HomeStartupXu hướng khởi nghiệp bằng sản phẩm thân thiện với môi trường

Xu hướng khởi nghiệp bằng sản phẩm thân thiện với môi trường

Chưa khi nào vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn chế rác thải nhựa… lại được đặt ra nghiêm trọng như hiện nay. Đáng chú ý, đã có một bộ phận không nhỏ những người trẻ sẵn sàng dấn thân với những startup khởi nghiệp vì môi trường, cộng đồng.

Xu hướng khởi nghiệp bằng sản phẩm thân thiện với môi trường

Quay về lối sống xanh, dùng đồ tre thay đồ nhựa

Nuôi dưỡng ý tưởng từ ngày sinh viên, hai lần rời bỏ trường đại học vì điều kiện gia đình, làm nhiều nghề mưu sinh, Lê Xuân Hà (sinh năm 1989, xã Tân Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) quyết định trở về quê nhà để lập nghiệp.

Trên mảnh đất 10ha của gia đình, Xuân Hà bắt đầu công việc bằng trồng rau sạch. Mọi sinh hoạt trong nông trại là tự cung, tự cấp, không dùng bất cứ loại hóa chất nào. Nhu yếu phẩm hàng ngày của gia đình phần lớn được lấy từ những cây lá trong vườn. Điển hình như gội đầu bằng chanh, lá sả, bồ kết. Nước rửa chén, bột giặt làm từ quả bồ hòn. Rau, quả, thịt, cá dùng trong bữa ăn đều lấy trong vườn của nông trại.

Với cuộc sống “tự cung, tự cấp”, Xuân Hà bắt tay khởi nghiệp với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cũng thử nghiệm qua nhiều dự án như sản xuất tinh dầu từ sả, chanh, sơn kê tiêu, thiên niên kiện, hoa ngũ sắc… cuối cùng anh dừng lại với các sản phẩm từ tre. Từ phản hồi tích cực của một số khách hàng và bạn bè, Xuân Hà bắt đầu tìm hiểu về thị trường sản phẩm từ tre. Nhiều sản phẩm sau đó ra đời như thìa, muỗng, nĩa, bút và phát triển mạnh nhất là ống hút bằng tre.

Một chiếc ống hút tre phải trải qua 10 công đoạn, hoàn toàn thủ công. Nguyên liệu để sản xuất ra ống hút tre đều được trồng tự nhiên, trải qua quá trình khử trùng, triệt mùi ẩm mốc và giảm nguy cơ mối mọt trước khi đem đến tay người sử dụng.

Từ những đơn đặt hàng ban đầu với 5 – 10 sản phẩm, đến hiện tại, anh đã được thị trường biết đến và nhận những đơn hàng có số lượng hàng nghìn chiếc. Đến tháng 9/2018, Xuân Hà quyết định mở rộng xưởng để sản xuất quy mô lớn hơn. Từ đó cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương với mức thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.

Ưu điểm của ống hút tre chính là chịu được nóng, lạnh, không sợ bị giãn nở hay nứt vỡ, sử dụng tiện lợi, đặc biệt còn có thể tái sử dụng nhiều lần. Việc vừa khai thác vừa trồng mới nguyên liệu của công ty cũng góp phần bảo vệ môi trường.

Xuân Hà cho biết, tre, nứa tép là cây mọc theo từng bụi có tán lá rộng, cây con mọc thêm liên tục. Do đó, thời gian cho thu hoạch và phục hồi mật độ cây nhanh chóng. Việc khai thác cây trưởng thành nhưng vẫn còn lại các cây con, do đó giúp giữ được màu xanh tán rừng. “Giữ được tán rừng là giữ được nước, bầu không khí mát mẻ và chống xói mòn đất”, anh Hà chia sẻ.

Xu hướng khởi nghiệp bằng sản phẩm thân thiện với môi trường

Ước mơ biến cỏ thành tiền

Câu chuyện bắt đầu từ những day dứt về hình ảnh chiếc ống hút nhựa bị mắc kẹt trong mũi một chú rùa biển và những bãi biển ngập đầy các loại rác, cô gái trẻ Võ Quốc Thảo Nguyên (Nguyên Võ) nhận thấy, với lối sống nhanh và tiện lợi, ống hút nhựa được sử dụng như một thói quen hàng ngày trong một ly cafe, cốc nước ép hay ly trà sữa nhưng phải mất đến cả mấy trăm năm mới có thể phân hủy một chiếc ống hút.

Đang là trưởng bộ phận Thanh toán – Vận hành tại một ngân hàng nước ngoài với mức thu nhập dư dả, tập hợp những người bạn cùng ý tưởng, Nguyên Võ đã bỏ ngang công việc đang làm và ấp ủ kế hoạch cho ra đời Greenjoy với mong muốn có một sự thay đổi: Ống hút thiên nhiên làm từ cây cỏ bàng là một giải pháp tối ưu thay thế ống hút nhựa.

“Đôi khi chúng ta nghĩ một cái ống hút nhỏ, một cái ly nhựa không gây ảnh hưởng nhiều nhưng cứ thử nghĩ con số đó nhân lên nhiều lần thì khủng khiếp ra sao, mất cả hàng mấy trăm năm để phân hủy. Trong khi đó, nếu sản xuất ra được những sản phẩm từ thiên nhiên thì nếu một người vô ý vứt lại cũng phân hủy rất nhanh và không gây tác động xấu”, Nguyên Võ nói.

Dọc theo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở những vùng đất nhiễm phèn thường mọc lên loài cây mang tên cỏ bàng, bà con nông dân ngày xưa thường sử dụng để làm thủ công mỹ nghệ như đương đệm, đan chiếu hay giỏ xách. Cây cỏ bàng với kích thước thân rỗng và cao có thể sử dụng để làm ống hút góp phần mang lại việc làm cho bà con nghèo miền Tây và việc gieo trồng cỏ bàng còn là nguồn thức ăn chính cho loài chim quý hiếm sếu đầu đỏ.

Từ đó, cô bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về các sản phẩm từ cỏ. Tháng 4/2018, cô cùng nhóm bạn đã gửi ý tưởng ống hút làm từ cỏ bàng cùng ý tưởng “Phá vỡ bức tường ống hút nhựa” tham dự cuộc thi Falling Walls Lab do Đức phối hợp với các trường đại học ở Việt Nam tổ chức và đoạt giải Nhất. Đến tháng 11/2018, Nguyên Võ vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự vòng chung kết được tổ chức tại Berlin, Đức – quy tụ 100 đại diện xuất sắc từ các nước trên toàn thế giới.

Tháng 10/2018, Greenjoy được thành lập với mong muốn mang lại giải pháp tối ưu nhất cho ống hút nhựa ngày càng phá hủy môi trường, góp phần tạo việc làm ổn định cho bà con nông dân miền Tây lam lũ ở vùng đất khắc nghiệt này và đồng hành cùng với các cửa hàng, quán ăn cùng lan tỏa tinh thần sống xanh và phát triển bền vững đến cộng đồng.

Xu hướng khởi nghiệp bằng sản phẩm thân thiện với môi trường

Cây cỏ bàng sau khi được thu hoạch sẽ trải qua 7 bước, từ sơ chế đến tiệt trùng để bảo đảm không bị ẩm mốc. Ngoài loại ống hút tươi còn có ống hút khô, có thể giữ được tối đa trong một năm. Ống hút cỏ có thể tái sử dụng tối đa 3 lần, sau khi sử dụng xong có thể tự phân hủy trong 2 – 3 ngày và dùng làm phân bón trồng các loại cây cỏ thiên nhiên khác.

Theo kinh nghiệm của Nguyên Võ, cây cỏ bàng dễ trồng hơn rất nhiều so với các loại cây khác, chủ yếu sống ở đất nhiễm phèn và không đòi hỏi quá nhiều về dinh dưỡng. Khi nước dâng cao hay lũ lụt thì cỏ lại mọc tốt hơn, tối đa trong vòng 2 năm là có thể thu hoạch.

Loại cây này trước đây bà con nông dân Nam Bộ trồng khá nhiều để làm chiếu hay các dụng cụ đan lát. Nguyên Võ nhận định ống hút cỏ có khả năng phát triển hơn ống hút giấy và ống hút gạo bởi độ bền và bảo đảm vệ sinh tối đa.

Trong tương lai, Nguyên Võ dự tính tận dụng hết các nguyên liệu ở phần trên thân cây để làm thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường như tay cầm cho ly, rổ, rá nhỏ, miếng lót ly, lót chén…

“Đây là các sản phẩm xanh có thể cung cấp cho nhà hàng khách sạn. Điều này một phần giảm thiểu rác thải nhựa tuy tiện lợi nhưng mức độ bền vững quá lâu, ảnh hưởng môi trường xung quanh và đại dương. Tôi mong muốn truyền tải thông điệp đến mọi người, khi đi du lịch, ra biển ăn uống thì phải dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi của họ. Từ ý thức và hành động nhỏ của mình sẽ lan tỏa thông điệp đến những người xung quanh”, cô chia sẻ.

Bạch Dương | Theo Giáo Dục Thời Đại



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img