Cải cách giáo dục nhìn từ huấn luyện bóng đá

Cách đào tạo vận động viên có nhược điểm của nuôi dưỡng “gà nòi” thi cử, nhưng ưu điểm là có giáo án bổ trợ cho từng người, kết hợp tư vấn tâm lý, kiểm soát dinh dưỡng.

Là nhà sản xuất chương trình quảng cáo, rất quan tâm tới giáo dục, ông Lê Quang Vinh chia sẻ đề xuất cải cách giáo dục dựa trên công nghệ số kết hợp với kinh nghiệm của đào tạo bóng đá.

Học hành cần được xây dựng trở thành thói quen theo suốt cuộc đời con người chứ không phải chỉ là nghĩa vụ đối phó những cuộc thi. Muốn vậy học sinh phải được tận hưởng niềm hạnh phúc trong những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường thông qua hoạt động mang lại niềm vui và ý nghĩa.

Còn giáo viên, thay vì chỉ giảng “chay” bên tấm bảng, có thể vận dụng những ưu điểm trong phương pháp đào tạo vận động viên thể thao (VĐV) như một gợi ý về khuôn mẫu giảng dạy. Bởi cách thức đào tạo VĐV tuy có nhược điểm của nuôi dưỡng “gà nòi” thi cử, nhưng ưu điểm là có giáo án huấn luyện bổ trợ cho từng VĐV, kết hợp với hoạt động tư vấn tâm lý thể thao cũng như kiểm soát chế độ dinh dưỡng và chỉ dẫn luyện tập ngoài giờ huấn luyện.

Điều này gợi ý rằng thầy cô cần tự bổ trợ cho mình kiến thức về tâm lý học để khơi gợi sức mạnh tinh thần và cảm xúc tích cực trong mỗi học sinh. Thầy cô thực thi đúng quy trình phối hợp với bác sĩ tâm lý trong trường học để giải quyết tận gốc vấn đề xung đột (thay vì những hình phạt không có tác dụng đối với những học sinh vốn đã bất ổn tâm lý). Để hướng tới hình mẫu sức khỏe (dinh dưỡng và thể chất) như VĐV – nhân tố chủ chốt của hạnh phúc, học sinh cũng cần được thực hành nhiều hơn về khoa học sức khỏe ứng dụng và nên thành thục tối thiểu một môn thể thao với thời lượng tập luyện lớn hơn so với hiện nay.

Lấy ví dụ ở môn bóng đá, huấn luyện viên (HLV) có nhiệm vụ giúp VĐV hiểu rõ tiềm năng của họ và phát huy tối đa những thế mạnh để cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được thử thách các giới hạn năng lực, khi trải nghiệm sự hữu ích của kết quả công việc của mình đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. VĐV trao dồi bản thân bằng cách tự nghiên cứu các trận đấu và tham gia buổi học chiến thuật của HLV (tương ứng với việc học sinh học và tự học lý thuyết). Nhưng thời gian chủ yếu vẫn là tập luyện cùng đồng đội.

Đặc thù luyện tập trong thể thao là việc thực hành thi cử, khá giống nhược điểm “học mẹo, luyện dạng giải đề thành thục” trong giáo dục. Nhưng giáo dục đại trà có thể vận dụng ưu điểm “cùng đồng đội” trong huấn luyện VĐV để gia tăng hoạt động nhóm học sinh trong thảo luận, thực hành, nghiên cứu…

Các VĐV có thể trải qua nhiều năm tháng tập luyện cực khổ xa gia đình vì có những người bạn thân để cùng học hỏi. Họ cũng phải ý thức xây dựng trung tâm huấn luyện trở thành mái nhà của niềm tin đồng đội – một yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc. Bởi trung tâm huấn luyện là nơi họ học những bài tập mới cùng nhau để đưa đội mình tiến lên và không có chuyện một VĐV không tham gia vì anh ta “giỏi trước cả chương trình huấn luyện”.

Trong giáo dục phổ thông, tình trạng dạy thêm tràn lan sẽ làm sao nhãng không khí học tập chung của cả lớp, tạo ra cuộc chạy đua giải bài tập theo hướng nhồi nhét trong nội bộ học sinh, giảm gắn kết tình bạn, đặc biệt dưới áp lực thi cử.

Câu hỏi là hình thức đào tạo và tuyển chọn nhân tài trong thể thao cần được thay đổi như thế nào khi áp dụng vào nền giáo dục với hàng triệu học sinh (với nhu cầu, mục tiêu, ước mơ khác nhau) nhân thêm cả chục môn học?

Câu trả lời là sự kết hợp của phương pháp này với công nghệ số (dạy học, kiểm tra, đánh giá, thống kê…), cách đánh giá thành tích thi đua giữa các cơ sở giáo dục dựa trên điểm số “thực hành đổi mới giáo dục” của giáo viên (chứ không phải điểm số học tập của học sinh), dàn rộng trách nhiệm đào tạo nội dung chuyên… Việc dạy học nên được thực hiện đồng thời với ba phương thức truyền tải nội dung (với thời lượng gợi ý để giúp dễ hình dung).

Trường học là “rạp chiếu phim” (chiếm 55% tổng thời gian học, tương đương 3 ngày/tuần đối với học sinh THPT)

Những bộ phim ở đây là bài giảng video số được thiết kế hiện đại ở đẳng cấp quốc tế sẽ được dạy đại trà trong toàn hệ thống giáo dục, qua đó gián tiếp đào tạo đội ngũ giáo viên và trực tiếp nâng tầm nền giáo dục. Bởi “giáo viên số” luôn giàu năng lượng (trong khi giáo viên thực đôi lúc sẽ mang những bộn bề cuộc sống lên bục giảng), cuốn hút như tài tử điện ảnh (và mỗi môn học lại có nhiều giáo viên) sẽ thu hút sự tập trung nghe giảng của học sinh.

Video học liệu được xây dựng súc tích, trực quan, dễ hiểu sẽ giảm thời gian học tập trên lớp và ôn luyện ở nhà; đem đến công bằng giáo dục vì học sinh mọi vùng miền đều được học với những giáo viên tốt nhất.

Có thể kết hợp học video (một đơn vị kiến thức mới) với bài kiểm tra nhanh cuối buổi học để đánh khả năng tiếp thu của học sinh. Vì kết quả này hoàn toàn độc lập với trình độ giảng dạy của giáo viên tại cơ sở nên nó sẽ khó bị ảnh hưởng của căn bệnh thành tích. Số liệu này cũng giúp đánh giá các vấn đề/đặc điểm của trí tuệ người học giữa các vùng miền cũng như so với các quốc gia khác, qua đó sẽ giúp điều chỉnh chất lượng học liệu nhằm hỗ trợ các mục tiêu cụ thể cũng như tầm nhìn chung trong phát triển giáo dục.

Để tránh học trước chương trình và tâm lý đua tranh giữa các học sinh, điểm bài kiểm của lớp học “rạp chiếu phim” sẽ không công khai. Học sinh sẽ nhận được điểm phân loại (theo 4 mức). Vào cuối cấp hoặc cuối năm học, cấp quản lý giáo dục sẽ công khai tất cả điểm thành phần và tổng điểm trung bình của toàn bộ học sinh để đưa ra điểm sàn, điểm tuyển chọn, điểm lưu ban và thi lại (kết hợp với các hình thức đánh giá khác). Vì đây là khối lượng kiến thức nền tảng được chuẩn hóa.

Nếu kết hợp với ứng dụng camera giám sát, điểm danh tự động, hệ thống thư viện đề thi chống được gian lận, học tủ, học vẹt, hệ thống máy tính kết nối…, việc tổ chức thi sẽ dễ dàng và thường xuyên hơn, cho ra điểm số trung thực của cả quá trình học tập. Và điểm thi cơ sở này có thể là một tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp.

Đặc biệt, việc học bằng video sẽ tăng năng suất lao động của giáo viên lên khoảng hai lần (với tỷ lệ thời lượng 55%), nhờ đó sẽ có thêm điều kiện tăng lương cho giáo viên.

Lớp học là phòng “thí nghiệm” (chiếm 30% tổng thời gian học, tương đương khoảng 2 ngày/tuần)

Những buổi học này có giáo viên trực tiếp đứng lớp với yêu cầu bắt buộc thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Ngoài thời gian hỏi đáp, thảo luận để củng cố nội dung đã học từ video, học sinh cần tham gia nghiên cứu mở rộng môn học với tư cách cá nhân và nhóm, được tự tổ chức các dự án áp dụng kiến thức vào môi trường sống (gia đình, hàng xóm, khu dân cư, nơi công cộng, trường học…) để tạo ra lợi ích cho những người xung quanh.

Qua đó học sinh có thể trải nghiệm cảm giác hạnh phúc do kiến thức đem lại. Đây là cơ sở để xây dựng một thế hệ mạnh mẽ trong phát minh và sáng tạo. Kết quả của quá trình học là điểm thực hành (điểm trung bình của bài thi nghiên cứu cá nhân, nghiên cứu nhóm và điểm thi hoạt động dự án).

Để triển khai nhanh chóng và rộng khắp phương pháp dạy học mới (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) này, tiêu chí thi đua khen thưởng của ngành giáo dục nên chuyển trọng tâm vào chất lượng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy trong đội ngũ giáo viên. Ví dụ nên có thêm giải thưởng vinh danh giáo viên từ đề cử của những cựu học sinh nay đã là cá nhân xuất sắc có thành tựu ở tầm quốc gia. Hay giáo viên trong trường thi đua xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm, các bộ môn thi tìm ra nhiều ý tưởng về đề tài mà học sinh có thể nghiên cứu… Tất cả sản phẩm này sẽ được chấm để trao thưởng và phân loại theo độ khó (đối với học sinh) trước khi đưa vào ngân hàng học liệu quốc gia.

Nhưng điều quan trọng là xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá cho điểm nghiên cứu của học sinh và phải công khai các tiêu chí đó. Học sinh cần được tự do chọn đề tài nghiên cứu. Nếu đề tài nằm ngoài danh mục có sẵn (mà giáo viên/tổ bộ môn không thể hướng dẫn), học sinh sẽ được làm việc (email, video call) với ban chuyên trách cấp cao hơn (ở Sở Giáo dục và Đào tạo với các chuyên gia cộng tác).

Phương thức học này sẽ hỗ trợ quá trình khám phá thiên hướng. Thầy cô giúp học sinh chọn đúng nghề, phát triển dần các kỹ năng để “sống” với đam mê thông qua môn học học sinh yêu thích – sau này là công việc có ý nghĩa với chính họ, chứ không phải là hoàn thành cho xong một tấm bằng. Đây là quá trình mỗi ngày tận hưởng niềm sung sướng.

Người thầy giống HLV phải nhìn ra thế mạnh của từng học sinh (mạnh về ý tưởng trong bóng đá tạm coi là tiền vệ trung tâm) hoặc tổ chức thực hiện (tiền vệ cánh, tiền vệ trụ) hay cả hai (tiền vệ đa năng)). Nếu coi các môn học như sơ đồ vị trí trong bóng đá (thủ môn, các hậu vệ, các tiền về, tiền đạo) thì thầy cô cần gợi ý được môn năng khiếu của học sinh. Nhưng thực tế môn năng khiếu lại rộng hơn rất nhiều môn học hiện có. Do vậy thư viện học tập số bao trùm các chuyên ngành và đa dạng về trình độ sẽ giúp giáo viên thực hiện công việc bồi dưỡng nhân tài.

Nếu HLV có thể tuyển VĐV “cơ nhỡ” về tập luyện tại CLB của mình thì sao giáo viên không thể nhận một học sinh vào lớp của mình? Nếu HLV, chủ quản CLB có thể giới thiệu tài năng lên đội tuyển bóng đá quốc gia thì giáo viên có thể giới thiệu học sinh vào lớp chuyên của trường, trường giới thiệu cho lớp chuyên của thành phố…?

Khác với HLV bóng đá, người làm việc có thời hạn, lại mang cá tính và triết lý riêng (mặc dù có hội đồng HLV hỗ trợ) vào đội bóng, cơ sở giáo dục cần thực hiện việc tuyển chọn hết cấp/phân trường dựa trên nhiều hoặc toàn bộ các điểm thi sau: Điểm thi cơ sở, điểm thực hành (cùng nhận xét của giáo viên phụ trách và hội đồng bộ môn), điểm thi tư duy (bài thi phân cấp năng lực trí tuệ dành cho việc học chuyên không sử dụng kiến thức từ chương trình phổ thông), điểm cộng thành tích các cuộc thi tài năng và phần phỏng vấn để hiểu động lực, ước mơ và ý chí của thí sinh.

Buổi học là lúc hạnh phúc (chiếm 15% tổng thời gian học, khoảng một ngày một tuần)

Trong bóng đá, các CLB được phân cấp thi đấu theo các hạng (vô địch quốc gia, hạng nhất, hạng nhì…) với các suất lên xuống hạng hàng năm. Do vậy các trường ở một tỉnh/thành phố cũng có thể phân thành ba nhóm với các suất lên xuống hạng phụ thuộc vào thành tích đổi mới giáo dục của thầy cô. Học sinh thi xét tuyển cuối cấp cũng sẽ được phân điểm theo ba hạng để nhập học vào một trong các trường cùng nhóm với chính sách khuyến khích học đúng tuyến, hạn chế học trái tuyến. Còn đầu tư ngân sách xuống các trường thì lại tập trung nhiều vào các trường hạng dưới, các trường vùng sâu để xóa dần khoảng cách.

Học sinh được chọn 2 môn để học thêm (học nâng cao hoặc học bổ trợ vì yếu kém). Có thể là một môn nâng cao (thể dục), một môn bổ trợ (tiếng Anh) hoặc cả hai môn nâng cao hoặc bổ trợ (Âm nhạc và Hóa). Họ sẽ học chung với học sinh cùng nhu cầu từ các lớp khác. Buổi học nên tổ chức vào một ngày cố định giữa tuần trong toàn hệ thống giáo dục để thay đổi không khí học tập và tạo điều kiện cho các học sinh tài năng lên theo học lớp chuyên của quận, thành phố.

Quy trình này cũng giống việc VĐV được triệu tập ngắn hạn lên đội tuyển quốc gia (rồi bị loại dần, hoặc tái gọi lên đội). Địa điểm học có thể tập trung ở một nơi hoặc chia ra một vài trường (ví dụ môn Thể dục và Hóa thì học ở trường A, còn môn Âm nhạc và tiếng Anh thì học ở trường B). Thậm chí việc học có thể diễn ra online.

Vậy học sinh nào sẽ được theo học các lớp chuyên của quận, của sở giáo dục? Nó căn cứ vào chỉ tiêu cho từng phân nhóm xếp hạng trường giống như số suất của từng châu lục được tham dự vòng chung kết World Cup. Ngoài nguồn nhân tài trên, học sinh đoạt giải các cuộc thi cũng được đặc cách theo học. Do vậy cần mở rộng hệ thống cuộc thi cấp quốc gia, mở rộng số môn thi trong chương trình phổ thông (thêm cả các liên môn, môn học ứng dụng), cuộc thi sáng chế phát minh, thi STEM, ý tưởng hàng năm, hội thảo nghiên cứu khoa học của học sinh…

Với phương châm ai cũng có biệt tài riêng, ngành giáo dục rất cần thiết kế các cuộc thi hướng nghề dành cho học sinh trung bình yếu để mong các em gắn bó với ngôi trường, tránh xa tệ nạn xã hội. Hệ thống cuộc thi đạt chuẩn – đa dạng, công bằng, minh bạch để mọi học sinh tự thân tham gia thử sức sẽ tạo tiền đề cho những phát minh và sáng kiến đẳng cấp thế giới của Việt Nam.

Quá trình học sinh khám phá đúng ước mơ qua việc học phải bắt đầu từ niềm say mê. Đây cũng là quá trình khám phá nội tại để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời của cá nhân. Các ước mơ có giá trị như nhau nếu nó từng ngày hoàn thiện mỗi học sinh và các em thấy mình đang làm những việc có ý nghĩa. Giống như một tấm bê tông có hàng trăm hòn đá, hàng nghìn viên sỏi và vô vàn hạt cát lấp trọn vẹn khoảng trống giữa chúng – những mơ ước. Chúng – những mơ ước đang lấp đầy lẫn nhau. Và niềm hạnh phúc là chất xi măng gắn chặt chúng. Hãy tìm hạnh phúc trong việc học trước khi tìm một ngôi trường để học.

Lê Quang Vinh

Nguồn bài viết

Bài trướcGoogle Photos cho web có giao diện mới cho một số người dùng | Công nghệ
Bài tiếp theoStartup Việt 2020 gia hạn đăng ký dự thi đến ngày 10/8