TP HCMMâu thuẫn gay gắt giữa phụ huynh và hàng loạt trường quốc tế về học phí online trong mùa dịch do cách tính khác nhau, các trường không đối thoại.
Hơn 30 phụ huynh trường Quốc tế Úc (AIS) lần thứ hai mang băng rôn yêu cầu trường đối thoại về chính sách học phí nhưng bất thành, ngày 22/5. Họ tỏ ra bức xúc, một số nói sẽ chuyển nơi học cho con vì 3 tháng trường đóng cửa phòng chống Covid-19 nhưng vẫn tính các khoản thu, hoặc giảm không đáng kể.
Ông Phạm Đức Cường có con học tiểu học cơ sở Thảo Điền cho biết, sau nhiều lần ông và các phụ huynh phản ứng, AIS thông báo hoàn học phí 5-20% tuỳ theo bậc học trong 10 tuần. Tức là với mức học phí trung bình 200-600 triệu đồng tuỳ cấp học, phụ huynh được hoàn lại từ 10-20 triệu đồng. “Tỷ lệ giảm không hợp lý, trường không có thiện chí giải quyết. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn, nhưng trường phải minh bạch đối thoại, đừng dồn hết lên vai chúng tôi”, ông Cường nói.
Cùng quan điểm, nhiều phụ huynh khác cho rằng chất lượng dạy online của AIS không tương xứng với học phí phải đóng. Trường dạy ít tiết, việc học qua loa trong khi học phí thu tương đương trên lớp.
Tại trường Quốc tế Việt Úc (VAS) – nơi đầu tiên xảy ra việc phản đối học phí online, diễn tiến sự việc còn căng thẳng hơn. Sau hai lần kéo lên trường cùng một buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo VAS nhưng không đi đến thống nhất, hơn 100 phụ huynh cho biết đã chuẩn hồ sơ kiện trường. Lý do, cách tính học phí online và phí bổ sung của VAS bất hợp lý với thực tế dạy và học; lịch học bù sau dịch dày đặc ảnh hưởng sức khoẻ và tinh thần học sinh.
Bà Đinh Trung Hà (đại diện phụ huynh) cho biết, học sinh học online gần 12 tuần trong kỳ nghỉ vì dịch, số lượng tiết học chỉ bằng 10-30% so với trên lớp nhưng trường vẫn thu 30%. Với cách tính này, thực tế học phí không giảm, phụ huynh vẫn phải đóng 20-60 triệu đồng tuỳ cấp học.
Ngoài ra, phụ huynh phản ứng còn bởi chất lượng dạy học, khẩu phần ăn, chứng chỉ của học sinh liên quan đến việc du học. Dù nhiều lần phản ánh đến trường nhưng cha mẹ học sinh không được giải đáp trực tiếp mà chỉ được “ghi nhận ý kiến”.
Theo bà Hà, hầu hết phụ huynh gặp khó khăn sau Covid-19, thu nhập giảm nhưng không “túng” đến mức phản đối chỉ vì học phí. “Chúng tôi muốn thay đổi tư duy của các trường. Thay vì áp đặt chính sách lên phụ huynh, họ phải công khai, thoả thuận, xem chúng tôi như khách hàng”, bà Hà nêu quan điểm.
Tại trường Quốc tế Mỹ (TAS), một nhóm hơn 40 phụ huynh cũng ký đơn kiến nghị trường hoàn học phí trong ba tháng nghỉ phòng chống Covid-19. Trường Sao Việt (VStar School), Emasi Nam Long… cũng bị phụ huynh phản ứng về chính sách thu học phí nhưng hiện hai bên đã đạt được thoả thuận.
Về cách thu học phí, các trường quốc tế đều có chung lý giải là, dù học sinh nghỉ chống dịch hơn 3 tháng nhưng họ vẫn mất chi phí duy trì cơ sở vật chất, dạy học trực tuyến. Chi phí lớn nhất là vẫn trả lương cho giáo viên.
“Không thể cắt giảm giáo viên nước ngoài vì khó có thể tuyển dụng lập tức người thay thế khi trường mở cửa lại. Thủ tục để một giáo viên nước ngoài được cấp phép dạy học tại Việt Nam khá phức tạp, cần thời gian tương đối dài”, đại diện TAS lý giải.
Quan sát việc phản đối học phí online, TS Trần Vinh Dự (làm việc tại TP HCM và có con đang học trường tư thục) cho rằng, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung bởi chưa cùng ngồi lại xem xét thấu đáo, toàn diện vấn đề. Nhà trường nói đã dạy online hiệu quả nhưng thực tế chỉ tùy môn, cấp học. Ở bậc trung học, học sinh học online dễ tiếp thu nhưng ở cấp tiểu học ít hiệu quả. Chất lượng tiết học còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của thầy cô, hệ thống dạy học và sự hỗ trợ từ cha mẹ.
Theo TS Dự, phụ huynh cũng cần ghi nhận những nỗ lực từ phía nhà trường và giáo viên trong thời gian qua. Việc dạy online là trong tình huống bất khả kháng, thời gian gấp rút không thể kỳ vọng hiệu quả bằng học tập trung ở trường.
Về khoản học phí, hai bên cần sự thấu hiểu và nhượng bộ. Một số trường đã giảm học phí cho thấy thiện chí chia sẻ với phụ huynh. “Phụ huynh không nên đếm số tiết học online để quy đổi học phí ngang bằng tiết học trên lớp. Học chính khoá chứ không phải thuê gia sư, nên không thể quy ra giờ học tính tiền”, ông Dự nói.
Ngoài ra, nhà trường cần minh bạch các khoản phí phát sinh trong mùa dịch, nên hy sinh một phần lợi ích để phụ huynh cảm thấy được chia sẻ. Môi trường giáo dục cần sự tôn nghiêm và tôn trọng. Việc phản đối kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của học sinh và kể cả thầy cô giáo.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia giáo dục Tô Thuỵ Diễm Quyên – sáng lập diễn đàn giáo dục sáng tạo Việt Nam Innedu Steam cho rằng, sự phản đối của phụ huynh xuất phát từ việc nhà trường không công khai, thoả thuận trước khi thu phí. “Tôi nghĩ phụ huynh nên có người đại diện hoặc luật sư làm việc với trường. Nhà trường cần minh chứng những khoản phí thu trong mùa dịch phù hợp để phụ huynh không có cảm giác mua đắt một món hàng”, bà Quyên đề xuất.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Xanh (nguyên giảng viên Đại học Kỹ thuật Berlin, Đức) nói, thực tế học phí trường quốc tế ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Các trường không nên lảng tránh đối thoại, cần đưa ra số liệu, chứng từ cụ thể cho các khoản chi trong mùa dịch. “Trong việc này, cơ quan quản lý nhà nước không thể ở ngoài cuộc để tự hai bên thoả thuận mà cần thể hiện vai trò của mình. Trường học là nơi giáo dục nên cần có cách giải quyết nhân văn. Nhà trường nên là nơi thông cảm và chia sẻ nhiều hơn với phụ huynh trong lúc khó khăn”, ông Xanh nêu quan điểm.
Trước đó, hôm 20/5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường quốc tế về mức thu học phí kỳ nghỉ phòng chống Covid-19, tìm ra biện pháp giải quyết, trả lời phụ huynh.