7 câu chuyện truyền cảm hứng trong TEDxBUV2020 Press Play

Góc nhìn mới về sức mạnh bản thân, cách học ngoại ngữ… từ các diễn giả nổi tiếng mang thông điệp vượt qua nỗi sợ và dấn thân vì đam mê cho giới trẻ.

Sự kiện TEDxBUV 2020 Press Play tại Đại học Anh Quốc Việt Nam (British University Vietnam – BUV) lần đầu diễn ra vào ngày 13/6 với sự tham gia của hơn 200 khán giả.

7 diễn giả trong nước và quốc tế đem đến sân khấu TEDxBUV2020 các câu chuyện khác nhau, dựa trên trải nghiệm thực tế trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, giáo dục, nghệ thuật, kinh tế… Với chủ đề “Press Play” – bật nguồn đam mê, các bài diễn thuyết tựu chung ở góc nhìn rộng mở, mới mẻ, khơi dậy tinh thần sáng tạo, sự can đảm, lắng nghe bản thân và hết mình vì đam mê.

polyad

Khán giả đến checkin từ sớm.

Với bài diễn thuyết dài 20 phút, thầy Ngô Huy Tâm, Giám đốc Cleverlearn Nghệ An, Cố vấn giáo dục tại đài truyền hình Việt Nam VTV3 chia sẻ câu chuyện về khoảng cách trong giáo dục, cụ thể là sự bất bình đẳng trong kinh tế, hoàn cảnh gia đình… ảnh hưởng đến tâm lý, cơ hội tiếp cận giáo dục của các em học sinh. “Một trong những khó khăn mà các học sinh này gặp phải, là không tin rằng mình có thể làm được những điều to lớn”, thầy Tâm nói.

polyad

Thầy Ngô Huy Tâm chia sẻ về chủ đề khoảng cách trong giáo dục

Do đó, thầy Tâm đặt mục tiêu cao cho tất cả học sinh bất kể xuất phát điểm, hoàn cảnh khác nhau. “Với mục tiêu chung, chỉ một vài người đạt được. Nếu có điều kiện tốt hơn, bạn dễ dàng đến đích hơn. Số còn lại mất thêm khoảng thời gian nữa để hoàn thành, nhưng họ lại thành công theo cách riêng. Tôi nhận ra điều khiến họ hạnh phúc là việc họ tiếp tục cố gắng, trau dồi bản thân và tận hưởng quá trình này, bởi sự học là một hành trình, không phải đích đến”, chuyên gia nói.

Chủ đề tự trải nghiệm để khơi dậy sức mạnh bên trong là nội dung lõi xuyên suốt 7 bài diễn thuyết tại TEDxBUV. Sau thầy Tâm, các diễn giả trong nước và quốc tế cũng kể về trải nghiệm của mình trên các lĩnh vực riêng như công nghệ, giáo dục, nghệ thuật, kinh tế…

Trong đó, hành trình lắng nghe và thấu hiểu bản thân trước khi bấm nút “play” thực hiện ước mơ được Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu dẫn dắt trong bài chia sẻ. Tiến sĩ Đại học Stanford từng có quãng thời gian dài cảm thấy trống rỗng, không có năng lượng, đam mê. Giai đoạn đối mặt với những khủng hoảng của bản thân cũng là lúc anh nhìn lại bên trong và chiêm nghiệm ra nhiều bài học. Một trong số đó là câu chuyện về “chiếc bình vỡ”.

“Thay vì bỏ chiếc bình vỡ hay mua một cái mới lành lặn, tôi làm một bài tập nhỏ với những mảnh vỡ. Mỗi ngày, tôi nhìn chúng và đặt câu hỏi, mảnh vỡ này có thuộc về mình không, hay được tạo ra từ ngoài kia. Nếu chúng thuộc về mình, tôi giữ và gắn chúng lại, bỏ đi nếu không phải”, anh nhớ lại.

polyad

Diễn giả Nguyễn Chí Hiếu.

Cuối cùng, trong hàng triệu mảnh gốm đã vỡ vụn, hơn vài trăm mảnh được anh giữ lại. “Tôi có cái bình với rất nhiều khoảng trống, nhưng lại hài lòng với nó. Nhờ bài tập này, tôi nhận ra sức mạnh trong việc làm chủ cách suy nghĩ, đó là chỉ giữ lại điều thực sự phù hợp với mình, chứ không phải từ bên ngoài như đám đông, mạng xã hội, kỳ vọng hay áp lực của người khác”, anh Hiếu chia sẻ.

Câu chuyện học tiếng Việt của nghệ sĩ, nhà thiết kế từ Australia Kevin Francis lại khuấy động không khí, khiến khán giả bật cười và vỗ tay không ngớt. Dưới góc nhìn hài hước của một nghệ sĩ, Kevin biến tấu các từ mới, từ đồng âm…phức tạp trong tiếng Việt thành những bức tranh có câu chuyện dễ nhớ, thông qua trí tưởng tượng và sự sáng tạo của riêng mình. Không đơn thuần là giới thiệu phương pháp học một ngoại ngữ hiệu quả, Kevin cho thấy việc thay đổi tư duy tiếp cận vấn đề, một góc nhìn mới cho những thứ quen thuộc đã kích hoạt sự hứng khởi và thúc đẩy việc chinh phục những mục tiêu.

polyad

Kevin Francis nói về cách học từ mới bằng cách vận dụng trí tưởng tượng.

Khơi dậy tư duy sáng tạo, phá bỏ những lối mòn trong hệ thống giáo dục đương thời cũng là thông điệp trong bài diễn thuyết tràn đầy năng lượng của diễn giả trẻ Nguyễn Quang Tùng, nhà sáng lập tổ chức phát huy sức sáng tạo của học sinh, sinh viên Việt Nam, Creative Kid Program. Nhiệt huyết, sinh động, hóm hỉnh và cũng rất chân thật là những gì mà người nghe cảm nhận được qua những câu chuyện trải nghiệm cá nhân của Tùng để tự tin dấn thân tiến gần hơn tới mục tiêu của bản thân. “Tôi tin rằng mục tiêu của giáo dục nên là trao cho mỗi học sinh quyền sáng tạo và can đảm bước đi trên con đường của riêng mình”, anh Tùng nói.

Ngoài giáo dục, những chủ đề đang là xu hướng, mang hơi thở cuộc sống như dữ liệu lớn (Big Data), thông điệp về môi trường truyền tải qua âm nhạc và những bài học về khởi nghiệp, kinh doanh cũng cũng được các diễn giả chia sẻ thông qua những trải nghiệm cá nhân.

Điểm tạo nên nét riêng của TEDxBUV là sự tương tác hai chiều giữa diễn giả và người nghe thông qua các ứng dụng công nghệ. Song song với bài chia sẻ trên sân khấu, khán giả có thể chơi game trả lời khảo sát cùng diễn giả, hoặc gửi câu hỏi cho diễn giả trên một nền tảng chung, theo đó những ý kiến được bình chọn cao sẽ được giải đáp trong phiên thảo luận bàn tròn.

Cuối chương trình, anh Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Truyền thông TEDxBUV chia sẻ: “Với chủ đề Press Play, TEDxBUV hướng tới thông điệp lõi về phát triển bản thân, giúp người trẻ nhìn lại bên trong, tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nhận ra sự khác biệt của riêng mình, vượt qua nỗi sợ và “nhấn nút” thực hiện đam mê. Bên cạnh thông điệp lan tỏa ý tưởng như TED toàn cầu, TEDxBUV cố gắng tạo ra một trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cho người tham gia, để mỗi người đều nhìn thấy chính mình trong từng câu chuyện.”

Ra đời năm 1984, TED là một cộng đồng toàn cầu, bao gồm những diễn giả là các đại diện xuất chúng đến từ mọi lĩnh vực và nền văn hóa, mong muốn chia sẻ những ý tưởng của mình đến với mọi người, những khán giả khao khát học hỏi, tìm tòi, bổ sung kiến thức và được truyền cảm hứng. Là mô hình con của TED, TEDx mang lại trải nghiệm tương tự nhưng ở cấp độ địa phương.

Phạm Vân – Ngọc Thi

Nguồn bài viết

Bài trướcLợi nhuận Vietcombank dự kiến tăng 10% nếu tăng được vốn
Bài tiếp theoCảng Quy Nhơn kỳ vọng khơi thông cảng biển miền Trung