Không áp đặt và quan tâm đến giờ giấc ăn, ngủ, giải trí của con
Từng có con gái thi vào lớp 10, chị Bạch Tú Uyên, nhân viên kế toán Điện lực Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nhớ lại : “Năm 2019, con gái thi vào lớp 10. Thời điểm trước kỳ thi, mình thấy con gái lúc nào cũng có tâm trạng lo lắng vì áp lực phải vào trường tốp cao”.
![]() Phụ huynh ngồi bên ngoài trường thi để động viên tinh thần các con trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Bình Dương
|
Chị Uyên cho biết cách chăm sóc cụ thể: “Ngoài thịt, cá, mình cho con ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước cam, chanh giúp cơ thể tươi mát. Và lúc nào mình cũng tạo cho con sự yên tâm là mẹ sẽ luôn bên cạnh con bất cứ khi nào con gặp khó khăn. Chẳng hạn, bài học nào con không hiểu, không làm được hay còn lăn tăn thì cứ chia sẻ với mẹ để mẹ tìm cách chỉ cho con. Nếu mẹ không biết thì sẽ nhờ thầy cô, những người am hiểu giải đáp nên con cứ yên tâm”.
Nhờ không áp đặt và tạo tâm lý thoải mái cho con như thế nên kết quả con của chị đã đạt điểm cao, vào trường tốp trong huyện (Trường THPT Nguyễn Du của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
“Bao giờ đến mùa thi cũng khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái lo lắng, áp lực cả. Cho nên, mình luôn đặt mình trong tâm trạng của con trước kỳ thi để giúp con giải tỏa được áp lực”, chị Nguyễn Thị Mỹ, có con học lớp 12 của Trường THPT Trưng Vương, Q.1 (TP.HCM), chia sẻ.
![]() Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019
|
Không nên đưa hình mẫu tiêu biểu để làm thước cho con em mình
Theo thạc sĩ ngành công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), trước kỳ thi, tâm lý chung của các em hồi hộp, lo lắng . “Cha mẹ cần làm công tác tư tưởng với các em một cách chân tình, cảm thông, tôn trọng chứ đừng hù dọa kiểu như con mà thi rớt sẽ bị phạt hoặc thi rớt chỉ có đi lượm bọc… Cha mẹ nên cùng trẻ lên lịch hoạt động ôn tập chi tiết và cùng trẻ giám sát việc thực hiện kế hoạch. Cuối cùng cha mẹ cũng nên cho trẻ biết sau khi con đã cố gắng hết sức mà rủi may điểm thi không đạt như mong muốn thì cha mẹ vẫn tin tưởng con”. Thạc sĩ Minh Hải, chia sẻ.
Theo thạc sĩ Minh Hải, chúng ta đều biết nếu trẻ có học lực tốt cùng với tinh thần thoải mái mái thì làm bài mới tốt. “Đã có nhiều trường hợp học lực của trẻ rất tốt nhưng do áp lực của gia đình làm trẻ căng thắng dẫn đến kết quả thi không được như ý”, thạc sĩ Minh Hải nói.
Đối với các học sinh lớp 12, thạc sĩ Minh Hải khuyên: “Cha mẹ chú ý để các em vào đời bằng nhiều cách: đủ điểm vào đại học là tốt, nếu không đủ điểm vào đại học thì học nghề cũng thành công như thường”.
![]() Phụ huynh cần tạo tâm lý cho con em mình có tinh thần thoải mái trước mùa thi
|