Cầm đồ từ bóng tối bước ra ngành dịch vụ tỷ đô

Ngành cầm đồ đang dần phá vỡ những định kiến về lãi suất cao, đòi nợ gắt, thay vào đó là những chuỗi uy tín, với những giao dịch văn minh.

“Chiếc áo đen” của những cửa hiệu cầm đồ

Tháng 5 vừa qua, Công an TP HCM đã bắt giữ băng nhóm cầm đồ của Nguyễn Bá Mẻ, người điều hành cửa hiệu cầm đồ 399 với những giao dịch cho vay với lãi suất lên tới 20 đến 45%. Cụ thể, nếu vay 10 triệu đồng và trả góp theo ngày, khách phải đóng mỗi ngày 400.000 đồng. Nếu muốn trả lãi theo tháng, người vay phải thế chấp tài sản, tỷ lệ cao nhất 45%. Cơ quan điều tra tìm được hàng loạt hung khí mà băng nhóm sử dụng khi hăm doạ, đòi nợ những người vay tiền hoặc cầm cố muốn xù nợ.

Hung khí thu được tại cửa hiệu của Nguyễn Bá Mẻ. Ảnh: Quốc Thắng

Hung khí thu được tại cửa hiệu của Nguyễn Bá Mẻ. Ảnh: Quốc Thắng

Những câu chuyện về cửa tiệm cầm đồ cho vay nặng lãi, hăm doạ người vay tiền, hoặc chém giết vì vay nợ tương tự vẫn xuất hiện đều trên báo chí. Dần dần, cửa hàng cầm đồ truyền thống mang định kiến và đóng khung hình ảnh với những ông chủ dáng dấp bặm trợn, lãi suất cao, đòi nợ gắt và là nơi “nếu không cùng đường chẳng ai muốn đến”.

Tại Việt Nam, cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với thương nhân cho khách vay tiền và nhận giữ hàng hoá hoặc tài sản để thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cầm đồ. Tuy nhiên, việc hoạt động cầm đồ biến tướng và có tác động tiêu cực đến xã hội là điều dễ nhận thấy. Nhiều chủ tiệm thừa nhận, kinh doanh cầm đồ dễ trở thành sân sau của tín dụng đen, hoặc trở thành nơi tôi phạm tiêu thụ, cầm cố tài sản ăn cắp.

Cửa hiệu cầm đồ gần một trường đại học tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng An.

Cửa hiệu cầm đồ gần một trường đại học tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng An.

Nghị định về cửa hàng cầm đồ quy định, tỷ lệ lãi suất cho vay khi nhận cầm cố tài sản không được vượt quá 20% một năm. Trong thực tế tại các cửa hàng cầm đồ truyền thống đều tính lãi suất theo từng ngày với mức quy đổi khoảng 5% – 10% mỗi tháng, tương đương 60-120%/năm, gấp 6 đến 16 lần lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng. Ví dụ một khách hàng cầm cố xe máy với giá 10 triệu, lãi suất một tháng phải trả là khoảng một đến 3 triệu. Nếu cầm cố một tháng, họ phải trả cả tiền gốc và lãi là hơn 12 triệu, nếu thời gian cầm cố tính bằng năm, để chuộc lại xe khách hàng có thể phải hơn 20 triệu đồng.

Theo thống kê được công bố bởi Forbes Vietnam, số lượng cửa hàng cầm đồ tại Hà Nội xấp xỉ 1.700 và TP HCM khoảng 2.300. Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cơ sở kinh doanh cầm đồ rải rác trong thành phố, thị xã, tới các huyện lỵ. Hoạt động phân mảnh, lãi suất mỗi nơi một kiểu và mô hình cửa hàng nhỏ manh mún khiến khách hàng khó có thể tìm được một đơn vị uy tín để gửi niềm tin.

Khi một vị khách quyết định đi cầm đồ tại một cửa hiệu truyền thống, họ đối mặt với nhiều rủi ro. Trước tiên là nguy cơ lãi suất cao khiến món tiền để chuộc lại đồ quá lớn. Nguy cơ thứ hai là có thể gặp phải những đối tượng xấu, trải nghiệm hoạt động cho vay hay cầm cố không minh bạch. Thứ ba là sự đảm bảo về tài sản lỏng lẻo. Họ không chắc chiếc xe, chiếc máy tính hay một món trang sức kỷ vật mang đi cầm cố sẽ còn được nguyên vẹn cho đến ngày nhận lại.

Thị trường cầm đồ vươn ra ánh sáng

Nằm trong vùng tối suốt một thời gian dài, thị trường cầm đồ Việt Nam dần bước ra ánh sáng trong những năm gần đây, thậm chí thành mảnh đất đầu tư hấp dẫn. Xét về tiềm năng thị trường, một báo cáo ước tính quy mô thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam có thể đạt xấp xỉ từ 20 đến 30 tỷ USD. Một nghiên cứu đưa ra bởi Business Times cho biết, có khoảng 47 triệu người Việt vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và cũng chưa từng tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng. Nếu mỗi người có nhu cầu vay 10 triệu đồng, quy mô của các thị trường có thể đạt mức 23,5 tỷ USD.

Xét về sự linh hoạt, cầm đồ thể hiện ưu thế hơn so với các loại hình cho vay khác. Khi cần vay một khoản tiền nóng, có một số cách như: vay ngân hàng, vay người quen hoặc vay lãi suất. Cả ba hình thức này đều có rào cản. Vay ngân hàng thường yêu cầu thủ tục phức tạp, hơn nữa giá trị khoản vay phải đủ lớn. Vay người quen đôi khi khó mở lời và có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ, còn vay lãi suất dễ phải đối mặt với tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con. Trong nhiều trường hợp, cầm cố tài sản thông qua hệ thống cầm đồ được cho là lựa chọn linh hoạt khi cần giải quyết các khoản vay nóng.

Nắm bắt được những ưu thế đó, thị trường cầm đồ tại Việt Nam chứng kiến sự ra đời của nhiều chuỗi cầm đồ, trong đó F88 là cái tên nổi bật khi nhận đầu tư từ 2 quỹ tài chính Mekong Capital (1/2017) và Granite Oak (11/2018).

Chính thức gia nhập thị trường năm 2013, thương hiệu này đã nỗ lực để thay đổi định kiến của khách hàng về ngành cầm đồ. F88 xây dựng một quy trình từ tiếp cận khách hàng, thẩm định tài sản đến nhắc nợ chuyên nghiệp và thân thiện…

Khách hàng đến tới cầm đồ tại một cở sở của F88.

Khách hàng đến tới cầm đồ tại một cở sở của F88.

Không còn là những cửa hiệu “bí ẩn”, phòng giao dịch của chuỗi cầm đồ được trang bị theo tiêu chuẩn chuỗi bán lẻ, hiện diện ở các điểm ngã ba, ngã tư với nhận diện thương hiệu nổi bật. Đội ngũ nhân viên tư vấn được xây dựng với hình ảnh lịch sự, tư vấn chi tiết cho khách hàng về các khoản vay phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ, lắng nghe để tìm giải pháp trọn vẹn khi khách hàng gặp khó khăn hoặc vướng mắc.

Theo ông Phạm Trần Long, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc tại F88, một trong những lo ngại hàng đầu của khách hàng khi sử dụng dịch vụ cầm đồ là sự thiếu minh bạch trong khâu định giá tài sản. Để giải quyết vấn đề này, F88 đã xây dựng hệ thống định giá trên nền tảng máy học (Machine Learning) đồng thời tuyển dụng đội ngũ chuyên gia thẩm định tài sản giàu kinh nghiệm. Từ tháng 12/2017, thương hiệu cũng đã mở cửa hệ thống định giá này để cung cấp dịch vụ định giá miễn phí cho công chúng qua trang web dinhgianhanh. Giá trị của vật dụng sẽ được công bố trong vòng vài phút.

Tại F88 tất cả các khâu từ định giá tài sản, cho vay, bảo quản tài sản đều tuân thủ theo quy trình và hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ hiện đại. Các gói vay cũng được liên tục cải tiến về thủ tục giấy tờ để tối ưu trải nghiệm khách hàng và thích ứng với nhiều phân khúc đa dạng. Hiện nay, hầu hết các khoản vay đều được giải ngân nhanh chóng chỉ trong vòng 15 phút.

Hoạt động nhắc nợ cũng xác lập sự khác biệt cơ bản giữa một hệ thống cầm đồ hiện đại với các cửa hàng truyền thống. Với F88, thương hiệu đã xây dựng hệ thống tin nhắn tự động và quy trình gọi điện thoại nhắc khách hàng từ 5 ngày trước khi đến hạn đóng chi phí vay hoặc tất toán hợp đồng để họ chủ động thu xếp lịch. Trong trường hợp khách hàng quá hạn, nhân viên F88 phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý nợ, đảm bảo tôn trọng khách hàng. Với những cá nhân gặp khó khăn, có thể đăng ký để được hỗ trợ giảm nợ và miễn giảm chi phí vay.

Việc bảo quản tài sản tại các cửa hàng cầm đồ cũ thường không được đảm bảo. Khách hàng không thể chắc chắn việc tài sản của họ có bị mang ra sử dụng trong thời gian cầm cố hay không. Chính vì vậy, để đảm bảo yên tâm cho khách hàng, tất cả các tài sản khi cầm cố tại F88 đều được niêm phong, bảo quản tại kho lưu giữ tài sản với camera giám sát 24/24h.

Bước đi hướng đến hình ảnh minh bạch và tháo bỏ những định kiến về ngành cầm đồ đã giúp F88 phát triển mạnh mẽ. Ra đời từ năm 2013, đến nay, F88 đã phát triển 200 phòng dịch ở 32 tỉnh thành phố trên toàn quốc. Dự kiến năm 2020, số lượng phòng giao dịch sẽ tăng lên 300 và có mặt tại 40 tỉnh thành trên cả nước. Năm 2019, F88 cho biết đã giải ngân lũy kế 1.538 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 sẽ giải ngân gần 3.000 tỷ đồng.

Nguồn bài viết

Bài trướcKỳ công trồng la liệ‌t cây tɦu‌ּốc Nam chỉ để nuôi thứ he‌o sang chảnh
Bài tiếp theoDoanh nghiệp tỉnh Yên Bái mong sả‌n phẩm đặc sả‌n có thể “chen” vào Lotte