu tư cho con đạt giỏi ở lớp nhưng làm vậy không để làm gì nếu con không thể giao tiếp với người nước ngoài và xa hơn là đọc hiểu để khai thác tài liệu quốc tế. Trẻ tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng tốt để tiếp nhận một cách tự nhiên và thong thả hơn.

“Tôi sợ các con bị áp lực nên cũng cố gắng coi việc học tiếng Anh như một buổi đi chơi. Nếu không quyết liệt đầu tư cho con từ bây giờ, sau này sợ chúng không có nhiều thời gian”, người mẹ chia sẻ.

Một tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.

Một tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.

Là bà mẹ hai con, chị Trần Thị Tuyết (37 tuổi, ngụ quận 5, TP HCM) cũng ý thức được tầm quan trọng việc học tiếng Anh cho con từ bé. Con gái 5 tuổi hiện học lớp tiếng Anh ở trường mẫu giáo với giáo viên bản xứ, học phí chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng. Từ đầu năm học này, chị cho bé học thêm trung tâm bên ngoài vào dịp cuối tuần với học phí 4 triệu một khóa ba tháng. 

Với con trai lớn học lớp 8 trường Trung học Thực hành Sài Gòn, chị Tuyết đầu tư nhiều hơn. Ngoài lớp học tăng cường ở trường với học phí 550.000 đồng một tháng, chị cho con học thêm tại trung tâm ngoại ngữ có tiếng ở TP HCM với hơn 8 triệu cho khóa học ba tháng. Trung bình mỗi năm, học phí ở trường và ở trung tâm, thêm sách vở, chị tiêu khoảng 40 triệu đồng.

Theo chị Tuyết, chọn được trung tâm ngoại ngữ uy tín, con sẽ có tiến bộ rõ rệt. Khả năng giao tiếp của con trai khá tốt, đã thi thử chứng chỉ PET và IELTS đạt kết quả cao so với trình độ bạn bè cùng lứa. “Với người thu nhập trung bình, giữa đô thị đắt đỏ mà chi vài chục triệu cho con học tiếng Anh là cả một gánh nặng, chưa kể càng học lên cao càng đắt. Cố gắng thu xếp việc chi tiêu cho gia đình cũng là bài toán hóc búa”, chị chia sẻ.

Không chỉ tiền bạc, cho con đi học tiếng Anh, vợ chồng chị Tuyết thêm gánh nặng về thời gian và hao tốn công sức nhiều hơn. Ngoài việc phân công nhau đưa đón các con học chính khóa, nhiều buổi chiều trong tuần, cha hoặc mẹ phải tranh thủ về sớm để đưa con trai lớn đến trung tâm. Người nào đưa bé lớn đi học tiếng Anh, người còn lại về nhà chăm con nhỏ và làm việc nhà.

“Tuần hai buổi vật vã giữa những quãng đường kẹt xe mới từ trường tới trung tâm, cho con ăn bữa tối ở hàng quán cho tiện, nghỉ ngơi một chút rồi vào học buổi tối. Con vào lớp rồi thì tôi tìm quán cà phê nào đó ngồi tranh thủ làm việc, chờ con ra thì đón về luôn”, chị kể.

Nếu như trước đây, cuối tuần cả nhà được nghỉ ngơi ngày chủ nhật thì nay vợ chồng chị cũng thay nhau đưa bé út đi học ở trung tâm. Quỹ thời gian gia đình quây quần bên nhau vì thế ít đi, cha mẹ và con cái đều thêm vất vả.

Nguồn bài viết

Bài trướcCổ phiếu ngân hàng chưa “bay cao” cùng kết quả kinh doanh!
Bài tiếp theoKính cận đi mưa