Ba thế kỷ tồn tại ‘trường chuyên’ ở Pháp

Trường chuyên, lớp chọn được hình thành từ giữa thế kỷ 18 ở Pháp, cũng bị chỉ trích ở bản chất giáo dục tinh hoa và gây bất bình đẳng xã hội.

Trường chuyên có nhiều tên gọi “Grammar School”, “Gifted School” hay “Talented School” ở Mỹ, Anh; hay “Gymnasium” ở Đức, Cộng hòa Czech… Ở Pháp, hệ thống trường chuyên, lớp chọn có tên “Classes préparatoires aux Grandes Ecoles” (CPGE), dịch là “Lớp dự bị vào Trường Lớn”.

Trường Lớn là hệ thống trường đại học được thành lập vào giữa thế kỷ 18 nhằm đào tạo đội ngũ công chức cao cấp thuộc nhiều ngành nghề phục vụ cho nền hành chính quốc gia, chính phủ và Nhà nước. Ngày nay, mỗi trường một chuyên ngành và trực thuộc các bộ chủ quản khác nhau như Học viện Nông học, Hành chính Trung ương, Cầu đường, Mỏ, Bách khoa, Sư phạm, Viễn thông… Những người Việt đầu tiên tốt nghiệp ở các trường này là dưới thời thuộc địa, như Hoàng Xuân Hãn ở trường Bách nghệ, Công chúa Như Mai ở Học viện Nông học, nhà văn Phạm Duy Khiêm hay triết gia Trần Đức Thảo ở Đại học Sư phạm Paris…

Những lớp chọn xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 18 đều thuộc chuyên ngành khoa học tự nhiên nhằm chuẩn bị cho thí sinh, vốn thuộc giới quý tộc, thi tuyển các concours sĩ quan quân đội cấp cao. Sau Cách mạng Pháp 1789, nền Cộng hòa mở rộng cánh cửa tiếp nhận đào tạo mọi công dân dựa trên năng lực và tài năng chứ không còn dựa vào thân thế quý tộc. Phải đợi đến thế kỷ 20, hai phân ban văn chương – khoa học xã hội và kinh tế – thương mại mới xuất hiện trong hệ thống này.

Ngày nay, lớp CPGE được coi là bậc đầu tiên của hệ đại học, kéo dài hai năm, nhằm tăng cường kiến thức để giúp sinh viên tỷ thí ở các concours sát hạch vào trường lớn danh giá (thuộc những ngành kỹ sư, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thương mại, nghệ thuật…). Tuy nhiên, các CPGE lại được đặt trong khuôn viên của trường trung học (lycée) danh tiếng ở thành phố hay thủ phủ kinh tế lớn như Paris, Lyon, Bordeaux, Nantes, Lille, Toulon (tổng cộng đặt tại 448 lycées trên toàn quốc)…

Thí sinh phải có bằng tú tài, cộng với hồ sơ bảng điểm của nhiều năm học phải xuất sắc thì mới có cơ hội gia nhập giới “élite học đường” này. Nếu sinh viên thi trượt có thể chuyển sang học tiếp ở hệ thống các trường đại học tổng hợp (Université). Nói một cách khác, CPGE là “phòng chờ” để được vào Trường Lớn.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục quốc gia và Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp, năm học 2019-2020, hệ thống CPGE, công lập và tư thục, có 85.100 sinh viên (trong đó có 36.000 nữ sinh viên) trên tổng số hơn 2,7 triệu sinh viên thuộc các hệ đại học, tức là chỉ chiếm hơn 3%. Năm 2017, chi phí trung bình cho mỗi học sinh và sinh viên Pháp là 8.690 euros, riêng mỗi sinh viên thuộc CPGE tăng gần gấp đôi, lên đến 15.760 euros. 58% sinh viên của hệ này xuất thân từ giới trung lưu.

Tồn tại gần 3 thế kỷ, từ chế độ quân chủ đến nền Đệ ngũ Cộng hòa, CPGE là một trong các “sản vật” của nền giáo dục Pháp, xứng vai với những biểu tượng khác như mũ nồi beret, bánh mỳ baguette hay rượu vang. Muốn vào hàng ngũ tinh hoa này, điều kiện tiên quyết bạn phải là tú sinh (tốt nghiệp tú tài) và bạn nghiễm nhiên đã là sinh viên rồi. Bạn “tiêu tốn” của Nhà nước mỗi năm gấp đôi so với học sinh, sinh viên bình thường và chỉ chiếm 3% tổng sĩ số sinh viên. Vì những lý do khách quan này, CPGE hứng chịu nhiều cuộc chỉ trích, luận chiến, bút chiến từ giới chính trị đến giáo chức và cả xã hội trong nhiều thập niên qua.

Hệ thống trường chuyên, lớp chọn đã tồn tại lâu như vậy thì không thể không có những điểm hấp dẫn và vượt trội trên phương diện sư phạm lẫn hướng nghiệp. Đầu tiên, sinh viên không bị học lệch vì ngoài việc được trang bị kiến thức cơ bản, họ còn được hưởng một chương trình đa ngành. Nghĩa là trong hai năm học đó, bạn chọn chuyên ngành toán hay khoa học tự nhiên khác thì cũng không thua kém về kiến thức triết học hay văn chương, lịch sử nghệ thuật. Bạn cũng được trợ giúp để xây dựng kế hoạch cá nhân hay dự định nghề nghiệp. Bạn được rèn luyện những kỹ năng phân tích, tổng hợp và phản biện ở cả diễn văn và diễn ngôn.

Ngoài nắm vững kiến thức chuyên môn thuần túy, bạn phải có những “năng lực mềm” này để dễ dàng và nhanh chóng thăng chức sau vài năm đi làm vì khả năng tìm được việc làm với vị trí phù hợp là không hề khó khi bạn tốt nghiệp từ một Trường Lớn. Kết quả điều tra xin việc làm của sinh viên tốt nghiệp trường lớn (Conférences des Grandes Ecoles, tháng 6/2013) cho thấy năm 2012, 81,5% sinh viên tìm được việc làm sau vài tháng tốt nghiệp. Khả năng thích ứng với môi trường làm việc của bạn cũng tốt vì hệ thống CPGE đã đào luyện bạn trong cạnh tranh, thành tích và ý thức về sự xuất sắc.

Nhưng CPGE cũng bị chỉ trích mạnh ở chính bản chất giáo dục tinh hoa và gây bất bình đẳng xã hội. Hai đặc điểm này gắn kết như nguyên nhân và hệ quả của một vấn đề. Năm 2011, sinh viên bậc đại học trên toàn quốc xuất thân bình dân chiếm 33,8% và 42,8% đến từ giới trung lưu. Cũng năm này, ở hệ CPGE, 26% sinh viên xuất thân bình dân và 62% sinh viên từ giới trung lưu (Dutercq và Masy, Nguồn gốc xã hội của sinh viên Lớp dự bị vào Trường Lớn, CNESCO, 2016).

Ví dụ, ở phân ban văn chương – khoa học xã hội, chỉ 12% sinh viên xuất thân bình dân. Thực tế này cho thấy những sinh viên này thiếu hẳn “vốn văn hóa” mà họ không được thừa hưởng từ cha mẹ.

Ba yếu tố sau khiến cho CPGE vẫn phát triển nhưng trong một cuộc “nội hôn dòng tộc” hay “cha truyền con nối”: Hiện tượng tự kiểm duyệt từ phụ huynh đa số thuộc tầng lớp bình dân vì tin rằng không đủ khả năng với tới; thua thiệt tài chính vì e không đủ tiền trang trải việc học hành và bất bình đẳng địa lý là hệ quả của bất bình đẳng xã hội vì con cái sinh trưởng ở môi trường nông thôn, khu công nghiệp hay ngoại ô nghèo thì khả năng tiệm cận với CPGE là gần như zéro.

Mối lo ngại trên phương diện chính trị và chính sách giáo dục về mô hình giáo dục tinh hoa này đã được bàn thảo ngay từ thập niên 1970, nhưng chỉ đến những năm 2000 thì hàng loạt nghiên cứu, khảo sát, điều tra, báo cáo được thực thi giúp chính phủ có một điểm tựa về học thuật và thực chứng để đưa ra một loạt biện pháp đồng bộ nhằm cải thiện.

Từ năm 2005, chính sách quốc gia mở rộng biên độ xã hội cho hệ CPGE xoay quanh hai trục chính: đa dạng hóa nguồn gốc xã hội của sinh viên và những phân ban sát hạch cao (khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn) phải nới rộng khả năng tiếp nhận sinh viên từ tầng lớp bình dân.

Từ đây, các biện pháp được cụ thể hóa như sau: Chiến dịch thông tin và truyền thông (điều kiện nhập học, tài chính…) để trợ giúp sinh viên theo đuổi hệ đại học xuất sắc; khai sinh Les Cordées de la réussite năm 2008 – chương trình hợp tác giữa các cơ sở đại học với trường trung học ở 215 địa bàn được Nhà nước ưu tiên để đồng hành và đỡ đầu học sinh; đặt mục tiêu 30% sinh viên có học bổng ở các trường lớn, ưu tiên nhận sinh viên vào khối ngành công nghệ…

Nỗ lực tầm quốc gia và các sáng kiến của một vài trường lớn được Viện Montaigne và Cartes sur table đánh giá kết quả khá thận trọng, vì “vẫn có quá ít sinh viên xuất thân từ tầng lớp bình dân” (một vài phần trăm) và “sự đa dạng hóa việc tuyển sinh viên vấp phải những thói quen và nhận định của CPGE vốn chẳng thay đổi theo thời gian”. Việc này khiến sinh viên đến từ khu vực bình dân không thoải mái trước những định kiến của sinh viên “truyền thống” ở CPGE.

Từ thập niên 1970, nền đại học Pháp phát triển liên tục cả về số lượng và chất lượng, nhưng đó là sự dân chủ hóa phân ly (démocratisation ségrégative) tạo nên một nền đại học bất bình đẳng. Vì bậc này tạo ra hai nhánh song song: các trường đại học (tổng hợp) tiếp nhận tất cả tú sinh và Trường Lớn lọc sinh viên từ “phòng chờ” CPGE. Nhánh hai là thiểu số “đắt đỏ”, nhánh một là đa số “giá rẻ”.

Tại sao tất cả trường học không thể là những “Grammar-Gifted-Talented School” trong khi mỗi học sinh đều là những cá thể năng khiếu và tiềm năng như khoa học thần kinh đã chứng minh? Đầu tư tiếp hay hủy bỏ hệ thống “trường chuyên lớp chọn” ở Việt Nam sẽ là một quyết định không đơn giản ở tầm nhìn quốc gia vì nó gắn với câu hỏi mà chúng ta và hậu thế phải trả lời “Chúng ta cần giới élite Việt nào trong tương lai?”.

Số phận của hệ thống trường chuyên ở Việt Nam chỉ có thể được định đoạt khi chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo có đầy đủ thống kê và dữ liệu, nhận định của các ngành kinh tế học, xã hội học, giáo dục học hay nhân học về lịch sử tồn tại của hệ thống này. Từ những kết quả này, cộng với chiến lược quốc gia về phát triển nhân lực nói chung và giáo dục – đào tạo nói riêng, chính phủ mới có thể ra quyết định trong sự dân chủ học thuật.

Ngay từ 1953, Pierre Mendès-France, khi chưa là Tổng thống mà mới là đại biểu tỉnh l’Eure, đã tìm cách giảm bớt sự cách biệt giữa trường lớn và đại học, nhưng vô hiệu. Trong thập niên 1970, chính sách của phái tả cũng đi theo chiều hướng này. Nhưng cũng không mang lại thành quả nào. Năm 2010, đến lượt Vincent Peillon, đại biểu Âu châu đảng xã hội, yêu cầu bãi bỏ hệ thống trường lớn mà ông cho là tốn kém, không hiệu quả và mang tính “nội hôn”. Hai năm sau, khi ông nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục thì dự án này củ ông cũng không thành.

Nguyễn Thụy Phương
Phó giám đốc EduNet – AVSE-Global

Nguồn bài viết

Bài trướcSố liệu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc ‘đầy tính hư cấ‌u’?
Bài tiếp theoLàm thế nào để phâ‌n biệt nho xanh Ninh Thuận và nho xanh Trung Quốc?