HomeThương trườngKhó khăn bủa vây nông dân Mỹ

Khó khăn bủa vây nông dân Mỹ

Biến đổi khí hậu, căng thẳng về tài chính và Covid-19 khiến tình trạng trầm cảm và tự tử của nông dân Mỹ tăng.

Cách Madison – thủ phủ bang Wisconsin một giờ lái xe, những con bò đi lang thang trên sườn đồi và những rặng ngô bao quanh các con đường ngoằn ngoèo. Thị trấn Loganville chỉ có 300 người, là vùng nông thôn nhưng lại có ít trang trại hơn trước đây.

Randy Roecker, nông dân chăn nuôi bò sữa ở địa phương, thỉnh thoảng lái xe xung quanh để đếm số ít nông trại may mắn còn sót lại. Nhớ lại thời kỳ Đại suy thoái, Roecker từng lo lắng cho cơ hội của mình. Ông đã từng định tự tử khi chìm trong nợ nần.

Nhưng đến khi một trong những hàng xóm, Leon Statz, tự sát vào năm 2018 thì ông mới nhận ra những nông dân khác cũng đang phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm. Ngay sau đó, ông tổ chức ra Farmer Angel Network, một nhóm hỗ trợ các gia đình nông dân địa phương.

Theo báo cáo đầu năm nay của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nông dân và chủ trang trại tự tử ở mức gần gấp ba lần tỷ lệ quốc gia. Mặc dù con số này gây sốc nhưng tỷ lệ tự tử cao ở nông dân không phải mới. Vấn đề này bắt đầu ít nhất từ những năm 1980, khi lãi suất cao và xuất khẩu giảm đã đẩy nông nghiệp vào khủng hoảng.

Hơn nữa, “có những thứ tồn tại lâu nay trong nông nghiệp cũng gây nên căng thẳng,” Alicia Harvie, Chuyên gia tại Farm Aid, một tổ chức phi lợi nhuận cho biết. Không giống như công nhân, người lao động khác, nông dân phải phụ thuộc vào thị trường, thương mại và thời tiết.

Nông dân Mỹ trên một cánh đồng đậu tương. Ảnh: Reuters

Nông dân Mỹ trên một cánh đồng đậu tương. Ảnh: Reuters.

Josie Rudolphi, Giáo sư về sức khỏe và an toàn nông nghiệp ở Đại học Illinois đã khảo sát 170 nông dân và chủ trang trại trẻ trên khắp vùng Trung Tây vào năm 2018. Ông nhận thấy 53% người được hỏi có các dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng. Theo Viện Sức khỏe Tinh thần Quốc gia, chỉ có khoảng 7% người Mỹ trưởng thành thừa nhận từng trải qua giai đoạn trầm cảm mỗi năm. Công việc đồng áng cũng có thể gây làm tăng nguy cơ. Bởi lẽ, dành nhiều thời gian trên những cánh đồng có thể làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và tuyệt vọng.

Theo CDC, những người Mỹ có khả năng tự tử cao nhất là những đàn ông da trắng hoặc bản địa lớn tuổi sống ở các vùng nông thôn. Điều tra số nông dân gần đây nhất cho thấy 97% “người sản xuất nông nghiệp” là người Mỹ da trắng hoặc thổ dân, 64% là nam giới và độ tuổi trung bình là 57. 34% hoàn toàn ở độ tuổi 65 trở lên.

Tự tử cũng là vấn đề của nông dân ở nhiều quốc gia. Ấn Độ, Australia và Anh, cho biết có xu hướng tương tự trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nước Mỹ khác biệt ở chỗ tỷ lệ tự tử trên toàn quốc tăng lên, trong khi ở những nơi khác tỷ lệ này lại giảm. Điều đó được giải thích một phần là do khả năng mua súng tương đối dễ ở Mỹ, nơi chúng gây ra một nửa số ca tử vong do tự sát. Và ở nhiều quốc gia, súng có xu hướng phổ biến hơn ở vùng nông thôn – nơi mà các dịch vụ sức khỏe tinh thần có thể còn khan hiếm.

Gần đây, mọi thứ dường như trở nên tồi tệ hơn. Các cuộc gọi đến Farm Aid, tăng lên 109% so với cùng kỳ năm 2018. Đến tháng 6, trung bình các cuộc gọi tăng lên thêm 30%. Không phải chỉ có sự gia tăng này mới đáng lo ngại. 61% cuộc gọi vào năm 2020 là từ các nông dân đang gặp khủng hoảng, nghĩa là họ cần trợ giúp khẩn cấp về pháp lý, tài chính hay sức khỏe tinh thần.

Trước năm 2018, Farm Aid cho biết các cuộc gọi lúc khủng khoảng chỉ chiếm khoảng một phần ba tổng số. Tần suất gia tăng các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu, khó khăn tài chính gần đây và Covid-19 làm gia tăng các rắc rối vây quanh nông dân.

Đầu tiên là về biến đổi khí hậu. Nông dân trên khắp vùng thượng Trung Tây chịu vô số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng trong vài năm qua: hạn hán ở Dakotas, cháy rừng ở khắp vùng Great Plains và “mùa xuân đến sớm” ở Wisconsin.

Vào tháng 8, hơn 4 triệu ha ngô và đậu tương bị hư hại khi “derecho” – một loạt các cơn giông kèm theo gió mạnh – phá hủy Iowa. Chính phủ liên bang tuyên bố thảm họa nông nghiệp ở Illinois vào năm ngoái sau những trận mưa lớn trên khắp tiểu bang. Chris Kucharik, Nhà nông học tại Đại học Wisconsin (Madison), cho biết nhiều diện tích không khô ráo được trong nhiều năm qua và hiện không thể trồng trọt.

Thứ hai, nông dân thường nói với các nhân viên chăm sóc sức khỏe tinh thần rằng những rắc rối về tài chính là nỗi lo lớn nhất của họ. Nhìn bề ngoài, mọi thứ không có vẻ quá tệ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo thu nhập ròng từ trang trại sẽ tăng 19 tỷ USD, lên 102,7 tỷ USD năm 2020. Nhưng John Newton, Nhà kinh tế trưởng ở American Farm Bureau Federation, tổ chức nông dân và chủ trang trại lớn nhất đất nước, cho biết thu nhập tiền mặt từ việc bán gia súc và cây trồng có thể giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Phần lớn là do giá hàng hóa giảm. Theo báo cáo, tăng trưởng về thu nhập ở nông trại là nhờ vào viện trợ của chính phủ tăng lên. Trừ đi các khoản đó, theo dự tính của ông Newton thì thu nhập ròng từ trang trại sẽ tương đối thấp, ở mức 66 tỷ USD, thấp hơn 10 tỷ USD so với trung bình 10 năm qua.

Số lượng trang trại bò sữa được cấp phép giảm 15% giai đoạn 2017-2019. Wisconsin, quê hương của nhiều trang trại, dẫn đầu cả nước về tình trạng phá sản trang trại. Các trang trại hộ gia đình có quy mô nhỏ bị áp lực phải mở rộng hoạt động để bán được lượng sữa lớn hơn nhằm bù lại giá cả thấp.

Nhưng việc mở rộng quy mô có thể tốn hàng triệu mà các nông dân phải đi vay. Không có gì phải ngạc nhiên khi USDA dự đoán nợ nông nghiệp được điều chỉnh theo lạm phát vào năm 2020 sẽ ở mức cao nhất kể từ năm 1981.

Chính sách thương mại cũng làm tăng thêm căng thẳng cho các trang trại. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc làm hạn chế đáng kể xuất khẩu đậu tương. Amy Rademaker, Chuyên gia y tế nông thôn tại Bệnh viện Carle ở Urbana, (Illinois), nói chưa bao giờ các nông dân lo lắng về kinh doanh như 2 năm qua.

Cuối cùng, vào mùa xuân năm nay, khi nông dân thiệt hại vì lũ lụt, giá cả thấp và thuế nhập khẩu, Covid-19 bắt đầu lan rộng. Nhu cầu về thực phẩm và đồ uống giảm mạnh khi nhà hàng, khách sạn và trường học đóng cửa. Vài nông dân phải đổ hàng ngàn gallon sữa không bán được. Những người khác phải đập trứng hoặc chôn rau tươi.

Vào tháng 3, Quốc hội thông qua Đạo luật CARES, cung cấp gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ, tình trạng phá sản chậm lại, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa được mở rộng và vài nông dân cảm thấy giải thoát tạm thời. Nhưng phần lớn các hỗ trợ đã kết thúc vào cuối tháng 7 và Quốc hội vẫn chưa thông qua biện pháp kích thích kinh tế lần hai. Nếu không có sự trợ giúp của chính phủ, Farm Aid lo ngại có thể xảy ra hàng loạt vụ tịch thu tài sản.

Tuy nhiên, cũng có vài tin tốt xuất hiện khi có thêm nhiều người ở những vùng nông thôn nhận ra những khó khăn mà nông dân phải đối mặt, và đang tạo ra mạng lưới an toàn riêng nhằm giúp đỡ họ. Ông Roecker cho biết, ông nhận được các cuộc gọi từ nông dân trên khắp vùng thượng Trung Tây. Những người này muốn bắt đầu lập phiên bản Farmer Angel Network của riêng họ.

Bà Rademaker và Bệnh viện Carle tổ chức đào tạo về “sơ cứu sức khỏe tinh thần” dành cho những người làm việc gần gũi với nông dân, chẳng hạn như bác sĩ thú y và nhân viên ngân hàng địa phương, để họ có thể xác định các dấu hiệu đầu tiên của bệnh tâm thần hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

Tuy nhiên, ngay cả khi Covid-19 suy giảm, các vấn đề như biến đổi khí hậu, xung đột thương mại vẫn tồn tại. Và nông dân Mỹ, cũng như phần còn lại của đất nước này, đang già đi. Điều này có thể khiến họ bị trầm cảm vì lo lắng về việc để lại cho con cái nông trại được truyền qua nhiều thế hệ, và món nợ kèm theo.

“Tôi nghĩ sẽ làm mất trang trại do ông tôi gầy dựng”, ông Roecker cho biết khi ngẫm về thời khắc đen tối hơn. “Bạn không tin nổi đâu, điều này sẽ luôn lởn vởn trong tâm trí bạn”, anh nói thêm.

Phiên An (theo The Economist)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img