Australia tiết kiệm một tỷ AUD khi chuyển sang tiền polymer

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) vừa công bố nghiên cứu về việc chuyển đổi tiền giấy sang tiền polymer kể từ khi phát hành bộ tiền mới bằng chất liệu polymer đầu tiên trên thế giới giai đoạn 1992 – 1996. Theo đó, hoạt động này đã giúp RBA tiết kiệm ròng gần một tỷ AUD trong vòng 25 năm qua (con số này đã được điều chỉnh theo các giá trị lạm phát).

Để tiến hành phân tích chi phí – lợi ích một cách công bằng, RBA đã so sánh chi phí in tiền polymer so với chi phí in tiền giấy cotton. 

Tiền Australia Polymer.

Tiền Australia Polymer.

Theo RBA, chi phí in trên giấy polymer nói chung cao hơn so với chất liệu giấy cotton. Tuy nhiên, tiền polymer có tuổi thọ dài hơn rất nhiều so với tiền giấy, ví dụ trong trường hợp của Australia, tiền giấy có xu hướng cũ nát đi sau sáu tháng đến một năm. Tuổi thọ của tiền polymer giúp giảm chi phí sản xuất liên tục và theo đó chi phí vận chuyển, xử lý, tiêu hủy và chi phí sản xuất cũng giảm theo thời gian.

Động lực ban đầu khi phát triển chất liệu polymer thay thế tiền giấy của RBA là tăng cường khả năng chống giả, nhưng thực tế cho thấy tiền polymer thế hệ đầu tiên của Australia không chỉ nổi bật ở khả năng chống giả mà còn có tuổi thọ dài hơn rất nhiều so với chất liệu cotton.

Với bộ tiền polymer đầu tiên của Australia, mức tiết kiệm chủ yếu đến từ việc phát hành tiền polymer mệnh giá $5, $10 và $20 và $50, trong khi mệnh giá 100$ thì không đáng kể do chi phí nâng cấp lớn và không được sử dụng nhiều trong lưu thông.

Việt Nam là một trong những nước tiên phong sử dụng công nghệ in tiền polymer với việc phát hành bộ tiền polymer đầu tiên vào năm 2003. Cho đến nay, công nghệ in tiền polymer trở nên phổ biến trên thế giới và được nhiều nước sử dụng, trong đó có hai thành viên của G7 là Canada (từ 2011) và Anh (từ 2016) chuyển đổi hoàn toàn từ tiền giấy cotton sang tiền polymer.

Thảo Miên (Theo RBA)

Nguồn bài viết

Bài trướcAsus ROG Phone 3 rò rỉ với cấu hình cực khủng | Công nghệ
Bài tiếp theoHà Nội: 100% giáo viên tiếng Anh đạt ‘chuẩn Việt Nam’ sẽ phải thi IELTS | Giáo dục