Xếp loại trung bình trong hai năm đầu đại học, tới năm cuối Phùng Nhật Minh có bài báo đăng tạp chí ISI (nhóm Q1), trúng tuyển học thạc sĩ và tiến sĩ tại Hàn Quốc.
Ngày đầu tháng 6, Nhật Minh, 23 tuổi, quê Hà Nội dậy sớm, lên phòng thí nghiệm (lab) ở Viện nghiên cứu Kỹ thuật và Công nghệ gốm Hàn Quốc (KICET). Suốt một tháng rưỡi qua, Minh ở lab từ sáng tới hơn 6h chiều để nghiên cứu về vật liệu bán dẫn vùng cấm rộng, thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu. Tối về phòng, Minh học online theo chương trình của Đại học Quốc gia Changwon.
“Bị ảnh hưởng bởi Covid-19, em đã rất khó khăn để đưa ra quyết định sang Hàn Quốc vào tháng 3, nhưng mọi chuyện đều rất ổn. Em vui vì được học tập và nghiên cứu ở môi trường mới”, Minh nói, cho biết đây là điều chưa bao giờ tưởng tượng ra trong suốt hai năm đầu ở Đại học Bách khoa Hà Nội.
Minh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 1, sớm một kỳ so với các bạn cùng khóa 60. Trước đó tháng 11/2019, song song với việc chuẩn bị đồ án tốt nghiệp, Minh đã làm hồ sơ dự tuyển hệ thạc sĩ và tiến sĩ tại Viện nghiên cứu KICET. Sau khi tham gia phỏng vấn với giáo sư của viện, Minh được trao suất học bổng toàn phần. Chàng trai Hà Nội sẽ có 5 năm nghiên cứu khoa học ở đây, đồng thời học bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Changwon.
Dù chỉ đạt điểm tổng kết 2.91/4.0, chưa kịp thi lấy chứng chỉ IELTS do Covid-19, Minh vẫn thuyết phục được các giáo sư ở KICET nhờ phần phỏng vấn và thành tích nghiên cứu khoa học đã đạt được, nổi bật nhất là giải nhì cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa”, một bài báo trên tạp chí Vietnam Journal of Science and Technology cùng hai bài hội nghị trong nước và quốc tế.
Tháng 4, một bài báo với chủ đề ứng dụng hạt nano để nhận biết tồn dư hóa chất trong môi trường mà Minh là đồng tác giả được đăng trên New Journal of Chemistry – tạp chí danh mục ISI, có chỉ số ảnh hưởng thuộc nhóm cao nhất (Q1).
Nhìn vào thành tích nghiên cứu khoa học trong 4-5 năm trên ghế nhà trường, ít ai nghĩ Minh có hai năm đầu đại học bết bát. Năm 2015, chàng trai Hà Nội vui sướng vì đỗ vào chuyên ngành Vật liệu điện tử và Công nghệ nano, Viện Vật lý Kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội theo đúng nguyện vọng. Sau ba năm THPT và ôn thi căng thẳng, Minh cho phép mình “xả hơi”, dành thời gian cho sở thích cá nhân như chơi game, học guitar thay vì tập trung vào việc học trên lớp.
“Chương trình học toàn môn đại cương khá nhàm chán trong khi em chưa xác định được mục tiêu sau khi ra trường nên đã lười lại càng thêm lười”, Minh nói. Kết quả, Minh chỉ đạt 2.37/4, xếp loại trung bình.
Đến cuối năm hai, phải làm đồ án môn học đầu tiên, bắt đầu động chạm vào nghiên cứu, tự mày mò lập trình vi điều khiển, mạch điển tử, Minh hứng thú. Đầu năm ba, nam sinh ứng tuyển vào nhóm nghiên cứu về các hướng ứng dụng y sinh và môi trường của GS Lê Anh Tuấn, bắt đầu chuỗi ngày gắn bó với lab, rồi thấy hợp và dần đam mê.
Những ngày đầu, khi mới làm quen với lab, Minh đa số dành thời gian để đọc báo. Sau dần, em được tham gia vào làm nghiên cứu để hướng tới các bài báo đăng trên tạp chí hay tham gia hội nghị trong và ngoài nước. Bài đầu tiên của em là bài hội nghị quốc tế về vật liệu tiên tiến và công nghệ nano (ICAMN2019) hồi tháng 10/2019. Minh cùng nhóm nghiên cứu đã mất 9 tháng cho bài này.
Minh tóm lược công việc nghiên cứu của mình bằng các công đoạn như xác định hướng nghiên cứu; tìm bài báo cùng chủ đề mà những nhà khoa học trong và ngoài nước đã thực hiện; định hướng xem sẽ nghiên cứu cái gì, tìm ra điểm mới gì và đi sâu như thế nào. Với bài đầu tiên, em gặp khó khăn ở tất cả khâu.
Vốn học thiên Khoa học tự nhiên từ những năm THPT và không chú trọng tiếng Anh, Minh chật vật đọc các bài báo quốc tế với rất nhiều từ chuyên ngành mới, đến mức nhiều lúc muốn đầu hàng vì khó và khô khan. Thế nhưng, đam mê nghiên cứu khoa học thôi thúc Minh học tiếng Anh, bắt đầu đi học từ TOEIC rồi IELTS. Quá trình đọc bài báo quốc tế, Minh tích lũy được nhiều từ hơn rồi dần dần bớt khó khăn khi đọc các bài tương tự.
“Các bài báo khoa học tập trung vào một lĩnh vực nhất định sẽ có một kho từ chuyên ngành và cấu trúc các bài gần như nhau nên em dần biết cách đọc lướt nhưng vẫn tóm lược được bài báo và chỉ tập trung vào phần mình muốn khai thác”, Minh chia sẻ. Khi tên mình xuất hiện trên bài hội nghị đầu tiên, Minh có thêm động lực, cũng chắc chắn hơn với hướng đi của mình.
Song song với nghiên cứu ở lab, đầu năm 2019, Minh quyết định tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học ở trường để ghi dấu ấn. Em nghĩ tới sản phẩm vòng đai theo dõi các chỉ số thiết yếu trong vận động rồi mất 5 tháng để hoàn thành sản phẩm với các chức năng như đưa ra chỉ số nhịp tim, bước chạy, huyết áp rồi dữ liệu được đưa lên mạng để AI phân tích, ra lời khuyên cho người dùng xem cần tập luyện ra sao, cải thiện những chỉ số nào.
Minh chia sẻ đã rất vất vả khi nghiên cứu sản phẩm này bởi kiến thức nền không thiên về điện tử và phải tự học từ con số 0, từ nghiên cứu công nghệ, lập trình, thiết kế mạch. Đến khi mang tới cuộc thi trong sự kiện Tháng sinh viên nghiên cứu khoa học của trường, Minh chỉ đạt giải khuyến khích.
“Thật đáng thất vọng khi em đã dành nhiều tâm huyết mà kết quả không thực sự như ý”, Minh nói. Chàng trai quyết định rủ thêm ba bạn khác cùng nghiên cứu, cải thiện sản phẩm để tham dự một cuộc thi khác là “Sáng tạo trẻ Bách khoa” diễn ra từ tháng 7 đến 12. Kết quả, nhóm Minh đạt giải nhì.
Giải nhì ở một cuộc thi lớn như làn gió mát xoa dịu những stress Minh phải chịu đựng từ tháng 8/2019 đến đầu năm 2020. Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất thời sinh viên của em. Không chỉ làm sản phẩm dự thi Sáng tạo trẻ Bách khoa, nghiên cứu khoa học để viết bài báo, Minh phải làm đồ án tốt nghiệp, chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển du học bậc thạc sĩ và tiến sĩ.
“Mỗi lần stress đến độ muốn bỏ cuộc, em lại nghĩ đến lý do mình đã bắt đầu. Em thường tự hỏi tại sao lại bỏ khi đang ở giai đoạn cuối cùng của mọi công việc để tiếp tục”, Minh nói.
Vì hai năm đầu chểnh mảng chuyện học hành, Minh kết thúc quãng thời gian đại học với số điểm tổng kết 2.91/4.0 và tấm bằng kỹ sư loại khá, thấp hơn rất nhiều bạn bè tốt nghiệp sớm một kỳ như mình. Với số điểm này, Minh không thể nộp hồ sơ vào các trường, viện nghiên cứu ở Mỹ, Đức hay Pháp, nhưng vẫn hài lòng với những gì đã có.
Chương trình học của Minh ở Hàn Quốc là làm việc ở viện nghiên cứu nhưng học ở trường đại học thay vì vừa nghiên cứu vừa học trong trường như nhiều bạn khác. Hiện, việc học và nghiên cứu của Minh thuận lợi do trường dạy online. Thời gian tới, khi trường tổ chức học tập trung, Minh chỉ có thể nghiên cứu cách ngày để dành thời gian di chuyển khoảng 100 km mỗi ngày bằng tàu điện giữa viện nghiên cứu và trường đại học. Chàng trai hy vọng sẽ hoàn thành tốt 5 năm ở Hàn Quốc, lấy bằng tiến sĩ trước khi quay về Việt Nam.
GS Lê Anh Tuấn, người hướng dẫn Minh nghiên cứu suốt từ năm ba, đánh giá Minh rất phù hợp và có đủ khả năng để nghiên cứu khoa học. Em luôn chủ động thực hiện các thí nghiệm, phép đo, phân tích, xử lý số liệu rồi cùng các thầy viết thành công trình khoa học.
“Minh đã tiến bộ rất nhiều trong hai năm cuối để trở nên khác biệt với những sinh viên còn lại”, thầy Tuấn nói và cho biết đó là lý do thầy giới thiệu Minh với KICET – một trong những viện nghiên cứu hàng đầu ở Hàn Quốc bởi chắc chắn khả năng nhận được học bổng của học trò.