Các địa phương chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn lực đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn trong bối cảnh Covid-19.

Chiều 31/7, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 31/7, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch Hà Nội cho hay đã triển khai đồng bộ giải pháp nhằm đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn. Hiện, cơ sở vật chất, điều kiện y tế, an ninh đã đầy đủ, thành phố có phương án cụ thể ứng phó với nhiều tình huống.

Trước diễn biến Covid-19, ông Quý mong muốn Bộ hướng dẫn cụ thể hơn nhằm đảm bảo an toàn cho thí sinh, ví dụ phòng thi cần được sát khuẩn, có nước rửa tay; thí sinh phải đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách để tránh lây chéo; có phòng dự phòng cho học sinh thuộc nhóm F1, F2 hay những em có triệu chứng ho, sốt.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại cuộc hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 31/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại cuộc hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 31/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

TP HCM, có 115 điểm thi với hơn 3.100 phòng thi, cũng đã chuẩn bị xong mọi điều kiện tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Phó chủ tịch thành phố Dương Anh Đức cho biết địa phương đã bố trí các phòng thi dự phòng phòng khi thí sinh thuộc diện F1, F2, lên phương án điểm thi dự phòng nếu F1 quá lớn.

TP HCM cho các thành viên tham gia khâu in sao đề thi được lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo không mắc Covid-19, có sức khỏe tốt khi vào khu vực cách ly để in sao, không gây ảnh hưởng đến khâu này.

Tuy nhiên, ông Đức còn băn khoăn việc 600 cán bộ chấm thi tự luận của thành phố phải tập trung một chỗ để chấm thi. “Dịch bệnh ở TP HCM đang phức tạp. Chúng tôi mong Bộ hướng dẫn cụ thể hơn để có thể có một kỳ thi an toàn ở cả khâu coi thi, chấm thi”, lãnh đạo TP HCM bày tỏ.

Từ Hải Phòng, Phó chủ tịch Lê Khắc Nam cho biết với gần 18.600 thí sinh dự thi ở 41 điểm thi, thành phố đã bố trí thêm 14 điểm thi dự phòng. Các giáo viên liên quan đến Covid-19 đã được rà soát để thay thế.

Tương tự TP HCM, những giáo viên làm công tác đề thi đã được test nhanh để đảm bảo không bị Covid-19. Toàn bộ điểm thi được khử khuẩn. Thành phố còn phát khẩu trang cho tất cả học sinh. Các em đang ôn thi được đo thân nhiệt khi đến trường. Những em đi từ Đà Nẵng về phải cách ly tại nhà.

Quảng Ninh, mỗi điểm thi đã có đủ hai phòng dự phòng. Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch tỉnh, cho biết tỉnh cũng bố trí ba điểm thi dự phòng để đối phó với Covid-19 và thiên tai.

Về đội ngũ làm công tác thi, Quảng Ninh đã rà soát kỹ, thậm chí nhờ công an tỉnh thẩm định người tham gia. Hiệu trưởng các trường và ngành giáo dục chịu trách nhiệm giới thiệu giáo viên tham gia kỳ thi với tiêu chí có đủ năng lực, kiến thức và phẩm chất tốt. Tỉnh cũng quy định có 10% giáo viên dự phòng.

Dù chuẩn bị rất kỹ, ông Hậu cho biết Quảng Ninh vẫn phải tập trung tối đa bởi vừa phải chống Covid-19, vừa tổ chức thi. “Quảng Ninh vẫn đang làm nhiệm vụ đón các chuyến bay quốc tế chở công dân, chuyên gia về Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo công tác phòng chống dịch ở khu vực biên giới nên cũng rất nhiều việc phải làm”, ông Hậu nói.

Ông Lê Hải Hòa, Phó chủ tịch tỉnh Cao Bằng, cho biết dù chuẩn bị tốt cho kỳ thi, ban chỉ đạo thi của tỉnh còn một số băn khoăn. Với số lượng thí sinh và lực lượng coi thi chỉ xấp xỉ 6.000, lúc đầu tỉnh bố trí 214 phòng thi ở 20 điểm. Nhưng để thực hiện giãn cách, tỉnh tính tăng số phòng thi lên 428 và số điểm thi là 40.

Điều này dẫn đến lo lắng về việc đảm bảo an toàn trong quá trình bảo mật đề thi bởi hiện quá trình in sao đề đã xong một phần, đề đã được niêm phong theo từng phòng thi với 24 đề mỗi túi.

Ông Hòa cho biết thêm tỉnh cũng chưa nắm rõ quy định thí sinh có biểu hiện ho sốt đến mức nào sẽ được tiếp tục thi và phải thi ở phòng thi dự phòng? Ai quyết định việc này? Ông mong Bộ có hướng dẫn cụ thể.

Lắng nghe ý kiến từ các địa phương, Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, phản hồi từng vấn đề, trong đó nhấn mạnh việc giãn cách, chuẩn bị phòng thi, điểm thi dự phòng để đảm bảo an toàn trước Covid-19.

Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh tháo gỡ vướng mắc của địa phương tại cuộc họp chiều 31/7. Ảnh: MOET.

Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh tháo gỡ vướng mắc của địa phương tại cuộc họp chiều 31/7. Ảnh: MOET.

Theo quy định, mỗi phòng thi có 24 thí sinh, ngồi giãn cách 1,2 m. Với những nơi không có F1, F2, các điểm thi chỉ cần xếp bàn giãn cách ra một chút là đảm bảo. Chẳng hạn Cao Bằng, ông Trinh cho rằng tỉnh cần cân nhắc việc giãn cách tối đa trong phòng thi thay vì nhân đôi số lượng phòng, điểm thi như dự tính.

Trường hợp phải tạo điểm thi mới ở các vùng có F1, F2, ông Trinh đề nghị các tỉnh báo ngay với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị về mặt kỹ thuật, làm số báo danh, phòng thi. “Nếu số lượng không quá lớn, việc sử dụng hai phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Trinh nói.

Tuy nhiên, Cục trưởng Quản lý chất lượng cũng lưu ý các điểm thi cần chú ý khi có thí sinh thuộc nhóm F1, F2 bởi bài làm của những em này cũng có thể là nguồn lây nhiễm. Vì vậy, địa phương phải tính toán cả việc sau khi các em thi xong thì bài thi đó phải được cất giữ ở đâu, khoanh vùng thế nào nhằm đảm bảo an toàn. Lúc chấm thi, các bài thi này cũng phải được chấm cuối cùng.

Với lo lắng của TP HCM về việc cán bộ chấm thi tự luận phải tập trung ở một nơi, ông Trinh cho biết trong bối cảnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, Bộ có thể chấp nhận phương án như mọi năm là chia thành các tổ chấm rồi thảo luận đáp án theo từng tổ, miễn sao đảm bảo quy định về việc giãn cách.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chuẩn bị của các địa phương. Covid-19 bùng phát dẫn đến nhiều việc phát sinh, không chỉ về mặt an ninh mà còn sức khỏe. “Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, giáo viên và cộng đồng, nhưng không vì không đủ thông tin, khó khăn mà có quyết định không được cân nhắc kỹ”, Bộ trưởng nói, đề nghị các địa phương tiếp tục chuẩn bị theo kế hoạch.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ ngày 8 đến 10/8. Hơn 900.000 thí sinh phải làm ba bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và một bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Kết quả ở kỳ thi này được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.

Đến tối 31/7, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước đã lên 546, trong đó 373 người đã khỏi, hai người tử vong, còn 171 bệnh nhân đang điều trị. Hơn 53.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 619 người, tại cơ sở tập trung gần hơn 14.000, tại nhà hoặc nơi lưu trú gần 39.000.

Dương Tâm