Nhiều nền kinh tế có xu hướng dịch chuyển về Ấn Độ khiến ngành xuất khẩu của nước này thêm nhiều triển vọng nhưng cơ hội là của chung và Việt Nam cũng rất có tiềm năng.
Sharad Kumar Saraf – Chủ tịch FIEO
Tờ Economic Times (Ấn Độ) dẫn lời chuyên gia nhận định, xuất khẩu Ấn Độ làm tốt trong nửa đầu năm qua nhưng đến nửa sau, đại dịch Coѵīd-19 đã ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế và mang lại những gián đoạn trong chuỗi cung ứng của nước này.
Tổng Giám đốc Điều hành Tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) Ajay Sahai cho biết, trong những tháng đầu của năm tài chính, ngành xuất khẩu giảm 60% do phong tỏa diện rộng.
“Khi Ấn Độ mở cửa lại nền kinh tế, các chỉ số đã tăng nhẹ. Nhưng con đường vẫn rất dài do đại dịch Coѵīd-19 khiến nhu cầu mua sắm toàn cầu giảm mạnh. Đặc biệt đối với các mặt hàng không cấp thiết như đồ da, may mặc, dệt may, thủ công mỹ nghệ, đá quý, trang sức…“, ông Sahai nói.
Ông này cho biết thêm: “Covid-19 đã đánh một đòn rất mạnh vào các doanh nghiệp nhỏ của chúng tôi. Phong tỏa trong hai tháng liền và thậm chí hiện nay Ấn Độ vẫn còn một số khu vực trong diện phong tỏa, vốn dĩ các doanh nghiệp chưa thể trở lại trạng thái bình thường“.
Quay lưng với TQ, các nước tìm đường tới Ấn Độ
Theo ông Ajay Sahai, thời gian gần đây, mối quan tâm tới Ấn Độ ngày càng tăng, đặc biệt giữa các quốc gia đang quay lưng với Trung Quốc. Lo ngại về vấn đề thuế của Trung Quốc, các nước muốn tìm đường cung ứng thay thế.
“Và họ chọn Ấn Độ, chúng tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị. Nhưng cho đến thời điểm này, hầu hết các quốc gia vẫn đang trong trạng thái thăm dò… Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tuyên bố thương mại toàn cầu sẽ giảm tới 30%. Vậy nên đây cũng không phải là khoảng thời gian lý tưởng để tập trung vào xuất khẩu. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích tập trung phát triển buôn bán nội địa bên cạnh việc khám phá tiềm lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử“, ông Sahai cho hay.
Ông bổ sung rằng: “Nhiều người trước nay e ngại thực phẩm Trung Quốc. Giờ thái độ “chống Trung Quốc” tăng lên, tôi nghĩ thực phẩm Trung Quốc còn bị e dè hơn nữa. Điều này cung cấp cho Ấn Độ thị trường lớn để cải thiện xuất khẩu nông nghiệp: trái cây, rau quả, ngũ cốc, hải sản… Đây là một cơ hội cho không chỉ của riêng Ấn Độ“.
Tổng Giám đốc FIEO dự đoán thái độ “chống Trung Quốc” sẽ còn tăng trong 3-4 tháng tới và giải thích rằng nó đang bùng lên ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.
“Nhưng phải nói lại, Trung Quốc làm chủ cuộc chơi xuất khẩu từ lâu, nên việc bị thay thế chắc chắn không dễ dàng. Có điều, chuỗi cung ứng đang dịch chuyển và nó đang được bắt đầu ở Ấn Độ… Những năm qua, nhiều công ty di dộng nước ngoài đã tới Ấn Độ. Điều này giúp Ấn Độ giảm rất nhiều sự phụ thuộc vào nhập khẩu, và tin tốt là giờ các công ty này sử dụng Ấn Độ là cơ sở sản xuất để xuất khẩu hàng sang Trung Đông và Nam Á“.
Việt Nam cũng rất tiềm năng
Ấn Độ và EU đàm phán về một Hiệp định Thương mại tự do toàn diện có tên gọi chính thức là Hiệp định Thương mại và Đầu tư song phương (BTIA) nhưng đàm phán đã bị đình trệ suốt từ tháng 5 năm 2013.
Trong khi đó, Chủ tịch FIEO S K Saraf nhận xét Việt Nam là một người chơi có tiềm lực trong cuộc cạnh tranh “miếng bánh” xuất khẩu. Việt Nam đã kí thỏa thuận tương tự như vậy với EU và thỏa thuận nhiều khả năng có hiệu lực vào tháng 7-8 năm 2020. Chính vì vậy, thời gian gần đây, FIEO càng muốn thúc đẩy mau chóng việc ký kết các hiệp định với EU.
“EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 18% xuất khẩu của Ấn Độ. Xuất khẩu của Ấn Độ sang EU năm 2019 đạt 58.4 tỷ USD thì Việt Nam cũng đạt 52.5 tỷ USD“, ông Saraf viết trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ.
Các sản phẩm của Việt Nam có lợi thế trên thị trường châu Âu vì giá rẻ hơn hàng của Ấn Độ.
“Đặc biệt các mặt hàng may mặc, giày dép, đồ da, nội thất, trà, cà phê… của Việt Nam rất có tính cạnh tranh. Ấn Độ có sức hút với các sản phẩm điện tử, nhưng chuỗi cung ứng điện tử cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam“.
“Đây là động lực để “chúng ta phải đẩy nhanh quá trình hợp tác với EU“, ông Saraf chia sẻ.