Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) và Bộ Y tế đã công bố
ứng dụng di động Bluezone dùng công nghệ định vị bluetooth truy vết các trường hợp F1, F2 ở khu xuất hiện các ca dương tính với
SARS-CoV-2. Để hiểu rõ về công dụng của ứng dụng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Linh, trưởng nhóm/cha đẻ của ứng dụng Bluezone.
*
Ông có thể cho biết, ý tưởng và lý do vì sao ra đời của ứng dụng này?
Ý tưởng này ra đời từ đầu tháng 3.2020, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành,
Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp: Chống dịch như chống giặc. Khi đó trong lòng mỗi chúng tôi, ai cũng khao khát làm được việc gì đó có ích cho Tổ quốc, cho cộng đồng. Người thì muốn mời một nhạc sĩ tên tuổi viết bài hát chống dịch, người thì muốn quyên góp làm từ thiện…
Đây là ứng dụng đầu tiên trên nền tảng công nghệ giúp truy vết F1, F2
Rồi cơ duyên xuất hiện khi một thành viên trong nhóm lóe lên ý nghĩ có thể sử dụng công nghệ Bluetooth để phát hiện F1, F2 trong
phòng chống dịch Covid-19. Từ đó cả nhóm quyết định lao vào nghiên cứu đề án từ con số 0 tròn chĩnh, với bao thách thức, từ việc viết phần mềm đến việc thích ứng với mọi thiết bị của cả 2 hệ điều hành Android và iOS, vốn là những đối thủ không đội trời chung. Ngoài nhóm MemoZone gồm 4 thành viên chính với tôi là trưởng nhóm, bà Phạm Thu Hằng – Chủ nhiệm dự án, ông Đào Trần Bằng – Trưởng bộ phận phần mềm, ông Lê Hồng Long – Trưởng bộ phận thiết bị và 10 kỹ thuật viên thì chung tay với chúng tôi có Công ty cổ phần Bất động sản Đông Dương, đơn vị tình nguyện tài trợ kinh phí.
*Ứng dụng này hoạt động như thế nào và có tác dụng gì thưa ông?
– Thông qua tương tác Bluetooth giữa các điện thoại thông minh, ứng dụng cho phép lưu lại lịch sử tiếp xúc giữa các điện thoại trong phạm vi gần. Khi một người bị phát hiện là F0, toàn bộ lịch sử tương tác trong vòng 14 ngày trước đó sẽ chuyển về trung tâm xử lý, từ đó phát tin nhắn cảnh báo cho những người đã từng tiếp xúc gần F0 trong khoảng thời gian 10 phút để họ tự cách ly, đến xét nghiệm tại các trung tâm y tế.
Giải pháp này không xâm phạm đến quyền riêng tư vì các số điện thoại chuyển thành mã định danh, lưu trong điện thoại người sử dụng, chỉ khi F0 phát lên trung tâm xử lý, mã định danh mới chuyển thành số điện thoại để gửi tin nhắn cảnh báo cho các đối tượng bị nghi lây nhiễm. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đây có thể xem là giải pháp tiên tiến, duy nhất có thể áp dụng đến lúc này. Nếu ứng dụng này thành công, các trường hợp nghi lây nhiễm như quán Bar Buddha,
Bệnh viện Bạch Mai sẽ tìm thấy hết, khắc phục được những bất cập như phương pháp thủ công đang áp dụng.
*Khi bắt tay vào “viết” ứng dụng này, nhóm của ông có gặp trở ngại gì không?
– Trong quá trình làm việc, nhất là ở công đoạn cuối cùng, chúng tôi phải giải quyết làm sao để các điện thoại mang hệ điều hành iOS ở trạng thái background có thể “nhìn thấy nhau”. Nhưng hệ điều hành không cho phép thực hiện điều đó và tất cả các quốc gia đang nghiên cứu đều bất lực trước vấn đề trên. Lại là những đêm không ngủ tìm tòi. Cuối cùng, một thành viên của nhóm đã tìm ra giải pháp: chỉ cần một điện thoại Android xuất hiện, do android có thể “nhìn thấy” mọi iOS ở mọi trạng thái nên có thể nhìn giúp các iOS đó, tức là Android sẽ gửi các mã định danh của các iOS xung quanh cho từng iOS. Do Android chiếm tỷ lệ khoảng 75% trên thị trường Việt Nam nên giải pháp này hoàn toàn khả thi.
Một phút ngẫu hứng trong quá trình làm việc của các thành viên trong nhóm
Tương tự, nếu không có Android, chỉ cần một iOS “thức”, nó sẽ làm công việc tương tự như Android để giải quyết bài toán trên. Ngày 15.4.2020, dự án hoàn tất những công đoạn cuối cùng và theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT-TT, chúng tôi tức tốc ra Hà Nội để rà soát, kiểm tra ứng dụng và ngày 17.4 ứng dụng của chúng tôi đã đoạt giải nhất.
*Những yếu tố nào đã giúp biến ý tưởng thành hiện thực trong thời gian ngắn như vậy, thưa ông ?
– Cùng với sự đồng hành của lãnh đạo Chính phủ, các tập đoàn lớn như VNPT, Mobiphone, BKAV… đề án còn nhận được sự quan tâm của Bộ TT-TT, khi đích thân Bộ trưởng và Cục trưởng Cục Tin học hóa đã tiếp cận, lắng nghe, góp ý cho đề án. Sau đó là những đêm không ngủ với biết bao trăn trở, thách thức với cả nhóm. Có người mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ. Họ đã động viên nhau bằng câu nói nổi tiếng của Paven Coocsaghin: “Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”. Họ truyền cho nhau tinh thần của bài hát Tự nguyện với thông điệp sẵn sàng: “Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”!
Chưa bao giờ có một không khí làm việc sôi nổi, lành mạnh đến như vậy bởi đơn vị nào cũng muốn đóng góp công sức của mình để phục vụ nhân dân với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Tôi cũng đã chứng kiến các cán bộ của Cục Tin học hóa ngày nào cũng làm việc đến nửa đêm, tôi ăn với họ bữa chiều lúc 22 giờ đêm bằng miếng
bánh mì nuốt vội… Đúng như lời của Bộ trưởng: “Họ làm việc bằng danh dự, bằng tinh thần của người chiến sĩ”.