Bảy dấu hiệu của cha mẹ ‘dọn đường’

Cha mẹ “dọn đường” làm mọi thứ để con thành công. Tuy nhiên, chính sự bao bọc quá mức có thể gây hại cho con nhiều hơn là lợi.

Trang Moms chỉ ra dấu hiệu của kiểu cha mẹ “dọn đường” để bạn tự đánh giá và có thể rút kinh nghiệm.

1. Làm thay công việc của con

Việc trẻ em, thanh thiếu niên không phải làm việc nhà không phải là hiếm vì phụ huynh cho rằng con cái cần dành thời gian cho học hành. Nhưng nếu thói quen này tiếp tục được duy trì sau khi các em đã học xong, nó sẽ trở thành vấn đề lớn.

Mỗi cá nhân cần tự chăm sóc mình như nấu cơm, giặt giũ, dọn vệ sinh nơi ở. Nếu không được dạy từ bé, trẻ lớn lên sẽ không thể lo cho bản thân và phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, phụ huynh nên hướng dẫn con thực hiện công việc cơ bản, trước hết là vì bản thân rồi dần mở rộng ra những công việc vì gia đình, cộng đồng.

2. Học hộ con

Thay vì giảng bài, cha mẹ “dọn đường” có thể làm bài tập hộ con từ những bài toán nhỏ đến bài văn, công trình khoa học. Mục đích là muốn con giành điểm cao mà quên mất rằng trẻ sẽ không thu được kiến thức nếu không tự tay thực hành.

Khi trẻ gặp bài tập khó, cha mẹ hãy để con dành thời gian tập trung suy nghĩ cách giải. Nếu không thể, bạn có thể giảng bài cho con nhưng đừng gợi ý 100% cách làm mà chỉ nên hướng dẫn và để con tự thực hiện. Bạn cũng có thể nhắc con đem bài khó đến lớp hỏi thầy cô giáo. Phương pháp này sẽ dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề và động lực để học tập tốt hơn thay vì ỷ lại vào sự giúp đỡ của cha mẹ.

3. Hoàn thành giấy tờ thay con

Phụ huynh thường sợ con chưa hiểu rõ hoặc còn quá nhỏ để tự điền thông tin cá nhân trên giấy tờ. Tuy nhiên, trẻ cần nhớ một số thông tin cơ bản để có thể tự khai trong mọi tình huống và làm chủ một số hoạt động trong cuộc sống. Một số thông tin trẻ cần nhớ là địa chỉ nhà, số điện thoại của người thân, thành viên trong gia đình hay chứng minh thư nhân dân của trẻ.

Ngoài thông tin cá nhân, nhiều phụ huynh còn thay con viết đơn xin việc và hoàn thiện hồ sơ. Việc lo liệu cho con quá mức sẽ cản trở quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm việc làm trong quá trình trưởng thành của con.

4. Phục vụ con cái

Cha mẹ luôn mong con được lớn lên trong mái nhà ấm cúng, tràn ngập tình yêu thương nhưng điều này không đồng nghĩa bạn phải làm mọi việc vì con. Ví dụ, trẻ cần hỗ trợ cha mẹ chuẩn bị bữa ăn như rửa rau, sắp bát đũa hoặc dọn dẹp sau ăn.

Bạn nên giáo dục con rằng việc nhà là nhiệm vụ của tất cả thành viên trong gia đình. Không ai được ngồi chơi trong khi những người còn lại tất bật làm việc. Phương pháp này khiến trẻ hiểu được giá trị của lao động, không phụ thuộc vào sự phục vụ của bất cứ ai và học cách chia sẻ với cộng đồng.

5. Dọn dẹp chướng ngại vật

Nếu bạn liên tục dọn dẹp vật cản, dù chỉ là khó khăn nhỏ trên đường trưởng thành của con thì bạn chính là phụ huynh “máy xén cỏ”. Thấy con khóc, buồn bã vì gặp khó khăn hay thất bại, bạn hãy tự nhủ rằng cách duy nhất khiến con trưởng thành là học cách đối phó và vượt qua.

Nếu chướng ngại quá lớn, cha mẹ có thể giúp đỡ con bằng cách động viên hoặc cho lời khuyên nhưng không thể làm hộ. Trẻ lớn lên mà không được nếm trải thất bại sẽ không thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống trưởng thành.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

6. Đưa ra quá nhiều lời khuyên nghề nghiệp

Cha mẹ “dọn đường” thích định hướng con cái theo những nghề nghiệp như mong muốn của họ mà thường ít quan tâm đến sở thích hoặc năng lực của con. Đến tuổi trưởng thành, thanh thiếu niên cần học cách tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, bắt đầu từ việc chọn trường đại học hoặc chọn nghề.

Cha mẹ có thể đưa ra lời khuyên từ góc độ người lớn có nhiều kinh nghiệm, nhưng không nên áp đặt hay ép buộc con phải làm theo ý mình. Nếu đó không phải công việc yêu thích, con bạn ẽ không thể thành công, thậm chí đổ lỗi cho cha mẹ.

7. Đối đầu với mọi người

Để bảo vệ con, phụ huynh “dọn đường” sẽ đấu tranh với giáo viên hoặc kẻ thù, kẻ bắt nạt con. Với giáo viên, phụ huynh có thể yêu cầu những điều tốt nhất cho con, còn với những người bắt nạt họ bắt chúng tránh xa hoặc xin lỗi con mình. Hành động này không xấu vì cha mẹ đang muốn giúp con.

Tuy nhiên, giống như trở ngại, trẻ cần học cách giải quyết các mối quan hệ cá nhân, đối diện thách thức để nâng cao kỹ năng cần thiết. Nhiệm vụ của cha mẹ là đưa ra lời khuyên, chia sẻ và lắng nghe để thúc đẩy các con tiến về phía trước.

Tú Anh (Theo Moms)

Nguồn bài viết

Bài trướcKhẩu trang y tế lại tăng giá, khan hiếm
Bài tiếp theoChiến lược ‘mua để giết’ của Facebook