Theo Phó chủ tịch KoCham, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước bởi các doanh nghiệp khi dời sản xuất khỏi Trung Quốc đều có nhiều lựa chọn.
Chiều 24/9, VBI Fast Track, một nhóm hỗ trợ, xúc tiến nhanh cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam vừa ra mắt tại Hà Nội. Nhóm này đã tổ chức đối thoại về cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI thế hệ mới.
Chia sẻ tại chương trình, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, doanh nghiệp Hàn đang có xu hướng rút khỏi Trung Quốc. Cuối 2019, Samsung đóng cửa nhà máy smartphone cuối cùng tại nước này. Nhà máy sản xuất tivi duy nhất của Samsung tại Thiên Tân được dự kiến đóng cửa vào tháng 11 năm nay.
“Doanh nghiệp Hàn chuẩn bị di dời đến các nước xung quanh trong đó có Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ…”, ông Hong Sun nói. Ông nhấn mạnh, thu hút FDI không phải là cạnh tranh cục bộ địa phương mà ở tầm quốc gia với quốc gia.
Ông cho biết, Indonesia đang tích cực thuyết phục LG đặt nhà máy sản xuất pin gần 10 tỷ USD tại nước này. Lãnh đạo Indonesia cũng đưa ra nhiều ưu đãi cực lớn “không thể không suy nghĩ”, theo ông Hong Sun. Đơn cử, nhà đầu tư có thể được trả lại một nửa khoản đầu tư thông qua các ưu đãi về thuế. Ngay trong Covid-19, các bộ trưởng Indonesia vẫn dùng chuyên cơ sang Hàn Quốc để làm việc với các tập đoàn, ông nói thêm.
Dù vậy, khi đặt lên bàn cân so sánh, Việt Nam cũng có sức hấp dẫn riêng. Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, Việt Nam có thuận lợi về vị trí địa lý, tính năng động, hội nhập cao, hệ thống chính trị tương đối ổn định. Bên cạnh đó, việc chống Covid-19 thành công cũng là dấu cộng lớn cho đất nước này trong thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển chuỗi cung ứng sang.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh, phía Amcham cho biết Việt Nam cần đơn giản hoá các quy trình, thủ tục kinh doanh, các vấn đề về thuế cũng như cải thiện về hạ tầng.
Ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc khu vực tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) có chung nhận định khi cho rằng Covid-19 đang mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút FDI. Ông nhấn mạnh, để thu hút dòng vốn này hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, người sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản lý VBI Fast Track cho biết, theo xu thế “xoay trục” của đầu tư nước ngoài trên thế giới, các doanh nhân trong nhóm đặt mục tiêu tìm kiếm cơ hội kết nối các nhà đầu tư tiềm năng với các dự án.
Bên cạnh đó, VBI Fast Track cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất kinh doanh từ những doanh nghiệp đang hoạt động, bao gồm cả khối FDI. Với thành viên là các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, nhóm đang cùng nhau tháo gỡ khó khăn để mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Đến nay, số tiền đầu tư dự kiến giải ngân có thể lên đến 1 tỷ USD, trong điều kiện thuận lợi về thị trường và môi trường. Hiện Việt Nam vẫn còn 41%, tương đương 158 tỷ USD tiền đầu tư đang chờ giải ngân theo giấy phép đầu tư.
Một nghiên cứu của World Bank chỉ ra, 91% doanh nghiệp đa quốc gia sẽ còn gắn bó với Việt Nam trong 3 năm tới. 46% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng kinh doanh, 45% duy trì hoạt động. Chỉ 1% thu hẹp và 8% có ý định rời đi.
Các tập đoàn này cũng đưa ra 3 điểm khó khi kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, quy trình phê duyệt đầu tư là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài. Tiếp theo là yêu cầu nội địa hoá và các quy định với người lao động nước ngoài.
Phương Ánh