Toàn bộ các lĩnh vực liên quan đến bất động sản đóng góp tới 30% GDP, cho thấy đầu tư bất động sản vẫn là kênh an toàn và hiệu quả trong đại dịch Covid-19.
So với nhiều kênh đầu tư khác, đầu tư bất động sản vẫn là kênh an toàn và hiệu quả.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch, trở nên thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, “tiền mặt được coi là vua” nên việc “xuống tiền” sẽ trở nên đắn đo hơn.
“Thách thức ở thị trường bất động sản đó là khung pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cực kỳ chậm”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, xuất hiện một số kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản, trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam cũng đã tăng tới 30%.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ông và nhiều chuyên gia khác vẫn nhận thấy cơ hội đầu tư ở lĩnh vực bất động sản.
Thứ nhất là cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ hai là phát triển logistics. Bởi trong một báo cáo gần đây, Savills đánh giá Việt Nam là một trong ba thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logistics.
Thứ ba là nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng vẫn rất cao.
TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng. Qua số liệu mới nhất cho thấy, thị trường bất động sản đang đóng góp 4,5% GDP, còn lĩnh vực xây dựng đóng góp 5,5% GDP.
Ngoài sự đóng góp trực tiếp, 4 lĩnh vực có sự lan toả của bất động sản bao gồm: vật liệu xây dựng, du lịch, lưu trú, tài chính ngân hàng đã đóng góp trên 20% GDP.
“Chúng ta thấy ngay toàn bộ những lĩnh vực liên quan đến bất động sản đóng góp tới 30% GDP. Đặc biệt, nếu tính cả xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là rất lớn. Như vậy, 1/3 GDP liên quan đến bất động sản cả trực tiếp và gián tiếp”, ông Lực tính toán.