HomeChân dung CEONhững tỉ phú Việt yêu nước đầu thế kỷ 20 | Tài...

Những tỉ phú Việt yêu nước đầu thế kỷ 20 | Tài chính – Kinh doanh

Khái niệm tỉ phú, người giàu nhất Việt Nam, tỉ phú USD mới chỉ trở nên quen thuộc từ hơn chục năm trở về đây nhưng mở lại lịch sử, từ cách đây hơn thế kỷ, Việt Nam đã có những thương gia giàu có mua lại hãng đóng tàu của Pháp, lập xưởng in, chế tạo sơn nổi tiếng xuất ra nước ngoài. Không những thế, họ lại là những nhà tư sản dân tộc yêu nước thế kỷ 20.

Ông “vua tàu thủy Việt Nam”

Khi nói đến những người giàu có nhất của đất Việt vào đầu thế kỷ 20, cái tên Bạch Thái Bưởi được liệt vào hàng “tứ đại gia” không chỉ của Việt Nam mà là xứ Đông Dương. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu chú tâm việc kinh doanh nhưng mọi thứ còn mơ hồ. Nhờ thông minh, ông được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cử sang Pháp dự hội chợ Bordeaux. Lần đầu được tiếp cận nền văn minh phương Tây, nhưng chẳng quan tâm, ông chỉ tập trung coi ngó người Pháp đang tổ chức mua bán kinh doanh sản xuất những gì mà giàu thế. Sau chuyến đi ngắn ngủi đó, trên tàu về nước, ông bắt đầu nung nấu ý tưởng làm kinh doanh. Vậy kinh doanh cái gì bây giờ?
Giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống. Khi mà việc làm ăn với người Pháp chẳng bao giờ nằm trong suy nghĩ của những nhà buôn đất Hà thành, chính Bạch Thái Bưởi nhận ra rằng phải kết hợp với người Pháp, học hỏi họ quản lý sản xuất kinh doanh, dùng đồng vốn của họ để cùng tiến xa hơn. Ông quyết định hùn vốn với người Pháp trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, bắt đầu từ cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm (cầu Long Biên ngày nay). Năm 1902, cầu được khánh thành cũng là lúc ông đã có số vốn lận lưng kha khá.
Không để tiền nằm yên, ông bắt đầu ý tưởng táo bạo khác, chuyển hướng sang kinh doanh vận tải đường thủy, nơi mà những thương nhân Hoa Kiều gần như đang độc quyền chiếm lĩnh. Chính quyết định này là khởi nguồn cho danh hiệu “Vua tàu thủy Việt Nam” hay “Chúa sông Bắc Kỳ” của Bạch Thái Bưởi sau này. Năm 1909, ông lập Công ty hàng hải Bạch Thái Bưởi, thuê lại 3 chiếc Phenix, Dragon và Fai Tsi Long, đổi tên chúng thành Phi Phụng, Phi Long và Bái Tử Long để kinh doanh vận tải đường thủy trên hai tuyến Nam Định – Bến Thủy (Nghệ An) và Nam Định – Hà Nội.


Những tỷ phú Việt yêu nước đầu thế kỷ 202

Từ chỗ có 3 tàu đi thuê, khai thác trên 2 tuyến đường thủy, sau 10 năm, công ty của ông đã sở hữu gần 30 tàu lớn bé và sà lan chạy hầu hết tuyến sông nước miền Bắc, chạy trên 17 tuyến hàng hải trong và ngoài nước, vươn đến tận Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore… Đặc biệt, trong đó có 6 chiếc tàu của hãng tàu Pháp bị phá sản được ông mua lại đặt cho những tên: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi. Ngay việc đặt tên cho các con tàu chứng tỏ thương gia này có tinh thần tự tôn dân tộc rất lớn. Trung bình mỗi năm, đoàn tàu của ông chở tới 5.000 chuyến, hơn 1,5 triệu khách và 15 vạn tấn hàng hóa. Tuy nhiên, đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi là đã tổ chức đóng tàu Bình Chuẩn thành công với đoàn thợ thầy người Việt thiết kế thi công. Tàu dài đến 42 m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực, được hạ thủy ngày 7.9.1919 tại Hải Phòng và cập cảng Sài Gòn ngày 17.9.1920. Sự kiện này đã làm nức lòng giới kinh doanh Nam kỳ, họ đã đúc bảng đồng với dòng chữ: “Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu Việt Nam đầu tiên tại cảng Sài Gòn”.
Cái tên Bạch Thái Bưởi được người đời sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn và có tinh thần tự tôn dân tộc chính vì những đóng góp của ông vào ngành hàng hải khởi đầu của nước nhà. Ngày 22.7.1932, sau hơn 20 năm ngang dọc trên thương trường, ông mất đột ngột tại Hải Phòng bởi một cơn đau tim. Cái tên Bạch Thái Bưởi từ đó đi vào huyền thoại bên cạnh những nhà tư sản yêu nước của dân tộc vào đầu thế kỷ 20.

“Ông tổ” ngành sơn Việt


Những tỷ phú Việt yêu nước đầu thế kỷ 201

Nếu đã nhắc đến ông tổ ngành hàng hải, không thể không nhắc đến một “ông tổ” trong ngành sản xuất sơn: ông Nguyễn Sơn Hà (1894 – 1980). Trong lịch sử, nhiều ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ được du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 bởi người Pháp. Với ngành sơn cũng vậy, sau ngành đóng tàu, luyện kim… người Pháp chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam và Đông Dương với ngành sản xuất sơn. Việc mở rộng thuộc địa khiến họ phải đầu tư làm đường sá, nhà cửa nhiều, theo đó, nhu cầu mua sắm vật liệu xây dựng ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Sơn Hà là thương gia Việt đầu tiên nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn với ngành này. Khi còn là nhân viên của Hãng sơn Sauvage Cottu của người Pháp tại Hải Phòng, ông nung nấu khát vọng gầy dựng một sản phẩm sơn chất lượng của người Việt. Nói như cách nói ngày nay là “trộm” nghề, nhưng để trở thành ông tổ ngành sơn, với ông Nguyễn Sơn Hà, đó là một quá trình tìm tòi, nghiên cứu miệt mài, cực lực học một cách nghiêm túc. Muốn hiểu kỹ thuật làm sơn của người phương Tây, phải đọc nhiều tài liệu của họ, nhưng khổ nỗi sách toàn tiếng Pháp. Vậy là ngày làm, tối ông tìm thầy dạy tiếng Pháp để có thể đọc tài liệu dễ dàng hơn. Năm 1917, sau khi nắm được cơ bản công nghệ làm sơn và đã tích lũy chút vốn liếng, ông nghỉ làm ra riêng mở tiệm. Vốn liếng ban đầu là tiền thu được từ bán chiếc xe đạp, ông mở cửa hàng bán sơn, nhận quét sơn nhà, kẻ biển và bên trong âm thầm chế tạo một sản phẩm sơn riêng cho mình. Khi vừa tròn 26 tuổi (năm 1920), thương gia Nguyễn Sơn Hà đã là chủ Hãng sơn Gecko tại Hải Phòng với logo hình con tắc kè xanh đang cong đuôi bám bốn chân vào thân cây cổ thụ.

Sản phẩm đầu tiên xưởng của ông tung ra thị trường mang thương hiệu Résistanco, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”, nhưng lại không được người Pháp đánh giá cao. Không bỏ cuộc, ông tiếp tục miệt mài nghiên cứu và cuối cùng, nhiều mẫu sơn hoàn hảo ra đời với cái tên Résistanco A, Résistanco B dùng cho sơn xe đạp, Durolac để sơn ô tô, Ideal để sơn tường… Chất lượng không thua sơn của Pháp nhưng giá thấp hơn nhiều. Có sản phẩm rồi, ông phải chạy tìm nơi tiêu thụ để người dùng biết đến sản phẩm càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Đúng là tư duy “kẻ nào làm chủ được hệ thống phân phối, kẻ đó sẽ thắng” đã xuất hiện trong suy nghĩ của thương gia thông minh giỏi giang này. Ông được Hãng Descous et Cabaud của Pháp đề nghị được làm đại lý phân phối và nhanh chóng đưa sơn Résistanco phủ thị trường cả nước, bán sang các nước khu vực Đông Dương. Mặc dù tại thời điểm đó, một số hãng sơn ngoại chèn ép “tân binh” sơn Việt này rất nhiều, nhưng thương hiệu sơn Résistanco của Nguyễn Sơn Hà vẫn đứng vững và phát triển mạnh.

Các trường hợp thành công của ông Bạch Thái Bưởi hay ông Nguyễn Sơn Hà có thể nói là những tảng băng lớn đổ vào niềm kiêu hãnh của những nhà tư sản Pháp đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam thời bấy giờ trong vị thế đi khai hóa văn minh xứ thuộc địa. Họ không những bị cạnh tranh mà buộc phải bán nhà máy cho người dân tại xứ sở họ đang đô hộ. Việc khôn khéo để vượt qua thủ đoạn chèn ép, bắt nạt của những “ông lớn” đến từ nước ngoài, thành công vượt mặt họ của những thương gia Việt tại thời điểm đó đã là kỳ tích đáng ngưỡng mộ.

Tặng Chính phủ nhà máy in tiền


Những tỷ phú Việt yêu nước đầu thế kỷ 203

Trước cách mạng, nhà in nổi tiếng Ngô Tử Hạ là mạnh thường quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Ông Ngô Tử Hạ quê Ninh Bình, lớn lên theo học được ở nhà dòng và rất giỏi tiếng Pháp. Năm 17 tuổi, ông rời quê hương nghèo lên Hà Nội lập nghiệp, làm thợ cho nhà in IDEO của Pháp. Không như hai nhà tư sản kể trên là tự tìm tòi để có sản phẩm riêng, làm thợ in, ông Ngô Tử Hạ nuôi mộng lập nhà in với niềm tin sẽ là nơi in ấn và phát tán những tri thức của nhân loại. Lớn lao hơn, ông ấp ủ được phụng sự cuộc cách mạng của nước nhà bằng việc âm thầm hỗ trợ in ấn sách báo, tài liệu, truyền đơn ủng hộ Việt Minh vào những năm trước 1945. Ông xây nhà in mang tên Ngô Tử Hạ ngay gần khu vực nhà thờ Hà Nội (số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội ngày nay). Báo chí thời đó xếp ông vào danh sách 300 nhà tư sản có máu mặt ở xứ Đông Dương. Tuy nhiên, điều đặc biệt thú vị là những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà người dân quen gọi là “đồng bạc cụ Hồ” đã được in tại nhà in này. Những “đồng bạc cụ Hồ” được in và phát hành kịp thời không những đáp ứng nhu cầu chi dùng cho người dân mà có ý nghĩa quan trọng là khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia, được Chính phủ tin tưởng giao cho nhà in Ngô Tử Hạ thực hiện. Sau này, khi nhu cầu in ấn tiền của Chính phủ mới càng nhiều, chính một nhà tư sản yêu nước khác là ông Đỗ Đình Thiện (1904 – 1972) vào năm 1946 đã bỏ tiền ra mua lại nhà in của Pháp rồi hiến tặng lại cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Tháng 3.1946, nhà máy in tiền được chuyển về đồn điền Chi Nê rộng hơn 7.000 ha của gia đình ông Đỗ Đình Thiện ở Hòa Bình.


Những tỷ phú Việt yêu nước đầu thế kỷ 20

Ngoài những đóng góp về cơ sở, tiền bạc, tại buổi đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ để gây Quỹ Độc lập Trung ương năm 1945, ông Thiện đã bỏ ra một triệu đồng Đông Dương (khoảng gần 2.000 lạng vàng) mua bức tranh, sau đó tặng ngay cho Ủy ban Kháng chiến hành chính TP.Hà Nội. Đồng lòng sát cánh cùng chính quyền còn non trẻ, đóng góp vô điều kiện, nhưng không chọn thủ đô để sinh sống, năm 1947, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 12 tuổi) lên Việt Bắc đi cùng cuộc kháng chiến 9 năm. Đồn điền Chi Nê được ông bà giao cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý, đồng thời đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam). Khi kháng chiến thắng lợi, gia đình ông trở về thủ đô Hà Nội, sống tại nhà riêng ở 76 Nguyễn Du, Hà Nội.

Thành công vang dội trên thương trường, những thương gia Việt vào đầu thế kỷ 20 đã nhận không ít sự ngưỡng mộ của người Pháp. Với Tổ quốc, họ là những nhà tư sản yêu nước và có thể nói là “xả thân vì Tổ quốc”. Nếu thương gia Đỗ Đình Thiện chọn con đường đưa cả nhà vốn gia đình giàu có, sống trong nhung lụa đầy đủ tiện nghi lên Việt Bắc đồng hành cùng Cách mạng 9 năm trường kỳ kháng chiến, bỏ hết cơ ngơi, sản nghiệp ở thủ đô thì có không ít trường hợp các nhà tư sản dân tộc đưa hết 90% tài sản của mình ủng hộ Chính quyền Cách mạng non trẻ sau 1945.

Hiến 5.000 lượng vàng và hàng ngàn mét vuông đất vàng

Đó là trường hợp gia đình và ông Trịnh Văn Bô – thương nhân Việt Nam giữa thế kỷ 20, nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc. Trong Tuần lễ Vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào tháng 9.1945, gia đình ông đã hiến tặng cho Cách mạng số vàng lên đến 5.000 lượng, gần gấp đôi ngân khố Chính phủ có lúc bây giờ.


Những tỷ phú Việt yêu nước đầu thế kỷ 205

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô

Năm 1940, ông Bô được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà thành, thường xuyên giao thương với cả các thương gia nổi tiếng trong khu vực Đông Dương. Ông sở hữu một nhà máy dệt và là nhà kinh doanh bất động sản tài giỏi thời bấy giờ. Tuy giàu có, nhưng ông có triết lý kinh doanh rất nhân văn, buôn bán có 10 đồng, giữ lại 7 đồng, còn lại giúp đỡ từ thiện, làm việc phúc đức. Chính tiệm buôn vải sợi của Phúc Lợi của vợ chồng ông bà Bô trên phố Hàng Ngang được nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao tập trung hội họp, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều có ý nghĩa nhất là chính nơi đây, Bác Hồ đã khởi thảo và hoàn thành bản Tuyên ngôn độc lập đọc vào ngày 2.9.1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không chỉ hiến tặng hết vàng bạc cho Chính phủ lâm thời, tại Tuần lễ Vàng, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động kêu gọi giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.

Có thể nói, ông Trịnh Văn Bô và gia đình là tấm gương tiêu biểu trong giới công thương, ủng hộ vô điều kiện cho một chính phủ còn non trẻ. 90% tài sản quyên góp được đưa ủng hộ Chính phủ. Người vợ của ông có một triết lý thật giản dị: “Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, đóng góp hết rồi chúng tôi sẽ làm ra. Độc lập dân tộc không thể để mất, vì mất rồi bao giờ thế hệ sau mới lấy lại được”. Câu nói bất hủ này là của bà được lưu lại trong sử sách hội đồng họ Trịnh Việt Nam.

Ngoài gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, cũng tại Tuần lễ Vàng này, nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà (chủ Hãng sơn Gecko) đã cùng vợ con tháo hết nữ trang vàng bạc được 10,5 kg đóng góp cho Cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Ngô Tử Hạ là chí sĩ yêu nước được bầu làm đại biểu Quốc hội, rồi ủy viên Ban thường trực của Quốc hội khóa I và là đại biểu cao tuổi nhất. Năm 1960 ông và gia đình đã hiến tặng cho nhà nước hàng ngàn mét vuông nhà đất ở Hà Nội tại phố Lý Quốc Sư, Ngõ Huyện, Nguyễn Du, Thịnh Yên, Hàng Bông… chỉ giữ lại 200 m2 để ở và làm nhà thờ tự sau này. Cũng như ông Ngô Tử Hạ, ông Nguyễn Sơn Hà sau khi đóng góp đã quyết định đi theo con đường giải phóng dân tộc, bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền bạc để đưa cả gia đình đi theo kháng chiến. Mặc dù tại thời điểm đó, những nhà tư sản như ông Nguyễn Sơn Hà vẫn nhận được nhiều đề nghị hấp dẫn từ phía Pháp nếu… từ bỏ kháng chiến.

Những nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện… tài ba, yêu nước, giàu lòng tự tôn dân tộc… xứng đáng là ngọn cờ đầu trong ngành thương nghiệp nước nhà để bậc hậu bối noi theo.


– Thương gia Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932): Quê làng An Phúc (Yên Phúc), Thanh Trì, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật: hàng hải, khai thác than và in ấn.

– Thương gia Nguyễn Sơn Hà (1894 – 1980): Quê ở Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), là một trong những thương gia hàng đầu VN thời Pháp thuộc.

– Thương gia Ngô Tử Hạ (1882 – 1973): Quê làng Quy Hậu, Kim Sơn, Ninh Bình, có đóng góp lớn cho Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa

– Thương gia Trịnh Văn Bô (1914 – 1988): Quê làng Bãi, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), là nhà tư sản có đóng góp lớn cho Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa

– Thương gia Đỗ Đình Thiện (1904 – 1972): Quê ở Hà Nội, là nhà tư sản có công đóng góp cho Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img