HomeCông nghệBộ tứ CEO công nghệ tuyên bố không thống trị thị trường

Bộ tứ CEO công nghệ tuyên bố không thống trị thị trường

Dự kiến diễn ra từ 23h ngày 29/7 (giờ Việt Nam), nhưng sự kiện bị chậm hơn một tiếng đồng hồ do trục trặc kỹ thuật.

Mở màn phiên điều trần, David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền – Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, cho biết quá trình điều tra các hành vi độc quyền của bốn hãng Amazon, Apple, Google và Facebook đã diễn ra trong suốt 13 tháng qua. Uỷ ban đã yêu cầu nộp ít nhất 1,3 triệu tài liệu, tổ chức 5 phiên điều trần riêng và thực hiện hàng trăm giờ phỏng vấn đối với đại diện bốn tập đoàn công nghệ lớn này.

“Trước Covid-19, những công ty này đã là những ‘người khổng lồ’ trong nền kinh tế của chúng ta. Trong đại dịch, họ thậm chí lớn mạnh hơn bao giờ hết”, ông nói. “Các nền tảng này có khả năng khai thác sức mạnh để đưa ra mức phí đắt đỏ, thực hiện những hợp đồng mang tính áp đặt và trích xuất dữ liệu có giá trị từ những người và những doanh nghiệp phụ thuộc vào họ”.

“Nói đơn giản, họ đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực”, Cicilline kết luận.

Jerry Nadler, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp, so sánh các tập đoàn công nghệ ngày nay giống như sự độc quyền trong ngành đường sắt thời xưa, khi các công ty thống trị có thể lựa chọn mức giá, loại bỏ đối thủ.

Do hạn chế đi lại trong đại dịch, cả bốn CEO đều chọn trả lời chất vấn trực tuyến. Phông nền phía sau Mark Zuckerberg là bức tường trắng quen thuộc trong các cuộc họp trực tuyến mà ông từng tham gia. Tim Cook cũng chọn background trung tính với một số cây cảnh trang trí. Người giàu nhất thế giới Jeff Bezos ngồi trước giá sách gỗ trong khi Sundar Pichai dường như ngồi trong phòng họp của công ty.

Được yêu cầu phát biểu đầu tiên, Jeff Bezos, CEO Amazon, chia sẻ về tuổi thơ sóng gió bởi bà Jackie mang thai và sinh ông khi mới là nữ sinh trung học 17 tuổi. Họ Bezos của ông thực tế là họ của cha dượng chứ không phải cha đẻ. Thời niên thiếu, ông sống ở ngoại ô Texas cùng ông bà ngoại và làm công việc đồng áng. Tuy nhiên, từ cách đây 26 năm, gia đình ông đã sẵn sàng đầu tư số tiền tiết kiệm của họ cho Amazon và Internet dù đó là những khái niệm họ không hề hiểu. “Họ đặt cược vào con trai của mình”, ông nói.

Khởi đầu là một kho sách trực tuyến khiêm tốn, Jeff Bezos thừa nhận Amazon đã vươn lên thành một công ty lớn về thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông cho rằng Amazon không thống trị bởi đang tham gia vào thị trường bán lẻ trực tuyến đông đúc với những tên tuổi nổi tiếng như Target, Costco and Walmart.

Sau Bezos, Tim Cook, CEO Apple, cũng tuyên bố họ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường smartphone với những đối thủ như Samsung, Huawei, Google. “Mục tiêu của chúng tôi là ‘tốt nhất’, không phải ‘nhiều nhất’. Chúng tôi không có thị phần thống trị ở bất cứ thị trường hay trong bất cứ phân khúc sản phẩm nào”, ông nói.

Tuy nhiên, vấn đề là các nhà điều tra không xét đến thị phần smartphone, mà tập trung vào đơn khiếu nại của các nhà phát triển rằng Apple áp đặt những quy định khắc nghiệt, trong có việc phải đóng phí lên đến 15-30% doanh thu nếu muốn ứng dụng có mặt trên App Store.

Zuckerberg phát biểu trực tuyến. Ảnh: AFP.

Zuckerberg phát biểu trực tuyến. Ảnh: AFP.

Tương tự, trong bài phát biểu dài 5 phút, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, mô tả “sự cạnh tranh gay gắt” mà công ty của mình phải đối mặt. “Dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất tại Mỹ là Apple iMessage. Ứng dụng phát triển nhanh nhất là TikTok. Ứng dụng video phổ biến nhất hiện nay là YouTube. Nền tảng quảng cáo có tốc độ tăng trưởng cao nhất là Amazon. Nền tảng quảng cáo lớn nhất hiện nay là Google”, Zuckerberg liệt kê một loạt đối thủ để nhấn mạnh sự khó khăn của hãng.

Ông cũng cho biết quyết định bỏ ra 19 tỷ USD để mua WhatsApp năm 2014 chỉ là giải pháp giúp công ty cạnh tranh với các hãng viễn thông, vốn thu tiền người dùng qua mỗi nhắn tin.

Trong khi đó, Google CEO Sundar Pichai khẳng định công ty đã tạo ra một nền tảng cạnh tranh với mức giá thấp hơn cho các nhà quảng cáo. Ông cũng nhấn mạnh những đóng góp của Google đối với nước Mỹ: hơn 75.000 nhân viên đang làm việc tại 26 bang, mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển tính đến cuối năm 2019 đạt 26 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với con số 2,8 tỷ USD của 10 năm trước đó.

Châu An

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img