Bỏ trường chuyên có giúp ích cho giáo dục?

Theo TS Nguyễn Xuân Khánh, nếu trường chuyên tồn tại chỉ để biến tuổi thơ của trẻ thành những thành tích nhất thời thì đề xuất đóng cửa trường là hợp lý.

TS Nguyễn Xuân Khánh, thành viên tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nhà nghiên cứu công nghệ giáo dục tại Đại học Oulu, Phần Lan, chia sẻ góc nhìn về đề xuất bỏ trường chuyên.

Trước tiên, tôi phải khẳng định trường chuyên chỉ mang lại nhiều ích lợi cho giáo dục và đất nước khi nó gắn liền với bản chất mục tiêu của giáo dục.

Sự tồn tại của trường chuyên, lớp chọn góp phần tạo điều kiện phát triển nhân tài nhưng đồng thời mang lại tiêu cực với “căn bệnh” thành tích. Quan điểm về trường chuyên lớp chọn cũng khác nhau giữa các quốc gia phát triển. Như ở Mỹ, Anh, hay New Zealand, trường chuyên vẫn tồn tại trong khi Phần Lan lại không. Các trường ở quốc gia này đều có chất lượng đào tạo như nhau. Vậy yếu tố nào để đánh giá việc bỏ hay giữ trường chuyên sẽ giúp ích cho giáo dục đất nước?

TS Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước hết, khi nhắc đến quan điểm bất đồng về trường chuyên ở các nước, mọi người thường chỉ nhắc đến giáo dục trước đại học. Mấu chốt dẫn đến bất đồng này liên quan đến quan điểm về bình đẳng trong giáo dục.

Khi giáo dục phổ thông đều được các quốc gia xem là quyền lợi của mỗi công dân, quan điểm về bình đẳng cơ hội hay bình đẳng kết quả dẫn đến tranh cãi về lợi ích của các chương trình, mô hình trường. Giáo dục đại học và sau đại học hướng đến đào tạo chuyên môn và nâng cao nên thứ hạng trường đại học được chấp nhận chung trên thế giới và quan điểm bình đẳng cơ hội chứ không phải kết quả được áp dụng chung cho các quốc gia.

Dù quan niệm bình đẳng kết quả cho giáo dục phổ thông bị nhiều người phê phán là một ý tưởng đẹp nhưng viển vông, nó vẫn được thực hiện hiệu quả ở Phần Lan, đất nước được đánh giá có nền giáo dục phổ thông hàng đầu thế giới.

Không như các quốc gia khác, Phần Lan không có trường chuyên (gifted schools, grammar schools) hay trường tư nhân (private schools) ở bậc phổ thông. Đầu tư hay đóng góp vào giáo dục phổ thông sẽ được chia đều cho tất cả trường trên cả nước để đảm bảo tất cả trẻ em được hưởng nền giáo dục như nhau.

Câu hỏi đặt ra có lẽ là hệ thống giáo dục không có “trường chuyên” thì có kìm hãm sự phát triển của những trẻ có năng khiếu đặc biệt hay không tạo điều kiện tối đa cho chúng?

Phát triển của trẻ hay chất lượng giáo dục thường đi kèm với thước đo dựa trên kiến thức của trẻ và kết quả của những bài kiểm tra kiến thức. Thế nhưng, thước đo này đã lỗi thời cùng với triết lý giáo dục xoay quanh việc truyền đạt kiến thức (Teaching as Transmission).

Trong hoàn cảnh xã hội đương đại với sự phát triển nhanh chóng và hiện diện phổ biến của công nghệ, kiến thức có thể được truy cập hay tiếp cận dễ dàng hơn rất nhiều so với quá khứ. Góc nhìn về giáo dục không còn đơn thuần là truyền đạt kiến thức nữa, mà quan trọng hơn cần chú trọng việc tương tác trao đổi để tạo ra kiến thức mới (Teaching as Transaction) và thay đổi trẻ (Teaching as Transformation).

Thước đo cho sự phát triển của trẻ không còn chỉ xoay quanh số lượng kiến thức, thông tin mà trẻ ghi nhớ và thuộc lòng, mà phải xét đến những kỹ năng trẻ học được, khả năng tư duy, tự học và phát triển bản thân. Và chất lượng của giáo dục cần được đánh giá dựa trên việc trang bị những kỹ năng đó, khơi gợi sự tò mò về kiến thức, khám phá ra năng lực bản thân cũng như giúp trẻ có khả năng tự học và phát triển.

Thế nên nếu nhìn vào bản chất của giáo dục và hoàn cảnh thời đại thông tin hiện nay, hệ thống giáo dục không có “trường chuyên” vẫn giúp những trẻ có năng khiếu phát triển và tạo được điều kiện phát triển tối đa cho chúng dài hạn. Ngoài ra, việc tự do vượt cấp bậc học nếu đủ khả năng ở các nước cũng tạo điều kiện đào tạo những trẻ có năng khiếu đặc biệt.

Trường chuyên lớp chọn có thể tạo môi trường học tập tốt cho trẻ có khả năng, nhưng nếu xét tổng thể toàn xã hội, giáo dục không còn giữ giá trị cốt lõi của nó bởi trẻ đã bị phân cấp. Trường chuyên có thể hữu ích nếu được thiết kế dựa trên những giá cốt lõi của giáo dục trên. Thế nhưng nếu trường chuyên chỉ xoay quanh thành tích các bài thi và bảng điểm, “căn bệnh” thành tích đi kèm tàn phá “cơ thể” của giáo dục còn nhiều hơn lợi ích mà trường chuyên mang lại.

Trường chuyên, lớp chọn có thể tạo điều kiện cho nhiều thành tích, kết quả cao ở các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế. Thế nhưng bao nhiêu tấm bằng khen hay giải thưởng đó sẽ được chuyển hóa thành công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ, hay thành những doanh nghiệp đa quốc gia, thành những dự án tầm cỡ quốc tế?Chỉ quen thuộc những dạng bài toán khó để đạt thành tích cao thì vẫn khó thực hiện một nghiên cứu toán học để tìm ra kiến thức mới. Chỉ thuộc lòng kiến thức chuyên sâu để có điểm thi tốt thì vẫn khó để áp dụng chúng hiệu quả vào cuộc sống và công việc sau này.

Nếu sự tồn tại của trường chuyên chỉ để chuyển đổi những năm tháng tuổi thơ của trẻ thành những tấm bằng hay giải thưởng thi đua có giá trị thành tích nhất thời cùng những áp lực nặng nề cho trẻ, thì đề xuất đóng cửa là hoàn toàn hợp lý.

Vì thế, trường chuyên chỉ mang lại nhiều ích lợi cho giáo dục và đất nước khi nó gần liền với bản chất mục tiêu của giáo dục: khơi gợi đam mê tìm hiểu kiến thức và trang bị hành trang, kỹ năng cần thiết để cá nhân tự phát triển theo hướng mỗi người lựa chọn.

Nguyễn Xuân Khánh

Nguồn bài viết

Bài trướcPhát lộ những công trình quân sự hoành tráng và độc đáo tại Kinh thành Huế
Bài tiếp theoBảo lưu 1 năm học, chàng sinh viên 20 tuổi thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi tháng