‘Át chủ bài’ trong kế hoạch thống lĩnh sản xuất smartphone của Ấn Độ

PLI – Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất trong lĩnh vực điện tử được xem là “át chủ bài” trong kế hoạch “Make in India” của Ấn Độ.

Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) được Chính phủ Ấn Độ công bố đầu tháng 4 nhằm khuyến khích thu hút đầu tư và sản xuất trong nước mặt hàng điện thoại di động và điện tử khác và đến nay bắt đầu có hiệu quả.

Economic Times (Ấn Độ) cho hay, các nhà cung cấp của Apple là Pegatron, Foxconn, Wistron và Samsung nằm trong số 22 công ty đã cam kết đầu tư thuộc chương trình PLI nhằm đưa Ấn Độ trở thành trung tâm xuất khẩu điện thoại thông minh cạnh tranh với các cường quốc điện tử ở Đông Bắc Á.

Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad cho biết hôm 18/8, các công ty đã cam kết sản xuất điện thoại di động và linh kiện trị giá 12.000 tỷ Rupee (khoảng 160 tỷ USD) trong 5 năm tới. Trong đó, 7.000 tỷ Rupee sản phẩm sẽ được xuất khẩu. Ông cũng nói rằng động thái này không chỉ thúc đẩy sản xuất trong nước mà còn cung cấp 12.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Dẫn nguồn tin từ chính phủ, hãng thông tấn PTINews (Ấn Độ) cho hay, riêng Samsung đang nghiên cứu sản xuất điện thoại di động trị giá 3.700 tỷ Rupee ở Ấn Độ trong 5 năm tới. Samsung sẽ sản xuất điện thoại thông minh trị giá 2.200 tỷ Rupee, có giá trên 15.000 Rupee (200 USD) mỗi chiếc.

Sự xuất hiện đúng lúc của PLI

PLI đi cùng hai đề án khác là hỗ trợ sản xuất linh kiện điện tử và chất bán dẫn, và đề án cụm sản xuất điện tử sửa đổi (EMC 2.0). Các chương trình này đưa ra các ưu đãi khoảng 500 tỷ Rupee trong 5 năm tới, có hiệu lực từ 1/8.

Những ngày qua, thành tích của PLI được giới chuyên gia và truyền thông Ấn Độ ca ngợi là một cú hích lớn của chương trình “Make in India” mà Thủ tướng Narendra Modi công bố vào tháng 9/2014. Mục tiêu của “Make in India” là biến Ấn Độ thành trung tâm công nghiệp toàn cầu, khuyến khích các công ty trong lẫn ngoài nước sản xuất sản phẩm ngay tại Ấn Độ, thu hút vốn đầu tư quốc tế và tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân.

“Những kế hoạch này cũng sẽ hỗ trợ to lớn cho lời kêu gọi của Thủ tướng trong việc phục hồi cơ cấu kinh tế bằng cách làm cho nền kinh tế tự chủ”, hãng tư vấn Nangia Andersen LLP (Ấn Độ) nhận định.

Công nhân lắp ráp điện tử trong một nhà máy ở Noida, Ấn Độ ngày 12/5. Ảnh: Reuters

Công nhân lắp ráp điện tử trong một nhà máy ở Noida, Ấn Độ ngày 12/5. Ảnh: Reuters

PLI được đưa ra vào thời điểm các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được vẽ lại, tạo ra cơ hội để định hình lại nguồn cung cấp hàng hóa sản xuất cho thế giới. “Thời điểm của kế hoạch PLI là rất chiến lược và thông minh. Ấn Độ đã và đang thu hút các ngành sản xuất chuyển đến đó. Vấn đề đặt ra là hoạt động sản xuất sâu đến mức nào”, Jim Cathey, Chủ tịch Qualcomm Global Business nhận xét.

Các công ty toàn cầu đã chuyển cơ sở của họ ra khỏi Trung Quốc do hậu quả của đại dịch. Ngày càng nhiều công ty đang tìm cách thành lập các đơn vị sản xuất của họ ở các nước Nam Á khác, mà Ấn Độ là một trong số đó. Trên thực tế, 8-9 dây chuyền sản xuất đã chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ trong đại dịch Covid-19.

Một số công ty công nghiệp phụ trợ cũng đã nộp đơn xin thành lập các nhà máy sản xuất linh kiện. Theo ông Cathey, Ấn Độ có tất cả yếu tố phù hợp để sản xuất linh kiện như chất bán dẫn, DRAMS, bộ vi xử lý, xưởng đúc và thậm chí sản xuất màn hình phẳng.

“Ấn Độ có một lực lượng lao động lớn, năng lượng chi phí thấp và nguồn cung cấp nước dồi dào. Đó là một số thành phần cơ bản để đưa vào các ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng bây giờ phần tiếp theo đã đến, cần nhiều thời gian hơn để làm điều đó. Và nó phải là một phần của các chiến lược trung và dài hạn trong tương lai”, ông ví dụ về ngành bán dẫn.

Sản xuất di động ‘bứt tốc’ ở Ấn Độ

Ấn Độ hiện là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và khoảng 300 triệu điện thoại đã được lắp ráp tại đây chỉ trong năm 2019. Số lượng nhà máy sản xuất và lắp ráp điện thoại di động trong nước đã tăng từ chỉ hai trong năm 2014 lên khoảng 100 vào năm 2019.

“Các nhà sản xuất linh kiện và OEM toàn cầu đang ngày càng lựa chọn việc thiết lập hoặc mở rộng cơ sở của họ ở đây. Các thương hiệu trong nước cũng được đẩy mạnh. Số lượng lớn đơn vị nộp đơn vào chương trình PLI đã nói lên tất cả, “Jaideep Ghosh, Giám đốc điều hành Shardul Amarchand Mangaldas & Co, một hãng luật tại New Delhi nhận định.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có ý nghĩa tích cực đối với ngành sản xuất thiết bị cầm tay ở Ấn Độ. Theo Counterpoint, Trung Quốc đã mất việc lắp ráp cho khoảng 200 triệu điện thoại cho Ấn Độ và Việt Nam vào năm ngoái. Theo thời gian, dự kiến một phần hoạt động sản xuất thiết bị cầm tay có thể sẽ chuyển sang Ấn Độ và Việt Nam.

Utkarsh Sinha, Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư Bexley Advisors, nhận xét kế hoạch PLI là một sáng kiến chính sách đặc biệt hiệu quả, mang lại động lực trực tiếp dựa trên chi phí cho các nhà sản xuất chuyển đến Ấn Độ. “Điều này cần đi đôi với những cải tiến về thuế nhập khẩu linh kiện và xuất khẩu sản phẩm để thực sự hạ thấp các rào cản đối với ngành sản xuất”, ông khuyến nghị.

Tuy nhiên, ông Sinha cũng thừa nhận Ấn Độ “có khoảng cách sâu sắc về năng lực sản xuất đối với hàng hóa công nghệ cao hơn, nhưng khoảng cách đó có thể được thu hẹp thông qua các sáng kiến chính sách phối hợp như PLI”.

Tại Ấn Độ, việc gia tăng lắp ráp thiết bị cầm tay đã giúp giá trị gia tăng trong sản xuất thiết bị cầm tay tăng từ 10% năm 2017 lên 17% năm 2018. Con số này dự kiến tăng lên 25% trong những năm tới. Theo Counterpoint, trong số 14 tỷ USD linh kiện được sử dụng trong điện thoại di động, khoảng 1,4 tỷ USD có nguồn gốc trong nước vào năm 2018.

Theo vị chuyên gia này, Ấn Độ phải kiên nhẫn với cuộc hành trình và chào đón các cơ hội lắp ráp cho các nhà sản xuất toàn cầu, cho đến khi năng lực cung ứng liên quan tăng lên theo thời gian.

“Tất cả nền kinh tế sản xuất đều thực hiện các bước tương tự: con đường dẫn đến sự xuất sắc về công nghệ sâu và chuyên môn trong lĩnh vực bắt đầu với cái mà tôi gọi là ‘nền kinh tế tuốc nơ vít’, nơi các cơ sở lắp ráp chi phí thấp mở đường sự phát triển về quy mô và giá trị theo thời gian”, ông nói.

‘Thỏi nam châm’ Ấn Độ – Trung Quốc – Việt Nam

Ấn Độ là một điểm đến rất hấp dẫn đối với những nhà sản xuất từ Trung Quốc và Đài Loan vì nước này đang cố gắng khuyến khích các công ty sản xuất tại Ấn Độ theo chương trình “Make in India”. Sự khác biệt về thuế là một yếu tố chính trong việc thu hút các công ty sản xuất linh kiện ở Ấn Độ.

“Tôi là một người quan sát sâu sắc về bối cảnh sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ trong mười lăm năm qua, là một phần của một số sáng kiến trong ngành”, Jaideep Ghosh của Shardul Amarchand Mangaldas & Co, nói rằng tốc độ phát triển của ngành công nghiệp này trong vài năm qua là “chưa từng có và đáng khích lệ”.

Một người dùng smartphone tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Một người dùng smartphone tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ cũng mang đến một cơ hội thị trường nội địa rất lớn. Các hãng đã có thể tận dụng tối đa tâm lý chống Trung Quốc vì hiện tại không có nhiều lựa chọn thay thế cho điện thoại Trung Quốc.

Như Samsung cũng đã thiết lập các dây chuyền lắp ráp công suất cao, một phần để đón đầu nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ. Khoảng 65% sản phẩm của Samsung ở Ấn Độ được xuất khẩu đến UAE, Nga, Nam Phi…Tất cả điều này đã giúp Samsung đón được nhu cầu khổng lồ trong thời kỳ đại dịch. Đây là công ty đầu tiên hoạt động lại 100% công suất ở Ấn Độ.

“Nhưng liệu có sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực sản xuất điện tử từ Trung Quốc sang Ấn Độ hay không là điều khó xác định”, ông Jaideep Ghosh nói.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nội địa và hạ tầng sản xuất lớn hơn Ấn Độ. Chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc – nơi đã xây dựng nên một hệ sinh thái khổng lồ gồm các nhà cung cấp hậu cần và linh kiện sẽ là một quá trình “đau đớn và khó khăn”, theo một nhà cung cấp từng được Nikkei trích lời.

Đất nước này có một lực lượng lao động khổng lồ gồm các công nhân lành nghề và cơ sở hạ tầng linh hoạt, ít gặp phải các vấn đề như thiếu điện, vốn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nhà sản xuất lớn. Ngoài ra, một trong những quy tắc cơ bản của chuỗi cung ứng là làm cho chúng càng ngắn càng tốt.

Chuyển một bước sản xuất như lắp ráp đầu cuối ra ngoài Trung Quốc sẽ làm tăng thêm thời gian và chi phí vận chuyển. “Trung Quốc có cơ sở hạ tầng hoàn hảo về vật tư thượng nguồn và bán hàng tại đó”, Joerg Wuttke, Chủ tịch EuroCham tại Trung Quốc nhận định vào đầu năm.

Trong khi đó, Việt Nam – nhà lắp ráp và xuất khẩu điện thoại lớn nhất Đông Nam Á, cũng là một “thỏi nam châm” thu hút đầu tư có thể đặt lên bàn cân để Ấn Độ quan sát. Việt Nam có vị trí rất thuận lợi, đặc biệt là khi nước này có các hiệp định thương mại mạnh mẽ với Hàn Quốc và Liên minh châu Âu. Ấn Độ không có các thỏa thuận tương tự.

Việt Nam cũng đã nổi lên như một trung tâm sản xuất điện thoại thông minh. Samsung đã và đang tận dụng thuận lợi ở đây. Hơn 50% điện thoại thông minh do Samsung sản xuất tại Việt Nam đang được xuất khẩu. LG, Nokia và gần đây là Apple đã chuyển các cơ sở của họ sang Việt Nam.

Nhưng Ấn Độ có lợi thế hơn so với Việt Nam ở thị trường nội địa khổng lồ, với dân số hơn 1,3 tỷ người và số lượng người dùng dữ liệu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, về mặt hậu cần, Ấn Độ có vị thế tốt hơn để vận chuyển điện thoại đến các nước châu Phi và Trung Đông khác.

Phiên An (tổng hợp)

Nguồn bài viết

Bài trướcDoanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ tăng mạnh trong đại dịc‌h
Bài tiếp theoGần 225 tỉ đồng hỗ trợ Chương trình mục tiêu giảm nghèo