Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không quản lý chặt chẽ, cấm sách tham khảo vào trường học thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục.
Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chiều 23/9, nhiều ý kiến xoay quanh việc phải tách bạch, phân định rõ sách tham khảo và sách giáo khoa. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng có lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo và đề nghị cấm tất cả sách tham khảo ở tiểu học. “Tiểu học không nên có sách tham khảo. Các cháu bé như thế cần tham khảo gì đâu”, ông Thuyết nói.
GS Nguyễn Lân Dũng lấy dẫn chứng ở nhiều quốc gia, sách tham khảo vẫn có nhưng không bắt buộc. Ai muốn đọc gì thì đọc, nhưng giáo viên mới đọc nhiều sách tham khảo để giảng dạy cho phong phú chứ không phải học sinh. Vì vậy, ông Dũng cũng cho rằng cần phân định rõ loại sách này với sách giáo khoa.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa sách giáo khoa tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách tham khảo không được đưa vào nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung quy định không chỉ cấm sách tham khảo trong trường học mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường. “Nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục”, ông Đam nói.
Ngoài vấn đề không phân định rạch ròi sách giáo khoa và tham khảo, việc một số nơi xuất hiện tình trạng thiếu sách giáo khoa cũng được đưa ra trong cuộc họp. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ có những giải pháp không để xảy ra tình trạng này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khẩn trương áp dụng công nghệ thông tin cho phép từng học sinh đăng ký mua sách giáo khoa qua mạng. Nơi nào chưa có mạng thì hệ thống bưu điện sẽ thống kê giúp để nhà xuất bản nắm được đầy đủ nhu cầu, sau đó chuyển đến tay học sinh. Hệ thống này cũng sẽ cho phép học sinh đăng ký nhận sách cũ để giảm số lượng sách in mới, tiết kiệm chi phí.