Kiến nghị lập đoàn kiểm tra thu học phí của trường quốc tế

TP HCMSở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thu học phí của toàn bộ các trường quốc tế.

Chiều 26/5, tại buổi họp báo về hoạt động một số trường quốc tế, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Lê Hoài Nam, cho biết đoàn kiểm tra liên ngành mà sở kiến nghị sẽ bao gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thanh tra thành phố, Cục thuế…

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trả lời tại buổi họp báo chiều 26/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trả lời tại buổi họp báo chiều 26/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Động thái này được đưa ra do thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được nhiều đơn phản ánh của phụ huynh về việc thu học phí online của các trường Quốc tế Việt Úc (VAS), Quốc tế Úc (AIS), Sao Việt… khi nghỉ chống dịch. 

Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Covid-19 tạo tiền lệ chưa từng có cho ngành giáo dục. Nhiều trường học phải chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến nên không thể đạt hiệu quả tốt nhất. “Việc điều chỉnh học phí của trường quốc tế phải hài hòa lợi ích giữa hai bên và phù hợp với các quy định về đầu tư, phí, giá”, ông Nam nói.

Sau Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn các trường về các khoản thu, trong đó lưu ý học phí trường ngoài công lập phải công khai, thỏa thuận với phụ huynh. Về mặt pháp lý, việc thu học phí và quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục được điều chỉnh bởi Nghị định 86

Khoản thu học phí online trong thời gian nghỉ chống dịch online cần có sự thỏa thuận của hai bên bởi đây là một phát sinh trong hợp đồng dân sự giữa phụ huynh và trường. Khi không thỏa thuận được, phụ huynh có quyền không sử dụng dịch vụ hoặc nhà trường từ chối cung cấp dịch vụ.

Theo ông Nam, hiện thành phố có hơn 20 trường ngoài công lập có vốn đầu tư nước ngoài (gọi là trường quốc tế) và mở cơ sở dạy học ở khắp thế giới. Do đó khi muốn thay đổi học phí, chủ đầu tư phải tính toán đồng bộ giữa các trường ở nhiều nước khác nhau, không thể giải quyết riêng rẽ nên có sự chậm trễ.

Khoảng 40 phụ huynh đến trường, phản đối chính sách thu học phí thời gian nghỉ phòng chống Covid-19 tại trường Quốc tế Mỹ (quận 2, TP HCM) chiều 11/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Khoảng 40 phụ huynh đến trường, phản đối chính sách thu học phí thời gian nghỉ phòng chống Covid-19 tại trường Quốc tế Mỹ (quận 2, TP HCM) chiều 11/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trước đó, trong tháng 5, hơn 200 phụ huynh trường VAS kéo lên cơ sở trường ở đường Ba Tháng Hai (quận 10) phản đối chính sách học phí online của trường trong thời gian nghỉ chống dịch. Đại diện phụ huynh và trường có buổi làm việc hơn 12 tiếng nhưng không đi đến thống nhất. Hiện, phụ huynh VAS chuẩn bị hồ sơ kiện trường.

Tương tự, 40 phụ huynh trường AIS cũng hai lần kéo lên trường, đề nghị trường đối thoại về học phí. Một nhóm 40 phụ huynh trường Quốc tế Mỹ (TAS) cũng yêu cầu trường hoàn học phí trong thời gian nghỉ chống dịch nhưng hai bên chưa đạt được thoả thuận.

Bà Đinh Trung Hà (đại diện nhóm phụ huynh phản đối VAS) cho rằng, sở dĩ  trường và phụ huynh chưa có tiếng nói chung vì cha mẹ học sinh vẫn muốn tính lại học phí đúng thực tế mà con họ nhận được. Trường đưa ra mức thu học phí online mùa dịch nhưng không có thỏa thuận với phụ huynh.

“Chúng tôi muốn thay đổi tư duy của các trường. Thay vì áp đặt chính sách lên phụ huynh, họ phải công khai, thỏa thuận, xem chúng tôi như khách hàng”, bà Hà nêu quan điểm.

Mạnh Tùng