Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) khi chính thức có hiệu lực không chỉ mở ra tuyến “cao tốc” thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà còn là thêm tuyến xa lộ lớn kết nối nền kinh tế Việt Nam với toàn cầu.
Hiệp định EVFTA sẽ giúp gia tăng mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 27 nước thành viên EU
“Trái ngọt” EVFTA và EVIPA
Ngày 8-6-2020 đã đánh dấu mốc trọng đại trong tiến trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam khi Quốc hội nước ta đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) với số phiếu tuyệt đối 100% số đại biểu có mặt tham gia “bấm nút”. Việc Quốc hội nước ta phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA trong thời điểm hiện nay đã khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu và đã sẵn sàng thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa cũng như đầu tư.
Bên cạnh đó việc thông qua EVFTA cũng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi là quốc gia đang phát triển đầu tiên đàm phán thành công và đưa vào thực thi hiệp định thương mại tự do với một liên minh lớn mạnh và sức ảnh hưởng lớn như Liên minh châu Âu (EU). Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
EVFTA và EVIPA, được đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện EU ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững. Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam – từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với các thành viên EU.
Để có “quả ngọt” EVFTA và EVIPA ngày hôm nay, Việt Nam và EU đã trải qua quá trình dài một thập kỷ không ngừng nghỉ với không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí cả sự chống phá. Trước khi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn các hiệp định này vẫn còn có ý kiến phản đối với các lý do về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững hay lo ngại về khả năng Việt Nam không thực thi đầy đủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước… Tuy nhiên, phía Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, giải thích với EU về những việc đã, đang làm để chứng minh rằng Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.
Tuyến “cao tốc thương mại và đầu tư” lớn giữa Việt Nam và EU chính thức đi vào vận hành vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để hiệp định này có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1-8 tới đây. Tuy nhiên, việc thông qua các hiệp định này mới chỉ là khởi đầu, điều quan trọng tiếp theo là cần đảm bảo việc triển khai các hiệp định suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà các Hiệp định này mang lại.