Bảo vệ đồ án online vì mắc kẹt ở nước ngoài

Nguyễn Hồng Ngọc, 23 tuổi, mặc sơ mi trắng, đeo cà vạt, ngồi trước máy tính trong căn phòng nhỏ ở Singapore, hồi hộp đợi đến lượt bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Ngọc là sinh viên năm cuối lớp Kỹ sư tài năng Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhờ thành tích học tập và nghiên cứu tốt, em được lãnh đạo Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông của trường giới thiệu đi thực tập tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Ngọc trải qua 6 tháng tham gia nghiên cứu ở ngôi trường top 13 thế giới (theo QS 2021), từ 25/2 đến 25/8.

Theo kế hoạch, đầu tháng 6 Ngọc sẽ bay về nước để bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Thế nhưng Covid-19 diễn biến phức tạp khiến mọi dự định đổ vỡ. Tại Việt Nam, trường của Ngọc cùng hàng trăm đại học khác phải đóng cửa, sinh viên chuyển sang học online, thời gian bảo vệ khóa luận cũng được lùi lại tới giữa tháng 7.

Do đường bay chưa mở, Ngọc chỉ có thể chờ chuyến bay của chính phủ đưa người Việt Nam về nước với tần suất 1-2 chuyến một tháng. Tháng trước, Ngọc đăng ký để được về Việt Nam. Tuy nhiên, em không phải đối tượng được ưu tiên nên không thể về. “Em thực sự rất lo bởi không bảo vệ đồ án tốt nghiệp đúng kế hoạch đồng nghĩa em không thể ra trường đúng hạn”, Ngọc nói.

Nguyễn Hồng Ngọc trả lời câu hỏi phản biện từ hội đồng trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp online sáng 16/7. Ảnh: Dương Tâm.

Nguyễn Hồng Ngọc trả lời câu hỏi phản biện từ hội đồng trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp online sáng 16/7. Ảnh: Dương Tâm.

Chia sẻ với thầy cô, Ngọc được khuyên gửi mail trình bày với lãnh đạo trường và viện. Em vui mừng khi được trường chấp nhận cho bảo vệ đồ án tốt nghiệp online. Ngoài những lúc làm nghiên cứu theo chương trình thực tập, nam sinh đầu tư thời gian hoàn chỉnh đồ án, chuẩn bị kỹ lưỡng slide để thuyết trình. Ngọc cũng phải nhờ bạn bè cùng lớp ở Việt Nam in tài liệu gửi thầy cô, chuẩn bị kết nối qua Zoom, loa, mic.

Giờ ở Singapore nhanh hơn Việt Nam một tiếng nên thầy cô trường Bách khoa để Ngọc bảo vệ đồ án vào lúc 11h sáng 16/7 (tức 12h ở Singapore), giúp em vẫn tham gia nghiên cứu buổi sáng được. Thế nhưng do thời gian bảo vệ đồ án của mỗi bạn dài ngắn khác nhau rồi lại phải kết nối, đợi đường truyền ổn định, hơn 11h30 phần thuyết trình của Ngọc mới bắt đầu.

“Em hồi hộp vì lúc mới kết nối không nghe rõ thầy cô trong hội đồng và các bạn ở phía Việt Nam nói gì, nhưng rồi mọi chuyện cũng thuận lợi”, Ngọc chia sẻ. Ở phòng bảo vệ đồ án của Đại học Bách khoa Hà Nội, các thầy cô nghe Ngọc trình bày qua một chiếc loa nhỏ. Khi đặt câu hỏi phản biện, thầy cô lại kết nối riêng qua điện thoại để hỏi nhằm đảm bảo Ngọc nghe rõ nhất có thể.

Sau khoảng 30 phút, Ngọc hoàn thành phần bảo vệ đồ án “Thuật toán di truyền ghép đôi dài hạn giải bài toán tìm đường xâm nhập trong mạng cảm biến không dây”. Em được 9,8 và 9,3 điểm, cao thứ hai 8 bạn ở hội đồng sáng 16/7. Ngọc bảo được phép bảo vệ đồ án online đã rất mừng rồi, được điểm tốt như vậy càng mừng hơn. Ngọc cảm ơn thầy cô đã tạo điều kiện và hy vọng có thể trở về Việt Nam vào cuối tháng 8 để tiếp tục học chương trình cao học tại trường.

Các thầy cô trong hội đồng giao tiếp với Ngọc qua Zoom và gọi messenger. Ảnh: Dương Tâm.

Các thầy cô trong hội đồng giao tiếp với Ngọc qua Zoom và gọi messenger. Ảnh: Dương Tâm.

Chu Trần Tuấn, sinh viên năm cuối ngành Truyền thông và Mạng máy tính còn rơi vào tình cảnh éo le hơn Ngọc. Tuấn được sang Australia thực tập tại Đại học Sydney theo chương trình thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Sydney. Em có ba tháng (từ 15/2 đến 15/5) học tập cách làm việc, nghiên cứu ở môi trường mới và gặp nhiều giáo sư hàng đầu. Đi cùng với em còn có hai bạn Nguyễn Thành Hậu và Nguyễn Bá Trung.

Mới qua một nửa khóa thực tập, Tuấn và các bạn bắt đầu lo lắng vì Covid-19 bùng phát mạnh ở Australia. Ngày 24/3 có chuyến bay thương mại cuối cùng từ Australia về Việt Nam, sau đó chính phủ các tiểu bang ở Australia phong tỏa. Gia đình Tuấn ở Việt Nam liên tục gọi sang hỏi thăm. Em và Trung, hai bạn chưa bảo vệ đồ án tốt nghiệp đứng ngồi không yên vì lo lỡ buổi bảo vệ ở trường.

Gần sát ngày hết thời gian thực tạp (15/5), Tuấn thường xuyên theo dõi thông tin xem liệu có về nước đúng thời hạn để bảo vệ đồ án tốt nghiệp không. Em liên tục đăng ký các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nhưng đã ba lần không có tên trong danh sách bởi đại sứ quán ưu tiên các trường hợp khẩn cấp hơn.

Giữa lúc khó khăn, Tuấn xin ý kiến lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông. Giống như Ngọc, em được bảo vệ đồ án tốt nghiệp online qua Zoom.

Ngày 14/7, Tuấn tham gia bảo vệ. Dù online, nam sinh vẫn chuẩn bị đầy đủ từ trang phục đến tài liệu thuyết trình. Theo số thứ tự, em phải bảo vệ vào buổi sáng theo giờ Việt Nam nhưng bởi bận làm nghiên cứu ở trường, Tuấn được đổi sang đầu giờ chiều, tức 5h chiều ở Australia. Kết thúc buổi bảo vệ kéo dài 30 phút, em được giải sinh viên trình bày tốt nhất của hội đồng ngày hôm đó.

Chu Trần Tuấn mắc kẹt ở Australia dù khóa thực tập 3 tháng đã kết thúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chu Trần Tuấn mắc kẹt ở Australia dù khóa thực tập 3 tháng đã kết thúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

PGS Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó viện trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay Viện có các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các đại học hàng đầu thế giới như Đại học Sydney (Australia), Công nghệ Nanyang, Công nghệ và Thiết kế Singapore, Đại học Quốc gia Singapore, Uppsala (Thụy Điển), Aizu (Nhật Bản). Vì vậy hàng năm, những sinh viên đại học, cao học xuất sắc thường được giới thiệu đi thực tập và học chuyển tiếp ở các trường này.

Hiện, có hai sinh viên thực tập ở Nhật Bản, hai bạn ở Singapore và ba bạn ở Australia. Có em vẫn đang trong thời gian thực tập 6 tháng. Có em chương trình chỉ kéo dài 3 tháng nhưng chưa về được bởi Covid-19. Trong đó, có ba sinh viên chưa bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

“Việc đi thực tập ở trường đối tác và bị mắc kẹt lại do dịch bệnh là chưa có tiền lệ. Khi các em chia sẻ hoàn cảnh, nhà trường và thầy cô đều sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện để cho bảo vệ đồ án, ra trường đúng hạn”, cô Bình nói, cho biết thêm những sinh viên được giới thiệu tham gia chương trình thực tập ở nước ngoài đều được đánh giá xuất sắc nên dù bảo vệ online, chất lượng vẫn đảm bảo.

Đã bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp, điều mong mỏi nhất của Tuấn và Ngọc bây giờ là sớm được quay trở về Việt Nam. Riêng với Tuấn, do Đại học Sydney đã một lần giúp gia hạn visa, đồng thời kéo dài chương trình thực tập từ 3 tháng lên mức tối đa là 6 tháng và hỗ trợ sinh hoạt phí. “Nếu không về được trong thời gian tới, em và các bạn sẽ không biết phải làm thế nào”, Tuấn nói.

Dương Tâm