Giữa vùng núi rừng Nhất Sơn (Hòa Hội) heo hút, ngôi nhà của ông Vũ rộng thoáng, râm mát dưới bóng cây ăn trái. Bên hông nhà là cơ xưởng với hàng loạt máy cày, máy trồng mía, máy bơm nước, xe tải và cả chiếc xe con đời mới. Đã 20 năm rồi,
gia đình ông Vũ sống ở nơi “thâm sơn” này.
Ông Vũ cho biết, gia đình đông anh em, học đến lớp 10 ông phải nghỉ giữa chừng vì cha bệnh nặng. Từ 15 – 20 tuổi là quãng đời ông phải làm thuê cơ cực để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học. Sau đó, ông theo một số người đi buôn bán vật tư nông nghiệp, nông sản. Lập gia đình, vợ chồng ông mở dịch vụ máy gạo, làm đất thuê.
“Làm đủ thứ nhưng
cuộc sống chỉ đắp đổi. Gần 30 tuổi, tôi quyết đưa cả nhà lên vùng núi rừng Nhất Sơn để “đóng đô”. Vợ chồng tôi dốc vốn mua đất, bởi thấy nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển cây mía. Hồi đó, bà con
trồng mía chủ yếu “giao phó ông trời” nên năng suất bấp bênh. Qua tìm hiểu nhiều nơi, tôi quyết chú trọng vào khâu làm đất, rồi mua cả máy trồng mía, chủ động tìm giống tốt, đưa nước tưới mía. Tiếp đó, tôi tìm cách ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty mía đường KCP Sơn Hòa (Phú Yên) để nắm chắc đầu ra sản phẩm”, ông Vũ nói.
Vụ mía năm 2003, gia đình ông Vũ đạt lợi nhuận gần 29 triệu đồng. Cầm cục tiền lớn lúc đó, vợ chồng ông quyết định đổ hết vào mua thêm đất rẫy, máy cày để mở rộng diện tích mía. “Đất đẻ ra đất”, cứ thế diện tích mía nhà ông có lúc đã đạt gần 100 ha, liên tục nhiều năm được Công ty
mía đường KCP Sơn Hòa công nhận là đối tác bán mía nhiều nhất, người có diện tích mía cao nhất Phú Yên. Không dừng lại ở cây mía, ông Vũ tiếp tục mua thêm đất, chuyển một số diện tích sang trồng sắn, trồng rừng nguyên liệu gỗ.
“Điều quan trọng là nắm bắt cơ hội
kinh doanh và phải ký kết cho được đầu ra rồi mới tiến hành làm. Tôi không muốn thấy nông sản mình làm ra phải bị thất thế như ép giá, ế ẩm… Lúc này, tôi thấy không thể “dốc hết” cho cây mía nên đã linh hoạt chuyển sang một số cây trồng khác, nhất là đầu tư trồng rừng để… dưỡng già. Ngoài ra, gần 10 xe tải, máy cày làm dịch vụ cũng đang đem lại nguồn thu khá ổn định. Vợ tôi hiện vẫn làm ở Trạm y tế Hòa Hội. Vợ chồng có hai con nhỏ, cứ cuối tuần là tôi lái xe đưa cả nhà vi vu đi chơi… Cuộc sống nơi vùng xa nhưng rất đủ đầy, thoải mái”, ông Vũ vui vẻ chia sẻ.
Nói về ông Vũ, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, nhìn nhận: “Ông Vũ là người quyết đoán, đi đầu trong việc đầu tư máy cơ giới vào làm nông nghiệp,
thâm canh tưới mía. Ông Vũ rất chịu khó học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả, luôn tìm cách ký kết đầu ra sản phẩm nên hạn chế được rủi ro. Những năm gần đây, công
việc làm ăn kinh doanh của gia đình ông Vũ luôn đạt lợi nhuận 1,5 – 2 tỉ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 100
lao động tại địa phương; được nhiều cấp công nhận là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi”.