Bốn ông lớn công nghệ cùng ra điều trần về hành vi độc quyền

MỹLần đầu tiên, CEO Apple, Facebook, Google và Amazon cùng đồng ý điều trần trước Hạ viện, liên quan tới cáo buộc các hãng này có hành vi độc quyền.

Ngày 1/7, Tim Cook trở thành CEO cuối cùng trong “bộ tứ công nghệ” Mỹ đồng ý trả lời chất vấn trước Phân ban Chống độc quyền Hạ viện. Trước đó, Facebook và Google cũng khẳng định sẽ cử người đứng đầu là Mark Zuckerberg và Sundar Pichai trong khi Amazon thông báo qua email rằng CEO Jeff Bezos sẵn sàng ra điều trần.

Cuộc điều trần đánh dấu lần đầu tiên cả bốn CEO của bốn hãng công nghệ lớn tại Mỹ cùng trả lời trước Quốc hội. Đặc biệt hơn, khác với ba người còn lại, Bezos chưa từng xuất hiện trước Quốc hội Mỹ.

Theo CNBC, sự kiện sẽ được tiến hành cuối tháng 7 nhưng chưa rõ diễn ra trực tiếp hay trực tuyến vì Covid-19. Phát ngôn viên của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cho biết chi tiết về thời gian và hình thức tổ chức chưa được xác định.

Mark Zuckerberg bị Quốc hội Mỹ điều trần tháng 4/2018 vì bê bối làm lộ dữ liệu người dùng. Ảnh: AFP.

Mark Zuckerberg bị Quốc hội Mỹ điều trần tháng 4/2018 vì bê bối làm lộ dữ liệu người dùng. Ảnh: AFP.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tuyên bố điều tra Apple, Amazon, Facebook và Google từ tháng 6/2019. Việc điều trần với CEO là một trong những bước cuối cùng để xác định các công ty này có lợi dụng sự thống trị của mình để chèn ép các đối thủ khác.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin điều tra, Tim Cook, CEO Apple đã khẳng định: “Tôi không nghĩ bất cứ ai có thể kết luận Apple là công ty độc quyền. Thị phần của chúng tôi rất khiêm tốn. Chúng tôi không thống trị ở bất cứ thị trường nào”.

Apple là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới sau Samsung và Huawei. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng “độc quyền” không nhất thiết gắn với doanh số iPhone. Thay vào đó, họ bị các nhà phát triển ứng dụng chỉ trích vì chính sách thu phí lên tới 30% doanh thu trên App Store. Ngoài ra, Apple cũng phân phối những dịch vụ tương tự của đối thủ trên chính kho ứng dụng của mình.

Trong khi đó, Facebook đang được cho là nắm trong tay quyền lực quá lớn, dẫn đến khó kiểm soát. Bên cạnh nền tảng Facebook lên tới 2,7 tỷ người dùng, mạng xã hội này còn thâu tóm Instagram và WhatsApp. Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng cần chia tách Facebook để dễ quản lý hơn.

Với Google, Bộ Tư pháp Mỹ tập trung vào cáo buộc hãng này độc quyền trong mảng quảng cáo trực tuyến, ưu tiên hiển thị dịch vụ, sản phẩm do chính họ phát triển và chèn ép đối thủ. Ngoài ra, Google bị tố bắt các công ty sản xuất thiết bị Android phải cài sẵn một loạt ứng dụng Google trên máy và không được cài trước ứng dụng của đối thủ.

Trong khi đó, một nửa số giao dịch mua sắm trực tuyến diễn ra trên Amazon. Hệ thống thương mại điện tử này bị cáo buộc “chơi xấu” khiến các nhà bán hàng bên thứ ba trên nền tảng phải trả tiền quảng cáo để cạnh tranh với các đại lý bên thứ nhất hoặc với các mặt hàng được dán nhãn của riêng Amazon.

Châu An

Châu An