HomeTài chính - Ngân hàngBảo hiểm tiền gửi - không phải ai cũng biết

Bảo hiểm tiền gửi – không phải ai cũng biết

Bảo hiểm tiền gửi – không phải ai cũng biết

Thụy Lê

(TBKTSG) – Sau ba năm điều chỉnh tăng từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng, Chính phủ tiếp tục có kế hoạch tăng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa lên 125 triệu đồng. Những ai được bảo hiểm và vì sao là mức chi trả này, không phải ai cũng hiểu?

https://www.thesaigontimes.vn/
Người gửi tiền khó mà mất trắng. Ảnh: THÀNH HOA

 

https://www.thesaigontimes.vn/

Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng dù gửi tiền giá trị lớn đến đâu, nhưng khi ngân hàng phá sản, số tiền tối đa được nhận lại sẽ bằng với mức chi trả quy định của bảo hiểm tiền gửi, tức 75 triệu theo quy định hiện hành và sắp tới là 125 triệu đồng theo dự kiến điều chỉnh, nên không ít người hoang mang, lo âu.

Ở đây cần làm rõ, ngân hàng khi rơi vào tình huống buộc phải phá sản/giải thể, sẽ phải xây dựng phương án thanh lý tài sản, bao gồm thu hồi lại các khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức tín dụng khác, toàn bộ các khoản nợ vay, các khoản phải thu, lãi, phí chưa thu được, bán tài sản cố định là trụ sở, đất đai, phương tiện vận chuyển, các tài sản tài chính như trái phiếu, cổ phiếu.

https://www.thesaigontimes.vn/Giá trị thu được khi xử lý, thu hồi các tài sản trên sẽ được thanh toán cho các khoản nợ phải trả của ngân hàng, trong đó khách hàng gửi tiền có thứ tự ưu tiên chi trả ở vị trí số 4. Như vậy, người gửi tiền khó mà mất trắng, vì khi tài sản ngân hàng bán đi không đủ trả cho khách hàng gửi tiền, thì cơ quan bảo hiểm tiền gửi mới “ra tay” chi trả theo quy định, trong khi thực tế các tài sản còn lại của các ngân hàng thường rất lớn. Cũng cần biết rằng theo chức năng, nhiệm vụ của bảo hiểm tiền gửi, tổ chức này có thể tham gia quản lý, thanh lý tài sản và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng tuy ghi nhận lỗ nhưng chủ yếu là do phải trích lập dự phòng lớn vì nợ xấu. Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu bị đánh giá theo hướng thận trọng, hoặc được cho là không có giá trị khi thiếu một số giấy tờ pháp lý, nên giá trị suy giảm nhiều. Tuy nhiên, khi bổ sung các giấy tờ pháp lý đầy đủ, giá trị tài sản được đánh giá lại thì dự phòng sẽ thấp đi, tài sản ngân hàng vẫn còn đó, khi xử lý được sẽ thu hồi được nợ và cả những khoản lãi quá hạn chưa thu được.

Cũng cần biết rằng, theo Quy chế về phí bảo hiểm tiền gửi, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm là tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó; tiền gửi của cá nhân là thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của chính tổ chức tín dụng đó; tiền mua các giấy tờ vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành. Ngoài ra, tiền gửi bằng ngoại tệ cũng không được bảo hiểm.

https://www.thesaigontimes.vn/

Thông tin phá sản, giải thể một tổ chức nào đó không phải đột nhiên xuất hiện, mà có thể âm ỉ và đã thúc đẩy nhiều người sớm rút tiền, nhất là khi các khoản tiền gửi tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay chủ yếu là kỳ hạn ngắn, việc rút trước hạn và bị tính theo lãi suất không kỳ hạn thì thiệt hại cũng không phải là quá lớn.

Đáng lưu ý là khi các tổ chức này có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống, NHNN và cả cơ quan bảo hiểm tiền gửi cũng có thể cho vay đặc biệt để đảm bảo khả năng chi trả, tránh hiệu ứng “sụp đổ domino”. Do đó trước giờ nhiều người luôn có niềm tin rằng “mọi chuyện đã có Nhà nước lo”. Cũng chính vì vậy mà mức quy định chi trả bảo hiểm tiền gửi trong nhiều năm qua chủ yếu chỉ mang tính hình thức, danh nghĩa nên nằm ở mức thấp so với giá trị tiền gửi bình quân của khách hàng cũng không có gì lạ.

Theo báo cáo thường niên cập nhật năm 2018 của cơ quan bảo hiểm tiền gửi, tổng tài sản đến cuối năm 2018 của tổ chức này là hơn 49.545 tỉ đồng, trong đó phí thu bảo hiểm tiền gửi lũy kế là hơn 35.776 tỉ đồng. Các con số này thấp hơn nhiều so với lượng tiền gửi tại một ngân hàng thương mại có quy mô trung bình và không đáng là bao so với tổng giá trị tiền gửi toàn hệ thống trong cùng thời điểm là hơn 7,7 triệu tỉ đồng, và đến cuối tháng 5-2020 đã lên gần 9 triệu tỉ đồng.

Nguồn thu của bảo hiểm tiền gửi hiện nay, ngoài lãi từ đầu tư trái phiếu chính phủ, chủ yếu đến từ phí bảo hiểm tiền gửi mà các tổ chức tín dụng tham gia đóng góp, với mức phí 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân được bảo hiểm. Tỷ lệ này tương đối thấp nên nếu đòi hỏi mức chi trả cao e rằng cũng không phù hợp.

Một câu hỏi đặt ra là nếu sắp tới tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi thì có làm tăng phí tham gia bảo hiểm tiền gửi lên hay không. Mức phí 0,15% theo quy định đã được giữ nguyên trong suốt nhiều năm qua, bất chấp lần điều chỉnh tăng hạn mức chi trả bảo hiểm cách đây ba năm. Nếu phí tăng lên tất yếu sẽ làm tăng chi phí của các ngân hàng, trong khi toàn ngành đang phải cố gắng tiết giảm chi phí để hỗ trợ cho nền kinh tế, thông qua các biện pháp miễn, giảm lãi, phí và giảm lãi suất cho vay.

Theo quy định tại điều 11 Thông tư 24/2017/TT-NHNN về quy định trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 26-2-2018 thì thứ tự phân chia tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi giấy phép được quy định cụ thể như sau:

1. Việc phân chia tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo thứ tự sau đây:

a) Các khoản vay đặc biệt theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);

b) Các khoản lệ phí, chi phí thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

d) Các khoản chi trả cho người gửi tiền;

đ) Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;

e) Các khoản nợ khác.

2. Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định tại khoản 1 điều này mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại được chia cho các cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn theo tỷ lệ góp vốn tại thời điểm thực hiện việc phân chia tài sản.

3. Trường hợp giá trị tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định tại khoản 1 điều này mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại được thanh toán cho ngân hàng mẹ phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

 



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img